Tầm quan trong của vắc xin
Năm 1796, vắc xin được Jenner phát minh ra. Kể từ đó, loài người có được vũ khí hữu hiệu để chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đến nay, nhờ vắc xin, nhiều loại bệnh đã gần như biến mất, nếu có xuất hiện thì chỉ mang tính nhỏ lẻ, rải rác và không lan rộng với số lượng lớn. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội, xuất hiện nhiều nhóm anti- vắc xin.
Các hội nhóm này thường phản bác những tác dụng của vắc xin, kêu gọi các bậc phụ huynh không tiêm vắc xin cho con.
Điều này rất nguy hiểm cho nhân loại.
Một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Mỹ, Đức, Nga đã gia tăng số lượng người mắc bệnh sởi. Ở Châu Á, từ đầu năm 2019 tới nay, Philippines ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi trong đó 203 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tính từ tháng 10/2018 cho tới nay, Việt Nam ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp dương tính với virut sởi tại 56 tỉnh, thành phố.
Như vậy, tình hình mắc sởi đang diễn biến phức tạp, khi số lượng người trưởng thành mắc sởi gia tăng và có nhiều biến chứng. Vì sao lại có tình trạng này?
Nhiều phụ huynh đã bỏ tiêm vắc xin cho con vì lo lắng về các phản ứng sau khi tiêm vắc xin, lo ngại các sức khỏe của con bị ảnh hưởng sau khi tiêm vắc xin.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Hà Nội cho biết:
Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Hà Nội
Vắc xin là thành tựu y học vĩ đại, bằng chứng là nhờ có vắc xin mà nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong quá khứ đã được thanh toán. Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vắc xin đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro của tiêm chủng.
Chính vì vậy, mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm cho toàn xã hội.
Trẻ không tiêm vắc xin – Nhiều hiểm họa rình rập
Gần đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mắc sởi biến chứng do hậu quả việc cha mẹ không cho con tiêm vắc xin.
Bệnh nhi T.M.C, 13 tháng tuổi (tại Phú Thọ) nhập viện được chẩn đoán mắc sởi có biến chứng viêm phổi.
Mẹ của bé cho biết, sau khi đọc thông tin trên mạng xã hội cho rằng tiêm vắc xin sẽ khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch, tự kỷ nên đã không tiêm vắc xin cho con.
Tới khi con sốt cao, chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân thì mới vội vàng cho con vào bệnh viện cấp cứu.
Các bậc phụ huynh không nên hùa theo trào lưu anti vắc xin sẽ khiến dịch bệnh phát triển. Nguồn ảnh: Suckhoedoisong.vn.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - GS. TS Nguyễn Văn Kính, dịch sởi có mức độ lây lan rất nhanh. Nếu trẻ không được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đủ các mũi tiêm thì nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh là rất cao.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên hùa theo trào lưu anti vắc xin sẽ khiến dịch bệnh phát triển một cách khó lường. Trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cách phòng bệnh truyền nhiễm đơn giản là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo từng loại vắc xin.
Theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Hà Nội cho biết:
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, bố mẹ cũng cần được hướng dẫn những điều cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng: mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi mang con đi tiêm chủng, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước.
Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ, để ý đến trẻ nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều hơn, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày, trẻ sốt cao, co giật hay có biểu hiện bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở...
Sự phối hợp của bố mẹ là rất quan trọng trong quá trình bảo đảm tiêm chủng an toàn.
Để đảm bảo sức khỏe cho con bạn nên hoàn thành tối thiểu các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trần Huyền
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!