Thuốc trị bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bài thuốc dân gian - 04/29/2024

Ở Việt Nam, một số vùng, lậu cầu kháng lại các kháng sinh thuộc nhóm quinolone, penicilin, kanamycin.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là bệnh rất thường gặp. Theo ước tính của các chuyên gia, hằng năm ở Việt Nam có khoảng gần 1 triệu trường hợp mới mắc bệnh LTQĐTD. Điều nguy hiểm là kiến thức về bệnh còn rất nhiều người chưa biết đến.

Các hành vi có nguy cơ cao lây truyền bệnh do thay đổi bạn tình thường xuyên, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với các bạn tình gặp ngẫu nhiên, với gái mại dâm hoặc khách làng chơi...

Các nhóm người dễ bị mắc bệnh gồm: gái mại dâm, khách làng chơi (bao gồm những công nhân nhập cư), nam giới đồng tính luyến ái, người tiêm chích ma tuý, người nhiễm HIV/AIDS.

Tác nhân gây bệnh

Nhóm vi khuẩn: xoắn khuẩn giang mai, lậu cầu, Chlamydia trachomatis, trực khuẩn hạ cam, ureaplasma urealyticum, klebsiella granlomatis, gardnerella vaginalis, liên cầu nhóm B, vi khuẩn kỵ khí âm đạo.

Nhóm vi-rút: Vi-rút Herpes simplex, vi-rút u mềm lây, HIV, vi-rút viêm gan B, vi-rút sùi mào gà.

Nấm và các tác nhân khác: Nấm men Candida, trùng roi âm đạo, cái ghẻ, rận mu.

Những biến chứng: Những biến chứng chủ yếu của bệnh LTQĐTD ở nam là viêm mào tinh hoàn, vô sinh, chít hẹp niệu đạo.

Một số bệnh LTQĐTD thường gặp

Bệnh LTQĐTD qua đường tình dục có rất nhiều, tuy nhiên, ở nam giới thường gặp các bệnh như giang mai, lậu, hạ cam, bệnh sùi mào gà.

Giang mai: Thời kỳ ủ bệnh khoảng 3 - 4 tuần (có thể từ 10 - 90 ngày). Giai đoạn đầu xuất hiện các vết trợt nông, tròn hay hình bầu dục, hồng, không đau, không ngứa, giới hạn rõ, đáy rắn và sạch, bờ thâm nhiễm ở ngay nơi vi khuẩn xâm nhập (gọi là săng). Thường chỉ có một săng đơn độc mà đại đa số ở bộ phận sinh dục.

Khoảng 6 - 8 tuần sau khi săng lành. Bất kỳ nội tạng nào của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Thời kỳ này xuất hiện ban đỏ toàn thân, thường có cả ở lòng bàn tay, bàn chân, mu tay và mu chân. Có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, sẩn phì đại, mảng niêm mạc. Sẩn phì đại hay gặp ở vùng da ẩm: sinh dục, hậu môn, miệng, họng, trông giống sùi. Mảng niêm mạc có thể nhìn thấy trong miệng, họng, sinh dục và hậu môn, trông giống các vết loét; sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp...

Thuốc trị bệnh lây truyền qua đường tình dục

Giang mai thời kỳ 1 và thời kỳ 2 lây rất mạnh. Một loại giang mai kín thì không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ có xét nghiệm huyết thanh dương tính.

Điều trị:

Lựa chọn đầu tiên: Benzathine penicillin liều cao 2,4 triệu đơn vị tiêm bắp liều duy nhất.

Các lựa chọn khác: Procaine benzyl penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp, trong 10 ngày.

Đối với người bệnh dị ứng với penicilin thì chuyển kháng sinh khác như: doxycycline; hoặc tetracycline; hoặc erythromycin. Liều dùng do bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho từng bệnh nhân.

Chú ý: Doxycycline, tetracycline không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ dưới 7 tuổi.

Bệnh lậu (viêm niệu đạo do lậu)

- Thời gian ủ bệnh: 3 - 5 ngày, bệnh nhân thấy mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây viêm mào tinh hoàn (thường một bên) biểu hiện bởi sưng nóng đỏ, có thể kèm theo sốt. Nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh.

Viêm trực tràng do lậu

- Biểu hiện: Triệu chứng bao gồm đau khi đại tiện, tiết dịch mủ nhày, chảu máu trực tràng. Soi trực tràng có thể thấy trực tràng viêm và có mủ; có thể gây áp-xe tại chỗ.

- Điều trị bệnh lậu: Mọi bệnh nhân được chẩn đoán lậu cần phải được điều trị Chlamydia kèm theo.

- Lựa chọn đầu tiên: cefixime uống.

- Các lựa chọn khác: ceftriaxone tiêm bắp; hoặc spectinomycin tiêm bắp liều duy nhất; hoặc azithromycin 2g, uống. Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng thích hợp một trong các loại kháng sinh trên.

Chú ý: Ở Việt Nam, một số vùng, lậu cầu kháng lại các kháng sinh thuộc nhóm quinolone, penicilin, kanamycin.

Bệnh hạ cam: Là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Hemophilus ducreyi gây nên. Tổn thương là vết loét mềm ở bộ phận sinh dục, thường xuất hiện 3-5 ngày sau khi lây bệnh. Nam bị nhiều hơn nữ.

Loét ở sinh dục: Ban đầu là một hay nhiều mụn mủ hay săng, sau đó trở thành vết loét đau, mềm, bờ nham nhở, đáy thường có mủ và chất tiết bẩn, dễ chảy máu, xung quanh có một quầng màu đỏ. Thường có nhiều vết loét, có khi kết lại thành một vết loét lớn. Vị trí thường gặp là bao da quy đầu và rãnh quy đầu.
Hạch sưng to và đau, gặp ở khoảng 50% bệnh nhân (thường hạch to ở một bên). Hạch có thể vỡ tạo thành một vết loét lâu lành.

Điều trị: Ceftriaxone tiêm bắp liều duy nhất.

Chọn lựa khác: azithromycin, uống liều duy nhất, hoặc erythromycin uống trong 7 ngày. Liều lượng và thời gian uống thuốc do bác sĩ chỉ định.

Bệnh sùi mào gà sinh dục: Bệnh do Human Papilloma virus (HPV) gây nên. Có rất nhiều chủng vi-rút. Tổn thương khu trú ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Hiếm gặp hơn, ở trẻ em có thể bị u nhú ở thanh quản do lây từ mẹ khi sinh đẻ. Phụ nữ bị nhiễm một số chủng (týp 16, 18)  có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Thời gian ủ bệnh từ 2- 6 tháng. Biểu hiện là các u nhú màu hồng tươi, mềm, có chân hoặc có cuống, không đau, dễ chảy máu, trông giống như u nhú ở bất kỳ chỗ nào của cơ thể. Ở nam giới, sùi hay thấy ở rãnh quy đầu, bao da và thân dương vật, có khi ở miệng sáo.

Điều trị: Bệnh sùi mào gà có thể điều trị bằng cách đốt điện hoặc chấm dung dịch như podophyllin 25%, hoặc chấm acidtrichloracetic 80%. Ngoài ra có các phương pháp điều trị khác như nitơ lỏng, laser tại chỗ hoặc phẫu thuật, được tiến hành ở những trung tâm y tế có đủ trang thiết bị và kỹ thuật.

Nguồn ảnh: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!