Tổ Covid-19 cộng đồng, cách làm sáng tạo của Việt Nam

Thời sự - 04/26/2024

Việt Nam khống chế thành công hai đợt dịch Covid-19 (tháng 3 và tháng 7-2020). Có được kết quả đó là nhờ triển khai và duy trì chiến lược rất phù hợp 'ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả'. Có rất nhiều cách làm hay trong cuộc chiến đó, tổ Covid-19 cộng đồng là một thí dụ.

Tổ Covid-19 cộng đồng, cách làm sáng tạo của Việt NamTổ Covid-19 cộng đồng thực hiện các hoạt động giám sát dịch bệnh trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, người có mặt tại hầu hết các ổ dịch, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận và nhất là tại Ðà Nẵng và một số tỉnh miền trung khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên phải làm ngay chính là phải truy vết tất cả những người tiếp xúc với người bệnh để cách ly. Ðặc biệt, khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào.

Do vậy, các lực lượng chức năng cần chủ động, nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng ngay từ đầu để tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng. Muốn làm được điều này, chúng ta phải tổ chức giám sát có hệ thống, toàn diện các trường hợp sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng dân cư. Khi phát hiện được những trường hợp có dấu hiệu này đều phải được coi là những ca bệnh nghi ngờ, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức. Thực hiện được điều này một cách triệt để sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta phát hiện được sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm, từ đó cách ly, cô lập kịp thời, làm suy giảm tốc độ lây truyền của dịch. Ðồng thời với đó là triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Ðể triển khai được đồng thời các biện pháp ngăn chặn dịch thì một mình lực lượng y tế làm không xuể. Trong chống dịch tại thực địa thời gian qua cho thấy có rất nhiều lực lượng cùng tham gia, việc chống dịch được thực hiện dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia với tinh thần 'chống dịch như chống giặc' cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Tổ Covid-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.

Trong đợt chống dịch vừa qua, tại các tỉnh miền trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng chục nghìn tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại thực địa (Ðà Nẵng lập 2.200 tổ; Quảng Nam lập 5.500 tổ; Quảng Ngãi lập 2.300 tổ; Quảng Trị lập 4.434 tổ). Tổng số có gần 30 người được huy động thêm trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ Covid-19 cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Mục tiêu của tổ Covid-19 cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ Covid-19 cộng đồng cũng là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các tổ này hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng thường có hai, ba người, có thể là tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể... Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách khoảng từ 40 đến 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Hằng ngày tổ Covid-19 cộng đồng 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp... để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng, tổ lại cùng chính quyền địa phương và cơ quan y tế truy vết những người thuộc diện F1, F2 trên địa bàn phụ trách…

Có thể nói, việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là sự sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chuyên môn, chính quyền địa phương thì chính các tổ Covid-19 cộng đồng đã đưa ngay được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình - chống dịch tại từng nhà mà ít có nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy. Ðây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!