Bản tin thông báo tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam do Bộ Y tế phát đi lúc 6h sáng 12/4 cho thấy 12h qua, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc mới COVID-19. Chúng ta vẫn có 258 ca nhiễm. 144 bệnh nhân đã khỏi bệnh. 12 người trong số những ca đang điều trị có 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2.
Biểu đồ theo dõi số ca mắc mới theo ngày ghi nhận ngày 11/4 là ngày thứ 8 liên tiếp, Việt Nam chỉ có số ít ca mắc COVID-19 trong ngày (từ 1-4 ca). Chuyên gia khẳng định chúng ta không được chủ quan, cần tuân thủ nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 12/4 cũng là ngày thứ 12 Việt Nam thực hiện yêu cầu này. Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 9/4, Thủ tướng giao BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát, đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15/4 vào phiên họp sau.
Nguồn: Bộ Y tế
Ngày 11/4, Việt Nam phát hiện thêm 1 trường hợp mắc COVID-19, đó là người phụ nữ 47 tuổi ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội. Bà là mẹ của bệnh nhân 257 (phát hiện hôm 10/4). Như vậy, thôn Hạ Lôi đến sáng 12/4 đã chính thức có 6 người mắc COVID-19, trong đó có 2 mẹ con.
Hạ Lôi được coi là ổ dịch mới nhất, phức tạp nhất của Hà Nội lúc này. Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt đến đây để hỗ trợ địa phương xử lý ổ dịch.
Tại cuộc tập huấn trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế với 700 điểm cầu trên cả nước ngày 11/4, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định hiện COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tức là chưa có loại thuốc nào uống vào có thể lập tức chữa khỏi được bệnh này. Những phác đồ điều trị của chúng ta chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. Chúng ta liên tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung phác đồ điều trị cho phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới.
Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải nắm bắt được phác đồ điều trị, có thể thu dung bệnh nhân COVID-19, phải chuẩn bị các tình huống ứng phó khi dịch bệnh lan rộng trong cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, chúng ta không nên chủ quan với những trường hợp tưởng là nhẹ, đang nằm điều trị thì đột xuất ban đêm có thể diễn biến nặng, rất nhanh, từng giờ từng phút. Nếu chúng ta không theo dõi sát sao thì không cấp cứu kịp.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm COVID-19. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu.
Từ 0h sáng 12/4, Bệnh viện Bạch Mai được dỡ lệnh phong toả 14 ngày. Ảnh: VNE
Từ 0h sáng 12/4, Bệnh viện Bạch Mai được dỡ lệnh phong toả 14 ngày. Với hàng nghìn cán bộ Bệnh viện lớn nhất cả nước này, đêm qua được coi là 'đêm giao thừa'. Từ trong tâm dịch, Bệnh viện Bạch Mai sẽ bắt đầu cuộc hồi sinh ngoạn mục khi tiếp tục các hoạt động khám, chữa bệnh.
Cũng tại quận Đống Đa, sau khi UBND quận Đống Đa ra quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội (tại số 70 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa), các đơn vị chức năng đã triển khai phương án, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát người ra vào bệnh viện.
Việc thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian tối thiểu 14 ngày (từ 10/4). Công an quận Đống Đa sẽ phối hợp với lực lượng quân đội, bảo vệ dân phố và các đơn vị chức năng khác thuộc quận thiết lập 2 trạm gác tại cổng bệnh viện. Hai chốt này sẽ trực 24/24 giờ, kiểm soát người bệnh vào điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!