TP HCM là một trong 17 tỉnh/thành có mức sinh thấp. Ảnh: TL
TP HCM đề xuất sinh con thứ 2 được hỗ trợ mua nhà ở
Mới đây, tại Hội thảo 'Vấn đề mức sinh thấp tại TPHCM: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp' do Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế TPHCM tổ chức, bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cho biết, tổng tỷ suất sinh của thành phố năm 2018 là 1,33 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con.
Hiện nay, TPHCM là một trong 17 tỉnh/thành có mức sinh thấp. Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số của thành phố trong tương lai. Theo các chuyên gia, với mức sinh thấp ở mức nghiêm trọng như hiện nay, nếu TPHCM không có những biện pháp để can thiệp, thời gian tới mức sinh sẽ càng giảm sâu hơn.
Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.
Để giải quyết tình trạng trên, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đã đề xuất Sở Y tế trực tiếp tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về Chính sách Dân số và Phát triển tại thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số.
Cụ thể, đề xuất hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi…
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Dân số tham mưu cấp thẩm quyền trong triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số nội dung 'Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con', hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp, không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên...
Khẩn trương hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ. Ảnh: V.Thu
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Mức sinh thấp tại TPHCM đã kéo dài 20 năm qua, ở dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và hiện nay đang ở mức rất đáng lo ngại (1,33 con/phụ nữ). Do đó, cần phải có chính sách khuyến sinh.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, thực tế, một số quốc gia có mức sinh thấp trên thế giới cũng đã có những chính sách khuyến sinh nhằm hạn chế mức sinh tiếp tục xuống quá thấp. Chẳng hạn, mỗi năm Nhật Bản đầu tư khoảng 18 tỷ USD cho việc khuyến sinh. Hàn Quốc cũng bỏ ra vài tỷ USD để đẩy mức sinh lên hay Singapore cũng có những gói hỗ trợ nhà ở cho người sinh thêm con.
Do đó, đánh giá về những đề xuất ưu đãi đối với những gia đình sinh đủ hai con tại TPHCM (Giảm, miễn phí viện phí, hỗ trợ các gói ưu tiên cho vay, mua thuê nhà ở xã hội…), Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho rằng, đây là những chính sách rất tốt ở thành phố có mức sinh thấp nghiêm trọng này.
Còn về đề xuất cho sinh con thứ ba tại một số vùng, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, từ trước đến nay, chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Ngay trong Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng hay trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng không đề cập đến vấn đề sinh con thứ ba.
Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước, ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, hiện tại Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng. Nội dung Đề án sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và thực hiện duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế. Theo đó, đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể trong Đề án này.
Lãnh đạo Tổng cục cũng cho biết, hiện nay quy mô dân số của nước ta còn lớn, vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm và gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại, nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao.
Để duy trì mức sinh thay thế đúng theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu về ý nghĩa của thông điệp: 'Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con'. Với những vùng có mức sinh cao – những nơi được coi là 'lõi' của đói nghèo, cần tiếp tục cuộc vận động giảm sinh để đảm bảo ổn định cuộc sống, tập trung nuôi dạy các con cho tốt.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ vững được mức sinh này, không để tăng cao và cũng không để bị giảm sâu, tránh tình trạng mức sinh quá thấp như bài học của Hàn Quốc cũng như một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mức độ sinh ổn định, bền vững như vậy, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chưa phản ánh đúng bản chất mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng. Trong 'bức tranh' chung về mức sinh còn rất nhiều 'mảng màu' khác biệt. Hiện vẫn còn 4/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi rất cao, quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.
Nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh 'tụt' quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới.Hà Anh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!