Bệnh thường xảy ra sau mùa mưa lũ ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém với nguồn lây nhiễm từ đồ ăn, thức uống chưa được nấu chín, do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hay gián tiếp qua đồ dùng và bệnh phẩm của bệnh nhân. Để điều trị hiệu quả bệnh hiện nay vẫn là việc dùng thuốc, trong đó quan trọng nhất là thuốc kháng sinh và dung dịch bù nước, điện giải.
Biến chứng do bệnh gây ra là gì?
Sau khi phơi nhiễm hay ăn phải thức ăn, nước uống chứa Salmonella, vi khuẩn xâm nhập qua ruột non, đi vào bạch huyết rồi nhân lên trong gan, túi mật, lá lách, tủy xương, máu và nhiều cơ quan khác gây bệnh. Thể bệnh thương hàn điển hình thông thường trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài trung bình 1- 2 tuần và không có triệu chứng. Giai đoạn khởi phát diễn biến từ từ trong 1 tuần. Giai đoạn toàn phát kéo dài 2 tuần, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-400C và có những biểu hiện của hội chứng nhiễm độc thần kinh như nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, nói ngọng, tay run, mắt đờ đẫn. Nặng hơn bệnh nhân có thể li bì, mê sảng, ít gặp hơn là hôn mê. Giai đoạn này, bệnh nhân thường bị đau trướng bụng nhẹ, đi ngoài phân lỏng sệt, màu vàng nâu, mùi rất khó chịu, khoảng 5-6 lần/ngày. Tới giai đoạn lui bệnh, trong khoảng 1 tuần, thân nhiệt dao động mạnh rồi giảm từ từ. Bệnh nhân đỡ mệt, ăn ngủ khá hơn, hết rối loạn tiêu hoá và dần hồi phục.
Một số biến chứng thường gặp trên hệ tiêu hóa, tim mạch, thần kinh như: xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm cơ tim, trụy mạch, viêm gan, viêm túi mật, viêm màng não, viêm cầu thận, viêm bể thận, suy thận, viêm phổi, tràn mủ màng phổi, viêm xương, viêm màng xương là những biến chứng hiếm gặp hơn ở hệ hô hấp, tiết niệu, xương khớp.
Bệnh thương hàn thường gặp ở vùng lũ lụt do ăn phải thức ăn nhiễm Salmonella.
Các thuốc hàng đầu điều trị bệnh
Khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thương hàn, người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm. Khi đã được chẩn đoán xác định, bệnh nhân phải được cách ly để điều trị, đồng thời theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các biến chứng và can thiệp kịp thời.
Nguyên tắc điều trị cho bệnh nhân thương hàn là dùng kháng sinh đặc hiệu để tiêu diệt vi khuẩn và điều trị các triệu chứng cũng như biến chứng gặp phải. Hiện nay, ở nước ta, trực khuẩn thương hàn đã kháng lại với các loại kháng sinh trước đây thường dùng để điều trị như cloramphenicol, ampiciline, co - trimmoxazole nhưng vẫn còn nhạy cảm với các kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolone thế hệ 2 và một số cephalosporine thế hệ 3.Vì vậy, hai nhóm này được lựa chọn là thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân thương hàn trong các phác đồ kéo dài từ 7- 14 ngày.
Một số fluoroquinolone: Thuốc trong nhóm này thường được dùng trong điều trị bao gồm ofloxacine, fleroxacine, ciprofloxacine, pefloxacine, nofloxacine dạng viên với các hàm lượng khác nhau. Đối với các thể thương hàn nặng, có biến chứng, bệnh nhân không uống được thì phải dùng thuốc qua đường tĩnh mạch cho đến khi có thể thay bằng đường uống. Việc pha chế thuốc truyền tĩnh mạch phải được thực hiện đúng chuẩn, vô khuẩn. Fluoroquinolone là nhóm thuốc có tác dụng diệt khuẩn mạnh ngay cả với những chủng thương hàn đa kháng thuốc. Nhưng khi dùng thường gặp tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt, ảo giác, tăng men gan tạm thời…
Nhóm cephalosporine: Nhóm thuốc này trong điều trị sốt thương hàn thường dùng có ceftriaxone và cefotaxim tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, các cephalosporine chỉ dùng dạng tiêm, giá thành cao, cắt sốt chậm hơn lại có thể gây dị ứng và đã có tỉ lệ kháng thuốc nhất định. Song ưu điểm của nhóm này là dùng được cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em.
Thuốc hạ sốt, an thần: Khi bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao hay mất ngủ, cần được dùng thuốc hạ sốt, an thần.
Bù nước và điện giải: Nếu người bệnh có dấu hiệu mất nước, điện giải do sốt kéo dài và do đi ngoài thì cần được bổ sung 1,5- 2 lít dịch/ ngày. Tuy không điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để chống mất nước và điện giải, từ đó tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra. Dịch bù nước điện giải cho bệnh nhân có thể dùng glucose 5%, ringerlactat và natri chlorid 0,9% hay oresol. Khi pha chế gói oresol cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải.
Bên cạnh đó, chế độ ăn lỏng, mềm và đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân là cần thiết. Đến thời kỳ hồi phục, bệnh nhân có thể ăn đồ đặc hơn.
Cần làm gì để phòng bệnh?
Để dự phòng bệnh lý này cần thực hiện vệ sinh môi trường sau lũ lụt, kiểm soát nước, chất thải, cống rãnh, khử trùng nguồn nước (bằng chloramin B), xử lý rác bằng cách rắc vôi bột, phun cresyl để khử khuẩn, phun DDVP hoặc đặt mồi diệt ruồi... tại những bãi rác công cộng. Nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh cần cách ly và xử lý chất thải của bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ và điều trị người lành mang trùng. Ở những nơi bệnh thương hàn thường xuyên xảy ra nên tiêm phòng bằng vắc-xin.
ThS. Mai Ngọc Tú
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!