Bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch chân có cùng nguồn gốc gây bệnh. Phụ nữ mang thai, người bị béo phì, người đứng nhiều và ngồi nhiều... dễ mắc phải hai chứng bệnh này.
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh mãn tính khá phổ biến ở người trưởng thành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như làm hao tốn tiền bạc. Giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ có cùng một nguyên nhân bệnh lý: do các tĩnh mạch bị suy và giãn ra. Bệnh trĩ hiếm khi gây tử vong nhưng gây khó chịu, đau đớn nhiều. Trĩ và suy tĩnh mạch là căn bệnh đồng hành gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh.
Tĩnh mạch là hệ thống các đường ống đưa máu đen, chứa những chất thải nghèo oxy giàu CO2, từ khắp cơ thể về tim. Thành tĩnh mạch có những cấu trúc gọi là van. Những van này hoạt động như mái chèo về một hướng và đóng kín, góp phần đưa máu về tim.
Ảnh minh họa
Khi các van và tĩnh mạch bị suy yếu do bị tác động của áp lực cao lâu ngày hay lão hóa của tuổi tác, tĩnh mạch sẽ bị giãn ra. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ tĩnh mạch nào của cơ thể. Danh từ suy giãn tĩnh mạch thường để chỉ tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở vùng chân. Suy giãn tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng được gọi là bệnh trĩ.
Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh thường có các triệu chứng biểu hiện như đau chân, nặng chân, mỏi chân khi đứng lâu hay ngồi nhiều, phù chân thường thấy ở vùng mắt cá chân, bàn chân, nhưng có khi phù kín đáo hơn, chỉ cảm thấy mang giày dép chật so với bình thường.
Ngoài ra, người bị suy giãn tĩnh mạch thường bị chuột rút (vọp bẻ), cảm giác tê chân, châm chích, như có kiến bò vùng cẳng chân… Tĩnh mạch có thể nổi li ti từng mảng lớn nhỏ khác nhau, màu xanh hoặc tím đỏ (tĩnh mạch hình mạng nhện) hay nổi to ngoằn ngoèo dưới da. Da vùng chân thay đổi màu sắc, ngứa, chàm rất khó chữa lành.
Những tĩnh mạch suy giãn vùng hậu môn trực tràng thường xuất hiện từng búi, gọi là búi trĩ. Trĩ nội là búi trĩ nằm bên trong hậu môn, thường phát hiện khi chảy máu hay sa ra ngoài lúc đại tiện rặn nhiều. Trĩ ngoại là búi trĩ nằm dưới da quanh vùng hậu môn.
Khi bị trĩ, người bệnh thường có những triệu chứng như chảy máu khi đại tiện. Máu khi đi đại tiện trong bệnh trĩ thường là máu đỏ tươi (như bị đứt tay), chảy nhỏ giọt, không dính theo phân. Đôi khi chỉ thấy ít máu tươi dính theo giấy vệ sinh.
Táo bón là nguyên nhân chính gây ra cả 2 bệnh
Bên cạnh đó, người bệnh bị đau hoặc khó chịu vùng hậu môn, cảm giác ngứa hoặc kích thích vùng hậu môn, cảm giác có một búi mềm, căng gần hậu môn, có thể đau hoặc căng to hơn khi đại tiện (búi trĩ nội chỉ sa ra ngoài khi đại tiện). Tình trạng chảy máu kéo dài, lượng ít... người bệnh lại không chú ý. Điều này lâu ngày sẽ làm bạn bị thiếu máu, hay bị chóng mặt, da xanh, người nhợt nhạt…
Tuy nhiên, ở những người trên 40 tuổi có dấu hiệu của trĩ cần phân biệt đây có phải là triệu chứng của ung thư đường tiêu hóa không, nhất là ung thư vùng hậu môn trực tràng.
Trĩ và suy giãn tĩnh mạch chân có cùng nguồn gốc gây bệnh. Vì vậy, khi người bệnh bị trĩ sẽ dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân và ngược lại. Táo bón, phụ nữ mang thai, béo phì, người đứng nhiều ngồi nhiều (giáo viên, nhân viên văn phòng, bán hàng, thợ làm tóc, tài xế, thợ may…), xơ gan dễ bị suy giãn tĩnh mạch và trĩ.
Để phòng tránh trĩ và suy giãn tĩnh mạch chân, bạn không nên để táo bón vì đây là ‘kẻ thù’ số một của trĩ và suy giãn tĩnh mạch. Khi bạn bị táo bón sẽ tạo một áp lực lớn lên những tĩnh mạch vùng chân và hậu môn trực tràng, làm chúng suy và giãn ra.
Để tránh táo bón, bạn nên bổ sung chất xơ hàng ngày, uống đủ nước (1,5-2 lít một ngày) và phải tạo thói quen đại tiện vào mỗi buổi sáng. Thêm vào đó, bạn cần tập thể dục hàng ngày, bổ sung vitamin C và E…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!