Thuốc nào trị gan nhiễm mỡ?

Cần biết - 04/19/2024

Gan nhiễm mỡ là bệnh đang có xu hướng gia tăng hiện nay.

Tùy theo mức độ bệnh mà thầy thuốc sẽ có tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Vậy khi bị gan nhiễm mỡ, người bệnh cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Gan nhiễm mỡ còn gọi là gan thoái hóa mỡ, đây là tình trạng mỡ ứ đọng trong gan do nhiều nguyên nhân. Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh nhưng chúng có biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý từ các nguyên nhân khác nhau như béo phì, đái tháo đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi; sử dụng một số loại thuốc gồm corticoid, tamoxiphen, amiodarone...; đặc biệt, trên thực tế có khoảng 70% trường hợp gan nhiễm mỡ do béo phì.

Đặc điểm bệnh lý gan nhiễm mỡ

Trong cơ thể bình thường, lượng mỡ chiếm khoảng 3 - 5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ khi lượng mỡ ở gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và khi vượt quá 30% là nhiễm mỡ mức độ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ phụ thuộc vào các bệnh chính là nguyên nhân gây bệnh được nêu ở trên, những tác nhân này làm cho các tế bào Kupffer của gan hoạt động quá mức, gián đoạn quá trình oxy hóa acid béo, tăng tích lũy chất béo, đồng thời cũng giảm phân giải chất béo dẫn đến lượng mỡ trong gan tích tụ nhiều gây mỡ hóa tế bào gan hay gan nhiễm mỡ.

Theo đó, chức năng gan bị suy yếu dần, chất độc tích tụ nhiều tại gan lâu ngày sẽ làm cho tế bào gan bị viêm, hoại tử; tình trạng gan nhiễm mỡ càng nguy hiểm hơn. Bệnh gan nhiễm mỡ thường diễn biến âm thầm và ít biểu hiện triệu chứng nên phần lớn người bệnh thường bỏ qua thời điểm bệnh nhẹ, khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, xơ gan, ung thư gan mới chữa trị sẽ rất khó khăn và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời, hiệu quả.

Thuốc nào trị gan nhiễm mỡ?

Khi bị gan nhiễm mỡ, người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ tiêu hóa.

Thuốc trị gan nhiễm mỡ

Do gan nhiễm mỡ có biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau nên muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra và thực tế không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi hẳn gan nhiễm mỡ nếu như không điều trị nguyên nhân. Điều trị gan nhiễm mỡ có mục đích làm giảm nguy cơ gây ra tình trạng này và phòng ngừa ảnh hưởng như tránh uống rượu bia nhiều, hạn chế ăn nhiều chất đường và mỡ; luyện tập thể dục thường xuyên, tránh dùng các thuốc gây độc cho gan, điều trị bệnh lý nguyên nhân gây bệnh. Lưu ý điều trị viêm gan do virut, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... theo chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trên thực tế, tùy theo tình trạng gan nhiễm mỡ, có thể sử dụng một số loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như:

Cholin: Là thành phần của phosphatidyl, cholin tham gia quá trình chuyển đổi methyl và thay đổi lipo-protein trong cơ thể. Trong khẩu phần thức ăn thiếu cholin có thể gây bệnh viêm gan do mỡ và xơ hóa, vì vậy, khi bổ sung thuốc có cholin sẽ giúp phòng ngừa hoặc giảm tổn thương gan do thiếu cholin hoặc do ảnh hưởng của bia rượu.

Methionin: Đây là một acid amin cần thiết có tác dụng cung cấp methyl để tạo thành cholin cho cơ thể, đồng thời cũng có tác dụng quan trọng trong việc duy trì quá trình hòa tan phospho-lipid, hoàn chỉnh kết cấu và chức năng sinh vật. Thuốc thúc đẩy quá trình hòa tan mỡ trong gan và bảo vệ gan, giải độc gan; tác dụng tiêu mỡ của thuốc thực hiện gián tiếp thông qua cholin và hiệu quả ảnh hưởng methionin chỉ chiếm khoảng 10 - 20% của cholin.

Các loại vitamin: Vitamin nhóm B, vitamin C và E có trong cơ thể cũng có tác dụng tham gia vào quá trình hòa tan chất béo trong gan và có ảnh hưởng nhất định trong việc bảo vệ tế bào gan. Nếu cơ thể thiếu các loại vitamin này có thể sẽ gây nên tình trạng mỡ biến tính ở vùng trung tâm lá gan nhỏ, thậm chí còn gây hoại tử. Nếu kịp thời bổ sung đầy đủ các loại vitamin cần thiết thuộc nhóm này có thể ngăn ngừa mỡ biến tính ở trong tế bào gan, ngăn ngừa sự phát sinh tổ chức xơ dẫn đến xơ gan.

Acid amin:Thực tế protid là chất cơ bản để tạo thành các mô tế bào trong cơ thể, chúng cũng có tác dụng quan trọng trong việc duy trì và phục hồi chức năng gan, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi các tổ chức tế bào bị tổn thương và sự hợp thành thể miễn dịch globulin. Khi cơ thể thiếu protein có thể gây bệnh gan nhiễm mỡ, vì vậy, để duy trì lượng protein cần thiết cho các cơ quan của cơ thể trong đó có gan, cần phải bổ sung lượng acid amin đầy đủ và cân đối.

Silymarin: Đây là tên gọi chung của một nhóm chất được chiết xuất từ nguồn gốc thực vật với cơ chế tác dụng chủ yếu là ổn định màng tế bào gan, kháng gốc tự do và mỡ đã qua oxy hóa, kích thích sự tạo thành protein, thúc đẩy sự tái sinh của những tế bào gan đã bị tổn thương.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!