'Trào lưu vớ vẩn', 'ăn chỉ để thể hiện', 'chẳng thấy ích lợi gì chỉ thấy ảnh hưởng đến sức khỏe'... là những ý kiến khi độc giả nghĩ về trào lưu thách thức ăn mì cay của giới trẻ.
Phong trào ăn mì cay 7 cấp độ kiểu Hàn Quốc thời gian thu hút đông đảo sự quan tâm của giới trẻ Việt.
Trên mạng xã hội, không khó khăn để bắt gặp các từ khóa phổ biến như 'Mì cay', 'Mì cay 7 cấp độ'... Nhiều người đua nhau tìm đến, mục đích chỉ để thể hiện bản thân trước bạn bè rằng mình đã ăn. Thậm chí, mỗi bát mì còn trở thành trào lưu thử thách mức chịu đựng của các bạn trẻ.
Không ít ý kiến bày tỏ sự phản đối với trào lưu này khi cho rằng, việc ăn mì quá cay sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe mỗi người.
'Trào lưu tàn phá cơ thể’
Trước hình ảnh giới trẻ đi ăn, check in cùng bát mì cay, Quang Huy chia sẻ: 'Mấy bạn trẻ đi ăn mì cay cũng chỉ muốn thể hiện thôi. Tôi không hiểu tại sao các bạn lại hành hạ cơ thể mình như vậy? Hơn nữa, ăn cay mà uống nước để làm giảm bớt nhiệt thì ăn để làm gì? Thế thì khác gì vừa đốt nhà vừa tạt nước?'.
'Tôi không khùng đến mức nhận lời thách thức đi ăn mì cay 7 cấp độ. Cái gì quá cũng đều không tốt, phải biết lượng sức. Mình không nên a dua theo phong trào một cách ngu ngốc, nhất là những thứ chỉ có hại chứ không có lợi cho bản thân chút nào', độc giả Bùi Thành Trung tỏ rõ quan điểm.
Trào lưu ăn mì cay đang hút giới trẻ. Ảnh: Huỳnh Hằng.
Trước những lời cảnh báo về sức khỏe, nhiều độc giả phản biện rằng mì cay là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc, Nhật Bản. Người dân các nước đó ăn thoải mái, nên Việt Nam cũng không cần phải lo ngại tác hại đến sức khỏe.
Để lý giải cho thắc mắc này, bạn đọc Gia Vy phân tích: 'Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước hàn đới, khí hậu lạnh quanh năm. Họ ăn cay để điều hòa nhiệt độ cơ thể. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ăn cay sẽ rất ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, sức khỏe. Mọi người không nên đem sức khỏe ra để cá cược'.
Hơn nữa, độc giả này cũng cho biết, nguyên liệu làm mì cay ở Hàn Quốc khác ở Việt Nam. 'Mì cay ở nước ta có vị cay nồng kiểu hóa chất chứ không phải vị cay tự nhiên của ớt. Mình khuyên mọi người hạn chế ăn món đó bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như gia đình', anh nói.
Độc giả Thanh Bùi, Hoàng Thịnh, Thanh Hà… để lại bình luận, đi theo trào lưu hay vì một lời thách thức là điều không nên. Hơn nữa, ăn quá cay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông máu. Nếu mao mạch quá tải, có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Thách thức với sức khỏe
Thực tế, khá nhiều trường hợp đã phải gánh chịu hậu quả về mặt sức khỏe từ trào lưu này. Nhiều độc giả đưa ra lời cảnh báo, việc ăn quá cay và kéo dài có thể làm loét, thậm chí ung thư dạ dày.
'Ăn quá cay sẽ gây ra hội chứng đốt miệng, bỏng rát ở lưỡi, môi, thậm chí dẫn đến ngộ độc, ngất xỉu tạm thời… Không hiểu sao trào lưu vớ vẩn này lại có thể tồn tại, chẳng thấy ích lợi gì chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà giới trẻ vẫn đâm đầu vào là sao nhỉ?', thành viên có nick name Lữ Thành Đạt thắc mắc.
Giới trẻ Hà Nội toát mồ hôi với mì cay 7 cấp độ: Mì cay cấp độ 7 đem đến sự trải nghiệm mới cho giới trẻ TP HCM đã xuất hiện tại Hà Nội. Món ăn nhanh chóng gây sốt đến nỗi khách xếp hàng chờ.
Cùng suy nghĩ, độc giả Nguyễn Đức Tâm viết: 'Đáng lẽ những gì tốt mới tạo thành trào lưu chứ? Đằng này không tốt cũng nhiều người theo, thật không hiểu nổi.
Nhiều khách hàng sau khi ăn mì cay 7 cấp độ có biểu hiện sốc, đau bụng và phải đưa đi cấp cứu mà mọi người vẫn không sợ. Giới trẻ không biết yêu quý bản thân chút nào'.
Ăn quá cay sẽ gây ra hội chứng đốt miệng, bỏng rát ở lưỡi, môi, thậm chí dẫn đến ngộ độc, ngất xỉu tạm thời . Ảnh: Huỳnh Hằng.
Từng trải nghiệm thử thách ăn mì cay, độc giả Hoàng Thịnh chia sẻ: 'Mình hối hận khi ăn món này, vì bị ngộ độc hơn một tuần mới khỏi. Mình sợ lắm rồi, dù ngon đến đâu cũng sẽ kìm nén vì sức khỏe. Các bạn ăn sẽ thấy tác hại của nó'.
Cũng tương tự như trường hợp trên, thành viên Ba Nabi cho biết: 'Mình cũng đã cùng vợ đi, ăn xong cả 2 đều bị bỏng rát ở lưỡi, môi, còn bụng đau âm ỉ. Sáng hôm sau thức dậy, cả hai đều phải tranh nhau... nhà vệ sinh. Mình thề không bao giờ đi ăn món đó nữa. Các bạn cũng đừng nên đi, lời khuyên chân thành'.
Nhiều bạn đọc cũng không ngại chỉ ra tác hại của việc ăn quá cay, với mong muốn giới trẻ bớt liều lĩnh. 'Chất capsaicin có trong ớt tạo vị làm tăng tiết axit trong dạ dày, kích ứng ruột non, rối loạn nhu động ruột, làm loét, thậm chí ung thu dạ dày. Ăn cay quá dễ bị sặc, ngưng thở, có thể tử vong. Mong mọi người sớm nhận ra được tác hại và biết yêu bản thân mình hơn', nick name Hoàng Anh viết.
Mì cay 7 cấp độ: Trào lưu đùa giỡn sức khỏe
>> Xem thêm: Thuộc 6 nhóm người này, đừng dại mà thử thách mỳ cay
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!