Tìm hiểu tổn thương bàn chân do đái tháo đường

Kỹ năng sống - 05/02/2024

Bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân là do các mạch máu bị tổn thương, làm giảm cảm giác, biến đổi cấu trúc của bàn chân.

Tổn thương loét bàn chân là một trong những biến chứng mạn tính thường gặp và gây nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mất bàn chân hoặc cẳng chân.

Vì sao bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân?

Bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân là do các mạch máu bị tổn thương, làm giảm cảm giác, làm biến đổi cấu trúc của bàn chân, làm thay đổi các điểm tỳ của bàn chân. Cũng do ảnh hưởng của bệnh lý thần kinh cảm giác, vận động trong một thời gian dài dẫn đến một tư thế đặc biệt của bàn chân, có thể khiến cho bàn chân phải chịu một tải trọng bất thường khi đứng và đi. Sự mất cân bằng trong động tác duỗi và co làm các ngón chân biến dạng, làm phần đầu các đốt bàn chân bị nhô ra trước, từ đó xuất hiện các áp lực lớn ở phía dưới các đầu xương bàn chân bị nhô ra trước, xuất hiện các áp lực lớn ở phía dưới các đầu xương bàn chân.

Một áp lực liên tục ép lên một điểm trong khoảng thời gian vài giờ có thể gây nên hoại tử thiếu máu. Khi bệnh nhân đi giày chật, vùng bị ép chặt quanh quanh các ngón 1 và 5 có thể bị hoại tử thiếu máu, đặc biệt khi có phối hợp với bệnh lý mạch máu, hoại tử xuất hiện nhanh chóng hơn. Sự kết hợp của giảm nhạy cảm với cảm giác đau cùng các áp lực lớn khi đi, đứng và trọng lượng cơ thể dồn hết lên phía đầu xương bàn chân. Làm cho các vị trí này dễ bị loét. Mặt khác, giảm nhạy cảm với cảm giác đau làm bệnh nhân không nhận biết được các vết loét nhỏ, không để ý theo dõi nên đến khám muộn, làm tăng thêm nguy cơ loét bàn chân do ĐTĐ.

Tìm hiểu tổn thương bàn chân do đái tháo đường

Biến chứng ở chân của bệnh tiểu đường (Ảnh minh họa)

Tổn thương do bệnh thần kinh tự động ĐTĐ làm mở các shunt động - tĩnh mạch, tăng nhiệt độ da, tăng quá trình tiêu xương của xương cổ chân, có thể gây nên phù nề bàn chân một yếu tố tiên lượng dẫn đến loét cả tổn thương thiếu máu và bệnh lý thần kinh. Rối loạn thần kinh tự động làm tăng dòng máu đến da, nhưng lại giảm dòng máu mao mạch có tác dụng dinh dưỡng cho mô bàn chân, gây hiện tượng thiếu máu vùng xa của bàn chân.

Bệnh lý thần kinh tự động thường hay gặp ở bệnh nhân có loét bàn chân, nhưng cúng có thể gặp ở cả bệnh nhân có bệnh lý thần kinh nhưng không có loét bàn chân. Mặt khác rối loạn thần kinh tự động gây giảm tiết mồ hôi tạo thuận lợi cho sự xuất hiện các vết nứt nhỏ ở da, tạo thành đường vào cho các vi khuẩn hoạt động và là điểm bắt đầu thường gặp của ổ loét gan bàn chân.

Một trong các tiến triển của bệnh lý thần kinh trong đái tháo đường ở bàn chân là bệnh lý xương khớp, gây nên biến dạng bàn chân, tạo nên bàn chân của Charcot, với các điểm tỳ đè bất thường rất dễ loét.

Ngoài ra bệnh mạch máu lớn cũng rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và cũng dẫn đến nguy cơ bị loét bàn chân do thiếu máu.

Trong các vết loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường, thường có sự kết hợp của bệnh lý thần kinh và bệnh lý mạch máu , song yếu tố thần kinh đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ra các rối loạn dinh dưỡng bàn chân.

Nhiễm khuẩn cũng là mối đe dọa nguy hiểm đối với bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường. Bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường rất nhạy cảm với nhiễm khuẩn do mất cân bằng đường huyết, đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn. Mặt khác, bệnh nhân đái tháo đường có suy giảm chức năng bạch cầu và miễn dịch tế bào. Bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường là nơi thuận lợi cho sự lan rộng nhanh chóng của vi khuẩn, do các rối loạn tuần hoàn và bệnh lý thần kinh. Những vết thương dù nhỏ, nếu không được chăm sóc, theo dõi có thể tạo nên các nhiễm khuẩn âm ỉ, sau đó lan rộng nhanh chóng vào sâu trong bàn chân. Nhiễm khuẩn mô mềm ở sâu gây hoại tử, dẫn đến viêm tủy xương là nguyên nhân bệnh nhân bị cắt cụt chi.

Nhiễm khuẩn bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường có nhiều kiểu tổn thương khu trú: loét khoét gan bàn chân vở vị trí đầu xương bàn ngón; sưng tấy mu bàn chân, áp xe ở giữa hoặc ở bên của bàn chân do nhiễm trùng lan theo bao gân, nhiễm khuẩn kẽ ngón chân…

Cần phải được chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường

Nhằm hạn chế các biến chứng gây loét da, nhiễm khuẩn và nặng hơn là cắt cụt chi bệnh nhân đái tháo đường cần được giáo dục về cách chăm sóc bàn chân ngay từ khi phát hiện đái tháo đường lần đầu và cần phải theo dõi định kỳ bác sĩ chuyên khoa nội tiết, nhất là khi xuất hiện các triệu chứng bệnh thần kinh đái tháo đường. Bệnh nhân tự mình hoặc người thân chú ý chăm sóc bàn chân hàng ngày, khi thấy có biểu hiện khô da, da bong vảy, vết nứt da, chai lòng bàn chân hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng giữa các ngón và ở móng chân cần phải đi khám bác sĩ ngay.

Việc kiểm soát đường huyết tốt là biện pháp dự phòng tốt nhất cho bệnh lý này. Bên cạnh đó việc chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh nhằm hạn chế biến chứng cắt cụt chi.

BS Nguyễn Thị Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!