Tôi biết tâm sự này khi quen GS Nguyễn Văn Tuấn từ khá lâu. Tâm tư của GS Tuấn, tôi biết được qua hồi ký rất hay của anh - như cuộc đi tìm bình minh, đi tìm ánh sáng cho đời mình, để từ người phụ bếp trở thành một viện sĩ như hôm nay.
Về danh vị, GS Nguyễn Văn Tuấn quá thành công. Anh là người gốc Việt đầu tiên ở Úc được trao bằng Doctor of Science (DSc) - học vị cao nhất, hơn PhD một bậc. Năm 2019, anh cũng là người Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc.
GS Nguyễn Văn Tuấn hôm được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dạo đó, tôi có một số bài viết về hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh chống Mỹ, qua các nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) lúc ấy. Vốn rất tâm huyết với đề tài này, anh Tuấn đã giúp tôi chỉ ra những bất cập trong các nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam.
GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên một tập san y khoa quốc tế, mà ở Mỹ người ta không chịu đăng. Những nghiên cứu của anh về vấn đề này tập hợp trong cuốn 'Chất độc da cam, dioxin và hệ quả' (NXB Trẻ, 2004). Cuốn sách này là cơ sở dữ liệu khoa học về một đề tài nhạy cảm sau chiến tranh, đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp.
Tôi còn nhớ vụ kiện dân sự đầu tiên năm 2004 của một số nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam đối với 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cuộc đấu tranh đòi công lý này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới nhưng đến tháng 3-2009, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện.
Khi ấy, GS Nguyễn Văn Tuấn về nước giảng dạy, ở một khách sạn gần tòa soạn Báo Người Lao Động. Ngay sau khi có kết quả vụ kiện, anh đã viết cho Người Lao Động một bài xã luận gay gắt và thuyết phục.
GS Nguyễn Văn Tuấn thông tin rằng từ năm 1984, các công ty hóa chất Mỹ đã chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho những cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đến năm 2003, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đồng ý bồi thường và Quốc hội nước này đã cấp 13,3 tỉ USD nhưng với các nạn nhân Việt Nam thì không!
GS Nguyễn Văn Tuấn là người yêu nước mình từ những hành động, suy nghĩ hết sức đơn giản. Anh sống nghĩa tình với bạn bè, đồng nghiệp. Chơi với nhau, tình cờ tôi biết GS Tuấn quê Kiên Giang nhưng cha anh lại là người Bình Định. Những năm chống Pháp, ông vào Nam Bộ chiến đấu và bị thương nặng. Chàng thương binh ấy ở lại miền Tây lập nghiệp và lấy một cô thôn nữ Kiên Giang nhưng có gốc Phù Mỹ - Bình Định.
Vậy là tôi và GS Nguyễn Văn Tuấn là đồng hương. Hè vừa rồi, anh về Phù Mỹ 'thưởng thức' cái nắng rực rỡ của quê ngoại. Anh ghi lại trên trang cá nhân: 'Phiên chợ quê Phù Mỹ... Mới sáng sớm mà trời sáng trưng, nhiệt độ 28 độ C, sinh hoạt chợ búa địa phương đã nhộn nhịp, tất cả hàng quán đều mở cửa. Tiếng nẫu vang vang, không thể lầm lẫn vào đâu…'.
Với quê hương, GS Nguyễn Văn Tuấn rất tình cảm nhưng với khoa học và công việc, anh cực kỳ nghiêm khắc. Đóng góp của anh cho giáo dục rất đáng trân trọng. Anh có 2 cuốn sách được tái bản nhiều lần: 'Cẩm nang nghiên cứu khoa học' - sách nhà nước đặt hàng, và 'Đi vào nghiên cứu khoa học'. Anh muốn giúp những thế hệ trẻ người Việt biết mở cánh cửa đi vào nghiên cứu khoa học.
Cách đây khoảng 15 năm, GS Nguyễn Văn Tuấn có sáng kiến tổ chức các khóa học dù ngắn hạn nhưng rất hiệu quả, gọi là 'workshop', cho đồng nghiệp Việt Nam. Mỗi 'workshop' thu hút 100-200 học viên, chủ đề thường là phương pháp nghiên cứu khoa học. Anh còn giảng dạy ở nhiều trường đại học Việt Nam. Anh thường về nước, mỗi lần như vậy là lịch dạy đầy kín. Anh còn hướng dẫn nghiên cứu sinh, đào tạo nhiều tiến sĩ cho Việt Nam và nước ngoài.
Hôm GS Nguyễn Văn Tuấn được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc, tôi gửi lời chúc mừng. Anh hài hước: 'Từ ngày được trao chức danh Fellow (viện sĩ), cái lợi là tôi đã viết hàng chục thư giới thiệu các em bên Việt Nam làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài'. Vậy đó, cái gì lợi cho Việt Nam, anh đều sẵn sàng.
GS Nguyễn Văn Tuấn là một trong những thành viên sáng lập Hội Loãng xương TP HCM năm 2005 và giữ vai trò cố vấn khoa học đến nay. Mới đây, anh được mời chủ trì Hội đồng Giải thưởng Alexandre Yersin của Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam nhằm ghi nhận những thành tựu khoa học xuất sắc của các nhà nghiên cứu nước ta.
Với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, GS Nguyễn Văn Tuấn là cố vấn cao cấp về khoa học, phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo. Anh đã xây dựng chiến lược phát triển, tập trung vào nghiên cứu khoa học, tuyển dụng chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đi đúng hướng với nhiều thành quả khoa học đáng ghi nhận.
Hơn 300 công trình nghiên cứu đã được công bố, GS Nguyễn Văn Tuấn là người có công rất lớn với ngành loãng xương. Anh cũng là nhà nghiên cứu về loãng xương được trích dẫn nhiều nhất.
Tò mò và hoài nghi lành mạnh trong khoa học là rất cần thiết - GS Nguyễn Văn Tuấn thường nói với học trò. Đó là tính cách cần thiết của một nhà khoa học và vì vậy, ở tuổi hơn 60, anh vẫn đều đặn công bố những công trình nghiên cứu. Cũng với đức tính ấy, những bài viết trên các báo của GS Nguyễn Văn Tuấn rất chặt chẽ và sắc sảo; những bài trên trang cá nhân hết sức thu hút.
GS Nguyễn Văn Tuấn luôn trăn trở về quê hương. Anh vui mừng vì đất nước phát triển rất nhanh, nhiều vùng nông thôn thay da đổi thịt. Song, anh vẫn băn khoăn rằng sự phát triển đó không phải chủ yếu nhờ nội lực và từ kinh tế tri thức mà phần lớn là do gia công cho các tập đoàn nước ngoài.
GS Nguyễn Văn Tuấn còn thấy sự bất tương xứng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người. Giáo dục, khoa học và y tế của Việt Nam vẫn loay hoay với những vấn đề quen thuộc của các nước trong khối 'đang phát triển'. Điều đó có thể giải thích tại sao phẩm chất của phát triển kinh tế vẫn còn thấp - anh ưu tư.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, tò mò và hoài nghi lành mạnh trong khoa học là điều rất cần thiết. Vì vậy, ở tuổi hơn 60, ông vẫn đều đặn công bố những công trình khoa học.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!