Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/10/2020: Nam thanh niên sống 25 năm không có hậu môn

Thời sự - 04/29/2024

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 15/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nam thanh niên sống 25 năm không có hậu môn

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/10/2020: Nam thanh niên sống 25 năm không có hậu môn

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân 25 năm sống không có hậu môn. (Ảnh: Tiền Phong)

Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân D.T.A. (25 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Anh A. nhập viện trong tình trạng đi tiêu qua đường niệu đạo rất khó khăn, vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu.

Theo người nhà bệnh nhân, ngay từ lúc sinh ra, anh A. đã không có hậu môn. 3 ngày sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật cho anh nhưng không kết quả. Do đó, hơn 20 năm qua, anh A. phải sống và sinh hoạt cá nhân mà không có hậu môn nên phân đi ra ngoài qua đường tiểu (niệu đạo) không kiểm soát được, dịch phân lẫn nước tiểu thường xuyên rỉ ra nên rất hôi.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám lâm sàng, chụp đại - trực tràng cản quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng – tầng sinh môn và nội soi niệu đạo – bàng quang. Qua đó chẩn đoán, anh A. bị bất sản hậu môn – trực tràng (Anorectal Agenesis) kèm rò trực tràng – niệu đạo tiền liệt tuyến.

Theo các bác sĩ, bất sản hậu môn – trực tràng là một loại dị dạng hậu môn – trực tràng thể cao. Bệnh nhân không có ống hậu môn và bóng trực tràng. Rò trực tràng – niệu đạo tiền liệt tuyến là có đường thông nối từ trực tràng qua niệu đạo. Đây là đường giúp phân thoát ra ngoài thay vì qua đường hậu môn như người bình thường.

Ekip bệnh viện, kết hợp với các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiến hành phẫu thuật nội soi di động đại tràng Sigma, phần cao trực tràng, đóng đường rò trực tràng – niệu đạo bằng dụng cụ cắt nối tự động. Sau đó đưa mõm trực tràng xuống tạo hình hậu môn cho bệnh nhân và làm hậu môn nhân tạo trên dòng.

Sau khi đánh giá hậu môn được tạo hình đã lành và cơ vòng hậu môn co bóp tốt. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lần 2 đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Hậu phẫu ngày thứ 5, anh A. bắt đầu ăn uống được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt, đi tiêu gần như người bình thường.

Bác sĩ CK2 La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết trên Tiền Phong, dị dạng hậu môn trực tràng là bệnh ít gặp, cứ khoảng 4 – 5 ngàn trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị dị tật này.

Bệnh nhân bị dị dạng hậu môn – trực tràng thường được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa nhi, còn điều trị bệnh ở người lớn thường hiếm gặp.

Dị dạng hậu môn – trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn – trực tràng là thể khó điều trị. Hơn nữa, suốt 25 năm qua cơ vòng hậu môn của bệnh nhân không hoạt động nên bị teo và co thắt hơi yếu.

Do đó, sau khi phẫu thuật tạo hình chăm sóc cho hậu môn không bị nhiễm trùng, nong hậu môn cho đủ rộng và đặc biệt tập cho cơ vòng co bóp trở lại là rất quan trọng. Vì sau khi được tạo hình, mà cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân sẽ đi cầu không tự chủ.

Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân A. hiện đã ổn định. Ăn uống được, hậu môn hoạt động tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Gắp đầu bút bi từ phế quản cháu bé 7 tuổi

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/10/2020: Nam thanh niên sống 25 năm không có hậu môn

Dị vật là đầu bút bi được gắp ra từ phế quản cháu L.N.D. (Ảnh: Công lý)

Bệnh viện nhi Thanh Hóa mới thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật từ nhánh phế quản bên phải cho một bệnh nhi 7 tuổi.

Người nhà bệnh nhi L.N.D (SN 2013) ở huyện Cẩm Thủy – Thanh Hóa thông tin, cách đây hơn 2 tháng, cháu D. có ngậm chơi đầu bút bi chữ A và không may nuốt phải. Một thời gian sau, cháu D. có biểu hiện ho, nôn kèm theo sốt và khó thở, gia đình cũng đưa đi khám và chữa vài nơi nhưng tình trạng không cải thiện.

Ngày 8/10, bệnh nhi L.N.D được người nhà đưa tới bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám bệnh với triệu chứng, ho, khó thở. Qua thăm khám, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán có dị vật ở đường thở. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định Nội soi phế quản cấp cứu để loại bỏ dị vật.

Bác sĩ Hoàng Tiến Lợi - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp là người trực tiếp nội soi phế quản. Sau 30 phút, dị vật là một chiếc đầu bút bi được lấy ra khỏi nhánh phế quản bên phải của bệnh nhi. Sau khi lấy dị vật trẻ tỉnh, ăn uống tốt, đỡ ho, hết khó thở và đã xuất viện ngày 12/10.

Bác sĩ Hoàng Tiến Lợi cho biết trên báo Công lý, dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời, tùy mức độ có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như viêm nhiễm đường thở, tổn thương não không hồi phục.

'Hiện nay, tình trạng trẻ hóc dị vật thường xuyên gặp ở trẻ nhỏ, phụ huynh không nên chủ quan. Nên để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng tròn và trơn dễ rơi vào đường thở. Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng. Luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút ...', bác sĩ Lợi khuyến cáo.

Đắk Lắk xuất hiện thêm 3 ổ dịch bạch hầu

Sau một thời gian tạm lắng, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện thêm 3 ổ dịch bạch hầu với 3 ca bệnh.

Cả 3 ổ dịch này đều tập trung ở huyện Lắk, trong đó có 2 ổ dịch tại xã Đắk Nuê và 1 ổ dịch tại xã Nam Ka. 3 ổ dịch đều là những địa phương chưa triển khai tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu và đều thuộc xã vùng sâu của huyện Lắk (buôn Đắk Sar, và buôn KDiê 2, xã Đắk Nuê và thôn 5, xã Nam Ka). Ba ca bệnh đều là người dân tộc thiểu số, trong đó 1 người dân tộc Ê-đê, 1 người dân tộc M'nông và người còn lại là dân tộc H'Mông.

Sau khi phát hiện các ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu, ngành y tế Đắk Lắk đã điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; đánh giá tỷ lệ tiêm chủng tại trạm y tế; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời làm việc với chính quyền địa phương về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bạch hầu; cấp thuốc kháng sinh liều dự phòng cho gia đình các bệnh nhân và các hộ xung quanh; phun xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B; điều tra, lập danh sách đối tượng trong ổ dịch từ 49 tháng tuổi trở lên để chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Td phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc sở y tế tỉnh Đắk Lắk, để phát huy hiệu quả của vắc xin, người dân bắt buộc phải tiêm đủ 2 mũi: 'Các ca bạch hầu này không có yếu tố dịch tễ với nhau, có thể do môi trường sống, hoặc điều kiện thời tiết rồi bùng phát lên. Tại những thôn, buôn có ổ dịch, ngành y tế đã triển khai cho uống kháng sinh để điều trị, tuy nhiên khi tiêm vắc xin thì hiệu quả vắc xin phải sau mũi thứ 2, trong đó mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng. Do đó, trong thời gian này, các vùng đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng phát những ca bạch hầu, sau mũi tiêm thứ 2 mới có hiệu quả của vắc xin, vì vậy bà con phải tiêm đủ 2 liều vắc xin'.

Đến ngày 14/10, Đắk Lắk đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 6 địa phương gồm: Lắk, M'Drắk, Krông Bông, Cư M'gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!