Khi đối diện với trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, việc quyết định tiếp tục cho trẻ mang thai hay chấm dứt thai kỳ là một quyết định khá quan trọng và rất khó khăn đối với trẻ vị thành niên. Vì vậy, cần có sự tư vấn của nhân viên y tế và ý kiến của phụ huynh, người thân trong gia đình.
Yếu tố dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ
Trên thực tế, các yếu tố dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn bao gồm: trẻ em thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế gây thụ thai, các biện pháp tránh thai...; trẻ em thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; có quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; có quan hệ tình dục trước hôn nhân, thực hiện việc sống thử trước khi kết hôn...
Trẻ vị thành niên mang thai có thể gặp những nguy cơ ảnh hưởng khi tiếp tục giữ lại thai để sinh đẻ và khi phá thai.
Nếu tiếp tục giữ lại thai để sinh đẻ thì phải hiểu rằng mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến tình trạng sức khỏe, nguy cơ tử vong của người mẹ ở tuổi vị thành niên cao hơn so với các người mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành; người mẹ rất dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, sảy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai nhi và khung chậu; trong lúc sinh đẻ sẽ sinh khó, có thể phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật như đặt forceps, giác kéo, mổ lấy thai...
Tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi được sinh ra từ các người mẹ còn ở tuổi vị thành niên thường cao hơn so với các người mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành; con của các người mẹ ở tuổi vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, mắc bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các người mẹ ở tuổi trưởng thành.
Về mặt kinh tế - xã hội, trẻ vị thành niên khi có thai phải gián đoạn việc học hành, chịu sự khó khăn kinh tế và không kiếm được việc làm sẽ dẫn trẻ vị thành niên đang mang thai vào con đường bế tắc; hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, nhiều trường hợp lâm vào hoàn cảnh éo le, ảnh hưởng nhiều đến tương lai của trẻ vị thành niên; tỉ lệ ly hôn từ đó cũng cao, dễ bị phân biệt đối xử; nếu trẻ vị thành viên có thai và làm mẹ sớm cũng có nguy cơ bị căng thẳng tinh thần và khủng hoảng tâm lý.
Nên sử dụng bao cao su để phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục
Nếu phá thai thì nguy cơ xấu ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ vị thành niên khá nhiều. Do trẻ bị mặc cảm, xấu hổ nên thường tìm kiếm đến các dịch vụ phá thai không an toàn; hơn nữa trẻ vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết và phát hiện thai nghén, không biết tìm đến cơ sở y tế sớm và thường để quá muộn dẫn tới phải phá thai to.
Đồng thời do cơ thể của trẻ vị thành niên chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai cho trẻ thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Ngoài ra, những ảnh hưởng về mặt tâm lý sau khi phá thai ở tuổi vị thành niên có thể tác động rất nặng nề và kéo dài.
Chẩn đoán thai nghén ở trẻ vị thành niên
Thực tế việc khám để chẩn đoán thai nghén ở trẻ vị thành niên cũng được thực hiện qua các bước tuần tự như đối với những phụ nữ mang thai ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên trong những trường hợp trẻ vị thành niên không đồng ý cho thăm khám âm đạo và đặt dụng cụ mỏ vịt thì có thể chẩn đoán thai nghén căn cứ trên kết quả xét nghiệm nước tiểu và kỹ thuật siêu âm bụng; sau đó thực hiện khám âm đạo và đặt dụng cụ mỏ vịt nếu thấy cần thiết. Khi khám phải hỏi các vấn đề liên quan như có quan hệ tình dục, có bị chậm trễ kỳ kinh nguyệt, có biểu hiện triệu chứng mang thai hay không.
Khám lâm sàng để phát hiện các triệu chứng ở vú như vú căng, quầng vú sẫm màu, có hạt màu nâu; khám âm đạo thấy cổ tử cung mềm, tím; khám tử cung thấy to, mềm. Về cận lâm sàng, cần thực hiện xét nghiệm phát hiện hCG (human chorionic gonadotropin) trong nước tiểu hoặc siêu âm. Việc chẩn đoán xác định phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm hCG dương tính hoặc siêu âm thấy có hình ảnh thai nhi kết hợp với các triệu chứng lâm sàng.
Tư vấn xử trí trường hợp mang thai của trẻ vị thành niên
Khi gặp các trường hợp trẻ vị thành viên mang thai ngoài ý muốn, nhân viên y tế cần cung cấp thông tin đầy đủ về những nguy cơ khi trẻ tiếp tục mang thai để sinh đẻ hoặc phá bỏ thai nhằm giúp cho trẻ vị thành niên tự quyết định tiếp tục giữ thai hay chấm dứt thai nghén.
Đối với trẻ vị thành niên mang thai có quyết định chấm dứt thai kỳ, việc tư vấn trước khi phá thai phải bảo đảm đủ thời gian để tư vấn và giải thích những thắc mắc nếu có của trẻ vị thành niên; giải thích để trẻ vị thành niên yên tâm, giảm sự lo lắng và căng thẳng tinh thần; giải thích rõ các phương pháp phá thai, quá trình thực hiện việc phá thai; đồng thời hỗ trợ kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, giúp các em đối mặt với chính vấn đề của mình và tự lựa chọn giải pháp phù hợp; nếu trẻ vị thành niên chưa quyết định được, cần cho thêm thời gian để suy nghĩ; khuyến khích các em nên nói chuyện với cha mẹ, người thân hoặc người đáng tin cậy.
Sau khi có quyết định phá thai, nên chuyển trẻ vị thành niên đến cơ sở y tế liên quan để phá thai an toàn và phù hợp nếu cơ sở y tế trẻ đến khám không có sẵn dịch vụ này. Trong trường hợp trẻ vị thành niên thay đổi quyết định, muốn giữ lại thai để sinh đẻ, cần chuyển trẻ vị thành niên mang thai đến cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc thai nghén.
Sau khi phá thai, nhân viên y tế cũng phải tư vấn, giải thích về các dấu hiệu bình thường và bất thường có thể xảy ra, cách theo dõi và xử trí khi có các dấu hiệu bất thường sau phá thai; hướng dẫn các biện pháp tránh thai ngay sau khi phá thai; cung cấp bao cao su và tư vấn về biện pháp tránh thai khẩn cấp; đồng thời cần hỗ trợ và khuyến khích các em nên trao đổi với người bạn tình về hành vi tình dục, về các nguy cơ và các biện pháp bảo vệ; ngoài ra cũng cần lưu ý đề phòng trẻ vị thành niên bị suy sụp tinh thần hoặc khủng hoảng tâm lý sau khi phá thai.
Đối với trẻ vị thành niên mang thai có quyết định tiếp tục giữ lại thai để sinh đẻ, cần hướng dẫn trẻ đến cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc thai nghén vì tình trạng thai nghén ở trẻ vị thành niên thường có nhiều nguy cơ hơn người trưởng thành, đặc biệt khi trẻ dưới 16 tuổi. Vì vậy, nhân viên y tế cần hướng dẫn các cách để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường cũng như phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra, tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cần thiết.
Các vấn đề cần lưu ý khi tư vấn trước sinh cho trẻ vị thành niên mang thai và bạn tình là nên sử dụng bao cao su để phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; nhân viên y tế có thể giúp trẻ vị thành niên xây dựng kế hoạch sinh đẻ, xác định người hỗ trợ thể chất và tinh thần trong khi sinh đẻ; cần tổ chức và khuyến khích trẻ vị thành niên, người hỗ trợ tham gia các lớp chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
Trong lúc sinh đẻ, việc tư vấn cần lưu ý là hạn chế để trẻ vị thành niên một mình, đặc biệt trong giai đoạn chuyển dạ tích cực; giải thích những gì đang và sẽ xảy ra để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng tinh thần, giảm đau và tăng khả năng chịu đựng; quá trình chuyển dạ nên có mặt cha mẹ, người thân trong gia đình hoặc người hỗ trợ cuộc sinh đẻ mà trẻ vị thành niên đã lựa chọn để tham gia chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho trẻ.
Khi hỗ trợ cho trẻ vị thành niên mang thai trong quá trình sinh đẻ, nhân viên y tế cần có thái độ kiên nhẫn, hiểu biết, chú ý giải thích, thể hiện sự thương yêu và chăm sóc; cần đáp ứng các nhu cầu đặc biệt và có thể khác nhau của mỗi trẻ vị thành niên mang thai nhằm hỗ trợ trẻ chịu đựng và vượt qua quá trình chuyển dạ.
Trong giai đoạn chuyển dạ tích cực, các cơn co tử cung khá mạnh và nhanh có thể làm cho trẻ vị thành niên mang thai hoảng sợ, vì vậy nên chuyện trò với trẻ trong khi sinh để giảm thiểu sự căng thẳng tinh thần, sợ hãi và có hợp tác tốt hơn.
Sau khi sinh, việc tư vấn cần lưu ý rằng trẻ vị thành niên sau khi sinh con đã trở thành người mẹ nhưng vẫn đang ở tuổi chưa trưởng thành nên chưa đủ kiến thức và điều kiện cần thiết để làm mẹ; vì vậy nhân viên y tế phải tận dụng tất cả cơ hội để hướng dẫn bà mẹ là trẻ vị thành niên cách chăm sóc bé sơ sinh, duy trì tình cảm giữa mẹ và bé; lưu ý những sự buồn chán, hiện tượng trầm cảm thường xuất hiện ở nhiều người mẹ sau khi sinh có thể xảy ra và càng trở nên nặng nề hơn đối với trẻ vị thành niên sinh con, do đó nhân viên y tế cần tiếp tục theo dõi và có kế hoạch thăm người mẹ là trẻ vị thành niên tại nhà.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!