Theo thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, vào dịp Tết các gia đình thường tham gia nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội nên dễ làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Các bé ham chơi có xu hướng thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa dễ dẫn đến tình trạng thiếu chất, sụt cân...
Bên cạnh đó, vào dịp này nhà nào cũng dự trữ nhiều thực phẩm, nhất là các loại bánh kẹo, đồ ngọt. Thạc sĩ Tường khuyến cáo cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt sẽ khiến bé chán ăn, không cảm thấy đói và mất hứng thú với bữa ăn chính.
Ảnh minh họa: News.
Bác sĩ Tường cho biết hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn nên nguy cơ xảy ra rối loạn tiêu hóa sẽ cao hơn. Một số gia đình nấu nướng thức ăn dẫn đến nên dư thừa phải hâm đi hâm lại nhiều lần hoặc để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng khiến trẻ ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.
Các món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ. Đây là vấn đề phổ biến nhất khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến tâm trạng của các em trong những ngày xuân.
Thạc sĩ Tường cho biết việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý là điều kiện tiên quyết giúp trẻ ăn Tết vui vẻ mà không hại sức khỏe. Trước tiên, phụ huynh cần đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều trong những ngày nghỉ. Tuyệt đối không nên để bé quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa. Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Bổ sung thêm rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa để phòng nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
Cha mẹ và người lớn nên để ý không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và chất ngọt bằng cách để những thực phẩm này xa tầm mắt của các bé. Bên cạnh đó cần hạn chế các loại thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ và chất béo. Nên khuyến khích trẻ ăn các loại đậu, hạt khô tốt cho sức khỏe như bí, đậu phộng, điều, hướng dương…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!