Trầm cảm: Căn bệnh không của riêng ai

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Một thống kê cho thấy có đến 26% người trưởng thành ở Mỹ bị trầm cảm ít nhất một lần trong đời.

Nam diễn viên hài danh tiếng từng đạt giải Oscar Robin William được cho là đã qua đời vì tự sát ở tuổi 63 do trầm cảm.

Trung úy Keith Boyd, Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Marin cho hay, công tác điều tra sẽ xác minh nguyên nhân thực sự của vụ việc này. Theo đó, William chưa bao giờ công khai trước công chúng về bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm thần nào khác nhưng đại diện của nam diễn viên tiết lộ với truyền thông rằng ‘ông ấy phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm trầm trọng lúc cuối đời’.

Theo TS. Manpreet Singh, Phó giáo sư Tâm thần học ở Khoa Y Đại học Stanford, những người tài năng và thành công như William vẫn có khả năng tự tử cho thấy không ai 'miễn dịch' với căn bệnh này.

Trầm cảm: Căn bệnh không của riêng ai

Chân dung nam diễn viên nổi tiếng Robin William

Một thống kê từ Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ cho thấy, có đến 26% người trưởng thành ở Mỹ bị trầm cảm ít nhất một lần trong đời. Hàng năm, hơn 38 000 người Mỹ tự vẫn, biến đây trở thành 10 nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở quốc gia này.

Trầm cảm không phân biệt tuổi tác, cũng không phân biệt sắc tộc hay tầng lớp xã hội. Nó chịu ảnh hưởng của di truyền và có thể diễn ra trong một số dòng họ.

Trầm cảm là bệnh lý của não

Nhiều khi người ta đánh đồng trầm cảm với tính cách yếu đuối, nhưng thật ra rối loạn này không liên quan sức mạnh tính cách từng cá nhân. ‘Đây là tình trạng bệnh lí nghiêm trọng’, Singh cho biết.

Cũng như hen suyễn, tiểu đường hay bất kì bệnh nào, trầm cảm bắt nguồn từ một cơ quan, và trong trường hợp này là ở não bộ. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác điều gì xảy ra trong não làm phát sinh các triệu chứng trầm cảm. Nhưng nghiên cứu gần đây nhất cho rằng, sự mất cân bằng của các chất truyền tín hiệu trong não có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Một vài nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự chênh lệch về kích thước của một vài vùng não ở bệnh nhân trầm cảm so với người bình thường.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những thay đổi về hóa học hoặc kích thước là nguyên nhân gây trầm cảm hay chỉ là hệ quả của căn bệnh.

Ý nghĩ hoặc dự định muốn tự tử có thể là triệu chứng của trầm cảm

Cảm giác buồn chán thường được coi là biểu hiện chính của trầm cảm nhưng trên thực tế đây là quan điểm sai lầm. Buồn chán chỉ là triệu chứng của rối loạn. Trầm cảm cũng có những triệu chứng thực thể như thay đổi khẩu vị, thay đổi về chất lượng giấc ngủ cũng như các triệu chứng cảm xúc khác như cảm thấy bản thân vô giá trị. Triệu chứng cũng bao gồm những thay đổi về hành vi như không còn hứng thú với những thú vui thường ngày nữa.

Tự tử có thể xảy ra ở những đối tượng bị các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt.

Hiện đã có một số phương pháp điều trị nhưng cần được cải thiện

Trầm cảm: Căn bệnh không của riêng ai

Tài tử Owen Wilson là một trong nhiều diễn viên hài có ý định tự tử do trầm cảm nhưng được phát hiện kịp thời

Điều trị trầm cảm bắt đầu từ liệu pháp trò chuyện (tâm lí), liệu pháp hành vi-nhận thức và dùng thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% bệnh nhân đáp ứng với 1 hoặc kết hợp các phương pháp điều trị này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc tìm biện pháp điều trị cho những bệnh nhân không đáp ứng. Theo các bác sĩ, nhiều người bị tái phát trầm cảm sau khi ngừng điều trị.

Một số liệu pháp thử nghiệm tỏ ra có triển vọng là những thuốc tác động đến những hệ thống khác nhau trong não bộ hay kĩ thuật kích thích điện vào những vùng não nhất định.

Tuy nhiện, việc xác định và điều trị bệnh nhân trầm cảm hiện nay còn chưa đủ hiệu quả. Theo thống kê, khoảng 60% số vụ tự tử ở Mỹ là do rối loạn tâm trạng, và hầu hết không được điều trị đúng thời điểm. Điều này cho thấy, chúng ta có thể ngăn chặn nhiều vụ tự tử bằng cách chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm tốt hơn.

Sự nổi tiếng hay giàu có không bảo vệ bạn thoát khỏi ‘lưỡi hái’ của bệnh trầm cảm

Trầm cảm gây ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, nhưng một số nghề nghiệp được cho có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn. 

TS. Scott Krakower, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Zucker Hillside ở Glen Oaks (Mỹ), cho biết: ‘Lo lắng và áp lực đè lên các diễn viên rất lớn. Tôi nghĩ họ đặt quá nhiều áp lực cho bản thân để diễn xuất tốt hơn. Vô hình chung, điều này khiến họ cực kỳ căng thẳng, nhất là khi họ luôn là tâm điểm của sự chú ý'.

Ngoài áp sức của danh vọng, tính cách của từng cá nhân cũng khiến họ có nguy cơ bị trầm cảm.

Mann giải thích: ‘Những người sáng tạo có tỷ lệ bị rối loạn tâm trạng cao hơn, có thể là rối loạn lưỡng cực, và rối loạn này làm tăng nguy cơ tự sát ở họ’.

Rượu, ma túy và trầm cảm

Robin Williams có vấn đề với rượu và đã điều trị cai nghiện ma túy ít nhất 2 lần, theo như ông tiết lộ trong một buổi phỏng vấn với truyền thông trước đó. Chắc chắn William không phải là người duy nhất trong cuộc chiến chống lại đồng thời cả bệnh trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện. Trên thực tế, những vấn đề này rất hay đi cùng với nhau.

Sử dụng rượu là yếu tố nguy cơ cực kỳ quan trọng bởi nó có thể thay đổi mức nguy cơ nhanh chóng. Nó vừa cản trở lợi ích của thuốc chống trầm cảm, lại vừa làm khi tăng nguy cơ người bệnh thực hiện ý định tự tử.

Chưa rõ liệu trầm cảm khiến người bệnh sử dụng ma túy và rượu hay việc sử dụng những  chất gây nghiện này dẫn đến trầm cảm. Và mối liên hệ này thay đổi như thế nào với từng đối tượng. Nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào, thì đều cần giải quyết cả hai rối loạn xác định rõ nguyên nhân trước khi lựa chọn liệu pháp điều trị.

Ngọc Luyện (Theo live science)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!