Trẻ em có thể tự tạo phản ứng miễn dịch chống COVID-19 sau khi tiếp xúc với người dương tính

Thời sự - 03/29/2024

Trẻ em có thể tạo ra phản ứng miễn dịch COVID-19 sau khi tiếp xúc với cha mẹ bị nhiễm virus - Tân Hoa Xã cho hay.

Trẻ em có thể tự tạo phản ứng miễn dịch chống COVID-19 sau khi tiếp xúc với người dương tính

Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch (MCRI) thực hiện cho thấy: Mặc dù tiếp xúc gần gũi với cha mẹ có triệu chứng mắc bệnh, cả ba đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học trong một gia đình ở Melbourne đều xuất hiện những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và nhiều lần xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

Sau một loạt các cuộc điều tra miễn dịch về gia đình, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 trong nước bọt của tất cả các thành viên trong gia đình và trong xét nghiệm huyết thanh.

Trong khi đó, cả ba đứa trẻ đều có phản ứng miễn dịch tế bào hoạt động, đồng nghĩa là cơ thể các em kích hoạt hệ thống miễn dịch giống như đã nhiễm virus.

'Tôi nghĩ điều này rất quan trọng vì đây là phát hiện chi tiết đầu tiên về phản ứng miễn dịch của những đứa trẻ tiếp xúc gần với nguồn virus trong gia đình nhưng lại vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus', tác giả của nghiên cứu, bà Melanie Neeland từ MCRI trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã.

'Kết quả này cho thấy các em bé có thể đã bị mắc bệnh. Tuy nhiên, họ đã tạo ra một phản ứng miễn dịch nhanh chóng và hiệu quả đến mức nó ngăn chặn sự nhân lên của virus, thậm chí chúng tôi không thể phát hiện ra virus trong cơ thể các bé khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán', bà Melanie cho biết thêm.

Các chuyên gia cũng tiết lộ sự khác biệt về miễn dịch giữa người lớn và trẻ em, điều này có thể giải thích sự khác biệt về mức độ nhiễm trùng, lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh liên quan đến COVID-19 ở những nhóm tuổi này.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiến hành nghiên cứu lâm sàng rộng hơn với hàng trăm trẻ em để thu thập thông tin chi tiết hơn về phản ứng miễn dịch của chúng và cách các bé thích ứng với việc tiêm chủng.

Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nature Communications.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!