Thuốc trị viêm gan B mạn tính, dùng sao cho đúng?

Cần biết - 11/24/2024

Hiện nay viêm gan B xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng, trong đó nhiều trường hợp dẫn đến mạn tính.

Với những trường hợp này nếu không kiểm soát tốt sẽ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan... Vì vậy người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc sao cho đúng, nhằm hạn chế hậu quả không mong muốn này.

Viêm gan B là bệnh do virut gây nên, có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tháng và lây truyền do quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, hoặc truyền máu...

Đa số người lớn khỏe mạnh bị nhiễm bệnh đều có thể loại bỏ được virut và bình phục, có khoảng 15% bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính; trẻ nhỏ 1-5 tuổi nhiễm bệnh chuyển sang mạn tính chiếm đến 50%; đối với trẻ sơ sinh tỷ lệ này lên tới 90%.

Trên thực tế, nếu kết quả xét nghiệm dương tính với virut viêm gan B trong thời gian dài hơn 6 tháng là dấu hiệu của nhiễm viêm gan B mạn tính.

Những người bị viêm gan B mạn tính nên đi khám bệnh ít nhất mỗi năm một lần để được chăm sóc theo dõi y tế thường xuyên dù có được điều trị hay không. Sau khi được chẩn đoán bị viêm gan b mạn tính, virut có thể tồn tại trong máu và gan suốt đời, đồng thời có khả năng lây nhiễm sang người khác; do đó việc ngăn ngừa sự lây nhiễm là cần thiết.

Thuốc trị viêm gan B mạn tính, dùng sao cho đúng?

Virut gây bệnh viêm gan B.

Những lưu ý khi dùng thuốc

Hiện nay chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả bệnh viêm gan B mạn tính bằng thuốc đặc hiệu nhưng người bệnh có thể sử dụng hai loại thuốc kháng virut và thuốc điều chỉnh miễn dịch nhằm hạn chế bệnh phát triển.

Thuốc kháng virut có khả năng làm chậm hoặc ngăn chặn virut viêm gan B, làm giảm viêm và tổn thương gan, được dùng dưới dạng viên nén uống mỗi ngày một lần trong ít nhất 1 năm hoặc dài hơn (tùy từng trường hợp).

Có 6 loại thuốc được phê duyệt nhưng chỉ có 3 loại khuyến cáo ưu tiên sử dụng gồm: Tenofovir disoproxil (viread/TDF), tenofovir alafenamide, entecavir vì chúng an toàn, hiệu quả, khắc phục được khả năng đột biến và tình trạng virut kháng thuốc so với các loại thuốc cũ.

Thuốc điều chỉnh miễn dịch có khả năng tăng cường hệ miễn dịch giúp kiểm soát được virut viêm gan B và được tiêm trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm; loại thuốc được khuyến cáo ưu tiên sử dụng gồm interferon alfa-2b (intron A) và PEG interferon (pegasys).

Theo các nhà khoa học, mặc dù các loại thuốc này chưa phải là thuốc điều trị đặc hiệu nhưng chúng có khả năng làm virut chậm phát triển và làm giảm nguy cơ bị bệnh gan nghiêm trọng về sau; giúp người bệnh khỏe hơn trong vài tháng, thậm chí khi dùng lâu dài có thể hồi phục trong một số trường hợp.

Cần lưu ý thuốc kháng virut không được dùng ngắt quãng, vì vậy nên có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ trước khi điều trị; không phải tất cả bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính đều phải dùng thuốc mà cần có sự đánh giá, khuyến cáo, chỉ định và thường xuyên theo dõi của bác sĩ.

Hiện nay có một số thảo dược được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan B mạn tính nhưng các thảo dược này phải được chứng minh bằng cơ sở khoa học, phải được kiểm tra hoạt chất trong thảo dược đó có bảo đảm an toàn cho gan hay không để bảo vệ gan khỏi bị bất kỳ một tổn thương hay nguy hại nào thêm nữa.

Các biện pháp bảo vệ gan

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần có các biện pháp để bảo vệ gan như: Định kỳ khám bệnh tại các bác sĩ chuyên khoa về gan; tiêm vắc-xin viêm gan khác để bảo vệ khỏi bị một loại virut khác tấn công vào gan; không uống rượu, hút thuốc lá vì cả hai có thể làm tổn thương gan khi đã bị virut viêm gan B tấn công; thận trọng khi dùng các loại thuốc thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc vitamin vì chúng có thể gây trở ngại cho thuốc điều trị viêm gan B, thậm chí làm tổn thương thêm gan; tránh hít phải hóa chất bốc lên từ sơn, chất pha loãng sơn, chất tẩy rửa vệ sinh, chất sơn và tẩy rửa móng tay chân, các hóa chất khác vì chúng có khả năng gây độc và làm tổn thương gan; cần có chế độ ăn uống lành mạnh gồm hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt nạc, rau cải... để giúp bảo vệ gan.

Tránh ăn động vật có vỏ còn sống hoặc tái như nghêu, sò, ốc, hến, hàu... vì chúng có thể bị nhiễm virut Vibrio vulnificus rất độc hại cho gan. Không dùng các loại ngũ cốc đã bị nhiễm nấm mốc vì trong đó có thể có chất aflatoxin là một yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Việc luyện tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi hợp lý cũng là một điều cần được quan tâm.

Tóm lại, thuốc điều trị viêm gan B mạn tính thường được sử dụng trong một thời gian dài theo chỉ định của bác sĩ, vì vậy bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ thường xuyên một cách chặt chẽ để có khuyến cáo phù hợp.

Một vấn đề cần lưu ý là tất cả các loại thức ăn, nước uống, chất hít thở qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da đều được cơ thể hấp thu và chuyển hóa tại gan nên có thể làm nguy hại, tổn thương thêm cho gan ở những người bệnh vốn đã bị viêm gan B mạn tính. Phải nhớ rằng khi bị viêm gan B mạn tính, việc bảo vệ gan bằng các biện pháp là rất cần thiết song hành cùng với việc điều trị bằng thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!