Quảng cáo kẹo giải rượu tràn ngập trên facebook với giới thiệu 'đánh bay' nồng độ cồn.
Kể từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực quy định những mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định này khiến không ít người dân thấy 'bí bách' bởi dịp cuối năm tiệc tùng nhiều, đặc biệt là khi Tết Canh Tý 2020đang đến gần. Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là cánh lái xe trên mạng xã hội nhiều ngày nay đang rao bán loại kẹo giải rượu khiến dân mạng phát 'sốt'.
Theo lời quảng cáo của những người bán hàng online, kẹo giải rượu Ready này có nguồn gốc từ Hàn Quốc, là hàng xách tay, 1 gói gồm 3 viên kẹo, 1 hộp gồm 10 gói. 'Thành phần: Curcumin 30mg, đường, gelatin, chiết xuất xoài, và các thành phần khác' – người bán quảng cáo.
Cận cảnh viên kẹo được quảng cáo là cứu tinh của người dùng rượu, bia.
Các tài khoản facebooker rao bán loại kẹo này là 'cứu tinh' giúp 'uống xả láng, không sợ tiếp khách, không sợ ép uống, không lo sợ bị các anh áo vàng bắt thổi nồng độ cồn, không lo nguy hiểm khi tham gia giao thông'.
Cách sử dụng có hiệu quả đối với loại kẹo này là: 'Trước, trong hoặc sau khi uống rượu nhai luôn 1 viên kẹo sẽ giải rượu rất tốt và hoàn toàn tỉnh táo, mùi cồn trong hơi thở sẽ biến mất'.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định hiện nay ở nước ta chưa có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu và 'đánh bay' nồng độ cồn. Trên thế giới cũng chưa có loại kẹo nào chứng minh được công dụng thần kỳ này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
BSCKI Lê Thị Cẩm Thơ (Bệnh viện Nhân dân 115 – TP Hồ Chí Minh) cho hay, hiện nây trên thị trường có nhiều loại dược phẩm được giới thiệu là 'thuốc giải rượu' nhưng thực tế đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, axit glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hoá rượu.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh những 'thuốc' này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!