Ảnh minh họa: kttvttb.
Bà Hương 57 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết dòng họ gia đình có truyền thống đốt than sưởi cho sản phụ mới sinh để giúp người mẹ và em bé cứng cáp, khỏe mạnh, sau này không bị bệnh tê chân tay. Bà Hương hai lần sinh con cũng được mẹ cho nằm than. Về sau bà Hương áp dụng phương pháp cho con gái và con dâu khi sinh nở.
Gần đây con dâu út của bà Hương không đồng ý việc sưởi than vì cho rằng "phản khoa học", từ đó dẫn đến cự cãi, mẹ chồng và nàng dâu không nhìn mặt nhau. "Tôi chỉ muốn tốt cho con cháu mà chúng nó không hiểu", người phụ nữ tóc hoa râm kể.
Ở tuổi 40, chị Thoa trải qua ba lần sinh nở đều được mẹ cho nằm sưởi than. Người phụ nữ thú thật không hiểu cách sưởi than dân gian này lợi hại như thế nào. Chị chia sẻ: "Trời nóng vã mồ hôi mà vẫn phải hun than hầm hập".
Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Quốc tế City, khuyến cáo không nên cho sản phụ và trẻ sơ sinh sưởi than vì có thể dẫn đến bị ngạt, nổi rôm sảy, viêm da, nhiễm trùng da.
Than đốt thải ra khí độc CO2 không tốt cho cả mẹ và bé. Hệ hô hấp của bé còn yếu nên có thể dẫn tới ngạt thở tử vong. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc than sưởi nên cả sản phụ và em bé tử vong. Bác sĩ cho rằng đó là bài học cho các gia đình đang "lưu giữ truyền thống nằm than" phi khoa học này.
Ở góc độ khác, bác sĩ Xuyến phân tích: Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau, lúc nóng, lúc tắt. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn. Lửa than có thể bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé. Không gian bí bách do than sưởi nóng trong phòng cũng là nguyên nhân khiến hai mẹ con bị nổi mẩn đỏ.
Thay vào đó, bác sĩ khuyên sản phụ nên mở cửa sổ đón nắng gió vào phòng thông thoáng. Tuy nhiên không nên để mẹ và đặc biệt là bé nằm ở hướng gió lùa vào. Nên phòng có điều hòa thì đặt máy lạnh 28 độ C trở lên. Có thể dùng quạt gió cho thoáng nhưng tránh đặt quạt quay thẳng vào người mẹ và bé. Mẹ không nên quấn kín con khiến bé cảm thấy khó chịu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!