Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/11: Chân nam sinh tự mọc chi chít sụn

Thời sự - 09/18/2024

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 29/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Chân nam sinh tự mọc chi chít sụn

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/11: Chân nam sinh tự mọc chi chít sụn

Bệnh nhi mắc chứng u sụn màng hoạt dịch. (Ảnh: BV)

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa phẫu thuật lấy sụn cho nam bệnh nhân H.V.K. (15 tuổi, sống tại huyện Quang Bình, Hà Giang).

Cách đây hơn 2 năm, K. không may bị ngã, chấn thương đầu dưới xương chày phải. Nghĩ rằng chấn thương nhẹ, gia đình đưa K. đi đắp thuốc nam. Sau đó mặt trong cổ chân phải của K. có khối phồng lên, di động nhưng không đau đớn, vẫn đi lại được bình thường nên không đi khám.

Cách đây 2 tuần, bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều, sưng nề vùng cổ chân phải nên đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám.

Kết quả chụp X-quang, siêu âm cho thấy mặt trong khớp cổ chân phải giữa gân achilles và mắt cá trong có khối u kích thước 0,5 x 0,5cm, ấn đau nhiều và có tiếng lạo xạo, đỉnh khối cứng chắc.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc chứng u sụn màng hoạt dịch là một dị sản lành tính của bao hoạt dịch, trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn. Khi đó, trong ổ khớp hình thành các khối u nhỏ mọc chồi lên bề mặt, phát triển cuống và trở thành các khối u sụn, một số rơi vào ổ khớp làm ảnh hưởng đến vận động của khớp và gây các triệu chứng như đau, viêm...

Sau 1 giờ phẫu thuật mổ mở, các bác sĩ đã lấy ra gần 20 hạt sụn các kích cỡ trong khớp cổ chân. Sau ra viện, bệnh nhi cần tập phục hồi chức năng tích cực giúp cổ chân lấy lại biên độ vận động.

U sụn màng hoạt dịch thường hay gặp ở khớp gối chiếm 50%-60% sau đó là các khớp khác như khớp háng và khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ chân.

Giai đoạn sớm của bệnh khó chẩn đoán, dấu hiệu không rõ ràng, hầu hết được xác định khi đã có biểu hiện hạn chế vận động.

Quảng Ngãi ghi nhận ca thứ 2 nhiễm Whitmore

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/11: Chân nam sinh tự mọc chi chít sụn

Hiện bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nhiệt đới của bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. (Ảnh: Tiền phong)

Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đang điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh whitmore do vi khuẩn burkholderia pseudomallei gây ra. Đây cũng là trường hợp thứ 2 ở Quảng Ngãi. Ca bệnh đầu tiên được ngành y tế địa phương ghi nhận vào năm ngoái.

Bệnh nhân là nam, 50 tuổi, trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Trong 2 tháng trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu bị chướng bụng, xuất hiện áp xe mủ ở ổ bụng.

Bệnh nhân đã đến khám tại các cơ sở y tế và được chỉ định mổ lấy khối áp xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi. Đến lần thứ 3, bệnh nhân mới được Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi thăm khám và kết luận mắc bệnh whitmore. Hiện bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nhiệt đới của bệnh viện.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Đặc biệt khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm…

Người đàn ông bị sốc mất máu do vết đâm phức tạp

Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương, thuộc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), vừa tiếp nhận bệnh nhân nam với vết thương vùng mông đã được băng ép sơ cứu.

Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá sơ bộ đây là trường hợp thương tích phức tạp. Bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc mất máu, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể tử vong.

Tại phòng khám, các bác sĩ cấp cứu, giảm đau, chống sốc, cầm máu, truyền dịch cao phân tử cho bệnh nhân. Sau đó, người đàn ông này được chuyển về bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Ngay khi đến bệnh viện, bệnh nhân được các nhân viên y tế đưa thẳng lên phòng mổ. Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp thương tích rất nặng. Người đàn ông này đã rơi vào trạng thái sốc, mạch nhanh (140l/p), huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt nhạt, gọi hỏi không đáp ứng.

Các bác sĩ khâu lỗ thủng vết thương tại trực tràng, nối niệu đạo do vỡ xương chậu, phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp vùng mông cho bệnh nhân. Đặc biệt, người bệnh phải truyền tới 14 đơn vị máu và các chế phẩm từ máu. Cuộc đại phẫu bắt đầu lúc 22h và kết thúc khoảng hơn 3h sáng hôm sau. Hiện bệnh nhân tạm ổn định và được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!