Bản báo cáo nhấn mạnh, nếu chúng ta không tạo ra được sự thay đổi triệt để vào chính lúc này, các căn bệnh kháng thuốc có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người mỗi năm, tính đến trước năm 2050.
Kháng thuốc xảy ra khi chúng ta lạm dụng kháng sinh khi điều trị cho con người, động vật và thực vật. Mỗi lần một loại kháng sinh mới ra mắt, nó mang lại hiệu quả tuyệt vời, thậm chí, cứu mạng bệnh nhân - nhưng chỉ được một thời gian. Sau đó, vi khuẩn sẽ tìm ra cách thích ứng. Dần dần, kháng sinh trở nên kém hiệu quả và kết cục, con người phải đối mặt với căn bệnh mà chúng ta chẳng biết phải điều trị thế nào.
Trên toàn thế giới, đã có 700.000 người tử vong mỗi năm do mắc bệnh kháng thuốc, bao gồm 230.000 trường hợp thiệt mạng vì bệnh lao phổi kháng đa thuốc.
Những vấn đề phổ biến như bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs), bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cũng ngày càng biểu hiện khả năng kháng thuốc. Cùng với tình trạng các quy trình thường lệ của bệnh viện như mổ sinh ngày càng trở nên nguy hiểm là nguy cơ liên quan tới nhiễm trùng gia tăng.
Tuy nhiên, bác sĩ, nông dân và nhiều người khác vẫn tiếp tục sử dụng quá nhiều kháng sinh, từ đó, thúc đẩy nguy cơ kháng thuốc. Amy Mathers, phụ trách phòng thí nghiệm Sink Lab của Đại học Virginia, tiết lộ, hơn 10 năm qua, đã có sự gia tăng số lượng bệnh nhân Mỹ bị nhiễm loại vi khuẩn mà không còn loại kháng sinh nào có thể điều trị hiệu quả. 'Mỗi tháng một lần, tôi được chứng kiến tình trạng này, 1 thập kỷ trước, những chuyện như vậy vẫn còn rất hiếm', bà cho biết.
Những chuyên gia như Mathers không ngừng lên tiếng cảnh báo về việc các loại siêu khuẩn kháng thuốc đang tiềm ẩn mối đe doạ to lớn đối với sức khỏe con người. Và bây giờ, bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định rằng, tình trạng kháng thuốc có thể gây hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.Nó khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng chóng mặt và có thể gây ra những thiệt hại kinh tế tương tự cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Tin tốt là có thể giải quyết vấn đề này mà không tiêu tốn quá nhiều tiền bạc. Nếu mỗi người ở các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao và trung bình đầu tư 2 USD/năm, chúng ta có thể nghiên cứu tìm ra các loại thuốc mới và áp dụng những biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ từ tình trạng kháng thuốc.
Kevin Outterson, giáo sư Đại học Boston, chuyên gia về kháng kháng sinh và không trực tiếp liên quan tới nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, chia sẻ: 'Với nước Mỹ, tổng chi phí để xử lý hậu quả của tình trạng kháng kháng sinh là 1,5-2 tỷ USD/năm. Tương đương với chi phí chúng ta bỏ ra cho giấy vệ sinh vài tháng một lần'.
Hơn thế, không giống biến đổi khí hậu, kháng kháng sinh là vấn đề có sự đồng thuận của cả giới khoa học lẫn chính trị, chứ không phải hai bên bất đồng vì không thể tìm ra được vấn đề thực sự nằm ở đâu.
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu thực sự có một cách tiết kiệm chi phí để giải quyết một vấn có tầm ảnh hưởng lớn như vậy, và một cách lý tưởng, nó không hề gây tranh cãi, vậy tại sao chúng ta lại vẫn chưa tiến hành giải pháp đó?
Các công ty không có động cơ tài chính để giải quyết vấn nạn kháng thuốc
Mất nhiều năm và rất nhiều tiền để tiến hành nghiên cứu, phát triển một loại thuốc kháng sinh mới có thể ra mắt thị trường. Phần lớn là thất bại. Ngay cả khi thành công, kết quả thu về cũng thật nhỏ bé: Kháng sinh – ít nhất về mặt lý thuyết, là loại thuốc được coi như cứu cánh cuối cùng – không tiêu thụ tốt như các loại thuốc cần dùng hàng ngày. Do đó, với các công ty công nghệ sinh học, động cơ tài chính chưa đủ để họ tập trung tìm ra giải pháp rốt ráo cho tình trạng kháng thuốc.
Mặc dù kháng thuốc ảnh hưởng ngang bằng đối với các quốc gia thu nhập cao và thu nhập thấp, những nước phương Tây giàu có được trang bị tốt hơn để xử lý một cuộc khủng hoảng y tế. Đó là lý do họ có thể cảm thấy không cần quá cấp bách, vội vã gì trong việc giải quyết nạn kháng thuốc.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc và thông tin từ nhiều chuyên gia khác cho rằng, chúng ta cần ngừng coi kháng sinh như thể chúng là một sản phẩm bất kỳ nào đó trên thị trường tự do, nơi giá trị của sản phẩm được quyết định bằng số lượng được bán ra. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ về kháng sinh như một tài sản công cộng, có ý nghĩa thiết yếu đối với một xã hội vận hành – như cơ sở hạ tầng hoặc an ninh quốc gia vậy. Và chính phủ nên chi trả các khoản tài chính để nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.
Giáo sư Outterson giải thích: 'Kháng sinh là sản phẩm mà chúng ta muốn bán càng ít càng tốt. Lý tưởng nhất là một loại kháng sinh kỳ diệu, cứ thế nằm trên giá trong nhiều thập kỷ, chờ đợi tới lúc chúng ta cần nó. Như vậy, sẽ rất tốt cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng nó đồng thời lại là thảm họa đáng sợ đối với một công ty'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!