Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Tiêu chảy ở trẻ em là một bệnh phổ biến và làm đau đầu nhiều bố mẹ. Bố mẹ hãy tham khảo bài viết để biết cách điều trị khi con bị bệnh nhé!

Tiêu chảy ở trẻ em là một vấn đề hết sức đau đầu của các bậc cha mẹ. Vào mùa nóng, trẻ thường thích thú với các món ăn vặt như kem, siro, đá bào,…để hạ nhiệt. Tuy nhiên, bạn có biết đa số những món ăn vặt ấy lại không hợp vệ sinh và là thủ phạm gây tiêu chảy ở trẻ. Vậy làm thế nào bạn có thể điều trị rắc rối này của con? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây tiêu chảy và cách điều trị cùng Hello Bacsi nhé.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em là gì?

Một số trong những lý do phổ biến khiến trẻ em bị tiêu chảy bao gồm: nhiễm virus như rotavirus, vi khuẩn như Salmonella và hiếm gặp hơn nữa là nhiễm ký sinh trùng như Giardia. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Cùng với tình trạng phân lỏng hoặc chảy nước, các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột do virus thường bao gồm nôn mửa, đau bụng, đau đầu và sốt.

Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ em. Các triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh, có thể bao gồm buồn nôn và có xu hướng biến mất trong vòng 24 giờ.

Nếu bạn và bé đã đi du lịch ngoài nước gần đây, hãy cho bé đi khám bác sĩ, con bạn rất có thể cần phải xét nghiệm phân.

Các loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ em cũng như người lớn.

Các nguyên nhân khác của bệnh tiêu chảy bao gồm bệnh đại tràng kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm và loét dạ dày. Nếu bạn không chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy của con mình, hãy đưa bé đi khám bác sĩ.

Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em là gì?

Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Thông thường, triệu chứng phổ biến nhất của tiêu chảy ở trẻ em là đi phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà trẻ bị bệnh có những triệu chứng như:

  • Phân có máu
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Mất kiểm soát nhu động ruột
  • Đau hoặc bị chuột rút ở bụng
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Mất nước
  • Ăn không ngon

Khi trẻ có các triệu chứng trên, tốt nhất bạn hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp cho bé.

Điều trị tiêu chảy ở trẻ em như thế nào?

Việc điều trị viêm dạ dày ruột do virus gây ra có thể kéo dài 5-14 ngày, trong đó điều quan trọng nhất cần làm là ngăn ngừa mất nước. Nếu bé là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn có thể cho bé uống sữa mẹ bổ sung hoặc dung dịch bù nước đường uống (ORS). Nước uống thông thường sẽ không cung cấp đủ các chất như natri, kali và các chất dinh dưỡng khác để bù nước một cách an toàn cho trẻ em. Do đó, bạn hãy hỏi bác sĩ xem lượng nước bé cần là bao nhiêu, làm thế nào để đảm bảo bé uống đủ nước, khi nào bé nên uống nước và làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng mất nước xảy ra.

Trẻ lớn hơn khi bị tiêu chảy có thể uống bất cứ thứ gì để cấp nước, bao gồm cả ORS và các sản phẩm cấp nước khác (tên kết thúc bằng “lyte”).

Đối với tiêu chảy nhẹ do thuốc gây ra, bạn hãy chú ý cho bé uống đủ nước. Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy cho con là thuốc kháng sinh, hãy cho bé tiếp tục uống thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn cho bé giảm liều, thay đổi chế độ ăn uống, uống thêm probiotic hoặc chuyển sang dùng một loại kháng sinh khác.

Nghiên cứu cho thấy sữa chua chứa khuẩn sống hoặc probiotic có thể giúp giảm tiêu chảy gây ra do kháng sinh. Probiotics giúp bổ sung các khuẩn đường ruột đã bị giết bởi thuốc kháng sinh.

Việc điều trị tiêu chảy do ngộ độc tương tự như đối với tiêu chảy do nhiễm trùng. Bạn nên cho con bạn uống đủ nước và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tình trạng mất nước khi trẻ bị tiêu chảy

Mất nước là một trong những điều đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước đáng kể, nhưng tiêu chảy mức độ trung bình hoặc nặng có thể gây nên điều này.

Mất nước nghiêm trọng rất nguy hiểm, nó có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Sau đây là những dấu hiệu của mất nước, hãy đưa con đi khám bác sĩ nếu con mắc phải các trường hợp sau:

  • Chóng mặt và choáng váng;
  • Khô miệng;
  • Nước tiểu màu vàng đậm, rất ít hoặc không có nước tiểu;
  • Rất ít hoặc không có nước mắt khi khóc;
  • Da khô và mát bất thường;
  • Uể oải.

Khi nào bạn nên cho trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?

Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Tiêu chảy thường biến mất sau một vài ngày nhưng có thể dẫn đến biến chứng. Nếu con bạn có bất cứ triệu chứng sau, hãy đưa bé đi cấp cứu ngay:

  • Quá yếu để có thể đứng lên;
  • Choáng hoặc chóng mặt;
  • Bệnh trở nên nặng;
  • Đã bị tiêu chảy hơn ba ngày;
  • Nhỏ hơn 6 tháng tuổi;
  • Ói mửa ra chất lỏng màu xanh lá cây hoặc màu vàng đẫm máu;
  • Không thể giữ chất lỏng hoặc đã nôn ra hơn hai lần;
  • Bị sốt hơn 40 độ C hoặc trên 38 độ C với bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi;
  • Có triệu chứng mất nước;
  • Đi phân có máu;
  • Nhỏ hơn một tháng tuổi và bị ba hoặc nhiều đợt tiêu chảy;
  • Đi phân tiêu chảy trong vòng tám giờ và không uống đủ nước;
  • Có hệ miễn dịch yếu;
  • Bị phát ban;
  • Bị đau dạ dày trong hơn hai giờ;
  • Không đi tiểu trong 6 giờ nếu là em bé hoặc 12 giờ nếu là trẻ lớn.

Chú ý rằng nếu bé bị sốt trên 38 độ C, bạn không được cho bé uống thuốc hạ sốt.

Trên đây là một số chia sẻ từ Hello Bacsi. Bố mẹ hãy tham khảo bài viết “Phòng tránh trẻ bị tiêu chảy như thế nào?” để phòng tránh bệnh cho con nhé!

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và không nên ăn gì?
  • Bố mẹ nên dùng Enterogermina cho con khi bị tiêu chảy ra sao?
  • Bạn nên làm gì khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!