Nguyên nhân
Sốt xuyết huyết do virút Dengue gây ra ( SXHD). Virút Dengue có 4 týp huyết thanh (từ D1- D 4) và ở nước ta bệnh SXHD có cả 4 týp nhưng hay gặp nhất là týp D1 và D2. SXHD lây từ người bệnh sang người lành là do muỗi. Muỗi mang virút truyền bệnh là loại Aedes aegypti (muỗi vằn) và muỗi Aegypti albopictus (muỗi hổ châu Á).
Chúng thường sinh sống ở những nơi ao tù, nước đọng chung quanh nhà (lốp xe hỏng, máng nước, lọ cắm hoa…), các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum, vại, lu, bể chứa nước…) hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Muỗi Aedes hoạt động cả ban ngày, cả ban đêm.
Sau thời kỳ nung bệnh là sốt cao đột ngột và liên tục. Ảnh minh họa.
Đường lây truyền bệnh?
Khi muỗi Aedes hút máu bệnh nhân, virút sẽ tồn tại trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày. Sau đó khi muỗi đốt, hút máu người lành sẽ truyền virút cho người đó.
Khi virút Dengue vào cơ thể người, chúng lưu hành trong máu từ 2 - 7 ngày, nếu muỗi Aedes hút máu người này, virút sẽ được truyền cho muỗi, muỗi này khi hút máu người lành khác sẽ truyền virút cho người đó.
Đặc điểm nổi bật của muỗi Aedes là thích hút máu người cả ban ngày, cả ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và chập tối.
Triệu chứng của bệnh như thế nào?
Thời kỳ nung bệnh khoảng từ 4 - 10 ngày, sau đó sốt cao đột ngột và liên tục. Điều đáng lưu ý nhất của SXHD là sốt cao đột ngột và hạ thân nhiệt cũng đột ngột, kèm theo tụt huyết áp, do vậy cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc hạ nhiệt. Ngoài sốt cao đột ngột, có thể có rét run, nhức đầu nhiều, đau nhức cơ, khớp và hai hố mắt, mỏi toàn thân.
Thêm vào đó là vã mồ hôi, có khi buồn nôn hoặc nôn, chán ăn do nhiễm độc, mất nước và chất điện giải bởi sốt hoặc nôn. Khi bắt đầu hạ sốt (thân nhiệt bắt đầu giảm), xuất hiện da sung huyết, phát ban, xuất huyết. Tuy vậy, một số trường hợp, các dấu hiệu xuất huyết có thể xảy ra ngay khi người bệnh đang sốt cao.
Khi bắt đầu hạ sốt xuất hiện da sung huyết, phát ban, xuất huyết
Xuất huyết có nhiều dạng khác nhau như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, ở da có dạng ban đỏ, chấm, mảng bầm tím hoặc mảng sung huyết hoặc kinh nguyệt kéo dài (phụ nữ), nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu (tiểu ra máu).
Để sơ bộ xác định có phải xuất huyết hay không, có thể dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay làm căng vùng da sung huyết nếu thấy vẫn đỏ là xuất huyết, nếu thấy mất đi là không phải xuất huyết (dấu hiệu “ấn ngón tay” hay còn gọi là thời gian hồi phục màu da ≥ 2 giây). Có thể quan sát hiện tượng xuất huyết bằng nghiệm pháp giây thắt.
Trong những trường hợp nặng có thể đái ra máu, đi ngoài phân đen, ho ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài (phụ nữ), nặng nhất là xuất huyết nội tạng, xuất huyết não. SXHD là dù thể loại gì cũng có sốt cao làm mất nước, rối loạn chất điện giải và làm tăng tính thấm thành mạch (thoát huyết tương) từ đó làm tụt huyết áp và gây sốc.
Sốc của bệnh sốt huyết huyết thể hiện như thế nào?
Khi bị sốc có dấu hiệu vật vã (hoặc li bì), đau bụng (có khi rất dữ dội rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa, gan mật), chân tay lạnh, đặc biệt là ở các đầu ngón tay, ngón chân. Xuất huyết và đái ít, nếu xử trí không kịp thời có thể tử vong.
Cần làm xét nghiệm gì không?
Để giúp chẩn đoán SXHD, cần xét nghiệm công thức máu nhằm xác định bạch cầu (giảm), tiểu cầu (giảm), hematocrit (tăng ≥ 20%). Cần siêu âm ổ bụng để xác định kích thước gan (gan to sung huyết), ổ bụng có dịch hay không, siêu âm màng phổi (xem có tràn dịch hay không).
Dựa vào tiêu chuẩn nào để nghĩ đến sốt xuất huyết Dengue?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với hai tiêu chuẩn lâm sàng là sốt và xuất huyết, kèm theo có cô đặc máu và/ hoặc số lượng tiểu cầu giảm, đủ để chẩn đoán là SXHD.
Ngoài ra, mọi người dân khi thấy sốt, đặc biệt là sốt cao mà trong gia đình, hàng xóm hoặc trong phường, trong thôn, xã có nhiều người bị bệnh tương tự (sốt hoặc sốt có kèm ban xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi), nên nghĩ đến bệnh SXHD.
Nguyên tắc điều trị
Với mọi người dân khi thấy sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, hai hố mắt, da sung huyết, trong nhà có người bị hoặc hàng xóm, thôn, bản, tổ dân phố có người mắc bệnh tương tự cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám, đặc biệt quan tâm là trẻ nhỏ và người cao tuổi (với trẻ nhỏ cần đề phòng sốt cao gây co giật).
Trong khi chưa thể đưa người bệnh đi khám bệnh được, cần cho uống nhiều nước, tốt nhất là dùng dung dịch 0rêsol (ORS), nếu không có ORS, pha tạm 2 thìa cà phê muối với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước (đã đun đôi để nguội) rồi uống. Cần lau mát cho trẻ để hạ nhiệt, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Có thể phòng bệnh sốt xuất được không?
Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh SXHD. Vì vậy, để phòng SXHD cần tiêu diệt bọ gậy (lăng quăng), muỗi và tránh muỗi đốt. Để làm tốt công tác này cần tuyên truyền rộng khắp cho toàn dân hiểu biết về tác hại của muỗi truyền bệnh SXHD. Cần thông báo rộng rãi đến tận các tổ dân phố, các hộ gia đình, các trường học, các cơ quan đóng trên địa bàn các biện pháp phòng bệnh SXHD.
Nếu có điều kiện cần phát tờ rơi cho mọi người, đặc biệt là các trường học, chợ, cơ quan, nơi đông dân qua lại để nhiều người biết càng tốt. Cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ truyền thống đến dùng các chất hóa học, đặc biệt ở các vùng, miền đang có SXHD xảy ra. Để tránh muỗi đốt phải nằm màn cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm.
Ở công sở, trường học, nên đi giày có tất và mặc quần dài ống, áo dài tay tránh hở da vùng chân, tay. Để tiêu diệt bọ gậy (lăng quăng) cần phải thau rửa chum, vại, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và có nắp đậy để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy như cá vàng, cá thìa cờ, cá rô. Ngoài ra cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rãnh thoát nước, ao, hồ, thu gom các lốp xe hỏng…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!