(HNNN) - Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện chưa được nhìn nhận một cách đúng và đầy đủ. Khi một người tâm sự với người thân của mình rằng họ bị trầm cảm, đa số họ sẽ bị áp đặt rằng họ bị vậy là do 'không chịu ra ngoài nhiều' hoặc 'quá yếu đuối', 'quá nhạy cảm'. Điều này đang gây khó khăn trong việc phát hiện, điều trị và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Việc nhìn nhận đúng đắn về căn bệnh này, vì thế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hỗ trợ người bệnh.
Bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng, nếu không có những ứng phó kịp thời, sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Xu hướng gia tăng
Trầm cảm là căn bệnh đã có từ lâu, tuy nhiên trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực thì ngày càng có nhiều người bị trầm cảm có xu hướng muốn tự sát. Ồn ào nhất là sự ra đi mới đây của hai nghệ sĩ trẻ người Hàn Quốc Sulli và Goo Hara do bị trầm cảm kéo dài bởi áp lực của sự nổi tiếng. Ở nước ta những năm gần đây cũng xuất hiện không ít thông tin về các vụ tự tử do nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm sau một biến cố nào đó trong cuộc sống, như chia tay người yêu, khủng hoảng sau sinh, công việc căng thẳng, thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ của người thân...
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. Cũng theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời. Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện cũng có chiều hướng gia tăng.
Theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm có thể đến từ bất cứ biến cố nào trong cuộc sống. Đó có thể là khoảnh khắc cô đơn khi bị mất người thân, ly dị, sống độc thân, thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng hoặc do gen di truyền, lạm dụng rượu bia, thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc, thất nghiệp, bị lạm dụng tình dục...
Điều đáng nói, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nam giới gấp hai lần do sự thay đổi hormone ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, bị sảy thai hoặc thời kỳ tiền mãn kinh. Người có tính cách rụt rè, kín đáo cũng dễ mắc trầm cảm hơn người hướng ngoại. Đáng chú ý, căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ do họ thường xuyên gặp áp lực trong học hành, thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ...
Cần xóa bỏ những định kiến
Tại buổi chia sẻ 'Hiểu trầm cảm từ người trong cuộc' diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, cố vấn Diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam, đã kể lại hành trình 6 năm đồng hành cùng con điều trị bệnh trầm cảm trong cuốn sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm!. Không phóng đại, không bi kịch hóa, bằng những chia sẻ của người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm, cuốn sách mô tả trung thực trải nghiệm của 'người trong cuộc' với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và thân nhân của người bệnh, để từ đó có được những hiểu biết căn bản về căn bệnh và liệu pháp điều trị bệnh.
Không may mắn như con của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm một mình, thậm chí là không biết mình có bệnh. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ khoảng 20% số đó nhận được hỗ trợ điều trị cần thiết. Bên cạnh đó, nhận thức về trầm cảm của phụ huynh hiện nay chưa đầy đủ, thậm chí là có định kiến đối với các rối loạn tâm lý.
Nhiều người cho rằng phải bệnh rất nặng, thậm chí là 'bị điên' thì mới phải đi khám bác sĩ. Suy nghĩ đó khiến nhiều người 'ngại' đi khám bác sĩ tâm lý, tâm thần. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện xã hội vẫn còn nhiều định kiến về bệnh trầm cảm. Nó được ví như biểu hiện của một người thất chí (không có ý chí phấn đấu), đồng nghĩa với sự lười nhác của cá nhân, trong khi trên thực tế trầm cảm là một chứng bệnh. Nguyên nhân trầm cảm có thể đến từ yếu tố di truyền, sự suy giảm serotonin và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, dopamine và acetylcholine trong não. Bên cạnh đó là các nguyên nhân bắt nguồn từ văn hóa - xã hội - môi trường và áp lực cuộc sống.
Bên cạnh sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về bệnh trầm cảm, bệnh nhân bị trầm cảm hiện nay còn đang chịu thiệt thòi do sự hạn chế nhân sự trong ngành tâm thần cũng như trị liệu tâm lý tại Việt Nam. Tại buổi chia sẻ 'Hiểu trầm cảm từ người trong cuộc', bác sĩ Vũ Quốc Bình, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, cho biết: 'Trầm cảm với các nước phát triển trên thế giới rất phổ cập và được giáo dục trong trường học từ rất sớm. Còn ở Việt Nam, để tìm hiểu về trầm cảm khá khó khăn vì thiếu thông tin. Bên cạnh đó, từ lâu ngành Y đã bỏ việc đào tạo bác sĩ tâm lý, vai trò bác sĩ tâm lý bị lãng quên và được nhìn nhận chưa đúng mức, vì thế người bệnh đang rất thiệt thòi'.
Bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng, nếu không có những ứng phó kịp thời, sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. PGS.TS Trần Thành Nam cảnh báo: 'Khi xã hội có nhiều định kiến về bệnh trầm cảm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu hụt, đội ngũ cán bộ tâm lý còn chưa chuyên nghiệp sẽ dẫn đến việc nhiều cá nhân nhận thấy mình có dấu hiệu của trầm cảm nhưng vì sợ định kiến xã hội nên không chấp nhận mình mắc bệnh. Họ chỉ dám phàn nàn là mình mất ngủ, mệt mỏi hoặc đau đầu... Từ đó, họ sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ chuyên khoa thực thể. Không tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ sai địa chỉ sẽ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Cá nhân trầm cảm nặng thường có quan điểm bi quan không thực tế về bản thân, cuộc sống và tương lai của mình. Và chúng ta đều biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!