Robot phẫu thuật là 'trợ lý' đắc lực của các bác sĩ. Ảnh: BV
Những 'bác sĩ ảo'
Nhập viện trong tình trạng gầy rộc, mệt mỏi, đại tiện ra máu tươi, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (71 tuổi, quê Hưng Yên) đến Bệnh viện K tại Hà Nội thăm khám thì được chẩn đoán ung thư trực tràng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật, sử dụng hệ thống robot Da Vinci Xi để phẫu thuật nội soi, đây là thế hệ robot hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Kết quả là khối u đại trực tràng trong tiểu khung chật hẹp đã được lấy ra, sang chấn ở bệnh nhân là tối thiểu, không chảy máu, bảo đảm chức năng tiết niệu sinh dục tốt cho người bệnh.
Theo TS. Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi robot (Bệnh viện K), hệ thống robot phẫu thuật hiện đại đã hỗ trợ thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, tinh tế nhất; lấy được một cách triệt để nhất các tế bào ung thư mà vẫn bảo tồn tối đa được các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh. Vì vậy, bệnh nhân sau mổ sẽ hồi phục nhanh, giảm đau tối đa và sẹo mổ rất nhỏ; giúp nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Kỹ thuật phẫu thuật bằng robot đã trở thành phương pháp phổ biến tại nhiều bệnh viện, cho kết quả điều trị tối ưu. Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng thực hiện thành công ca phẫu thuật cột sống cho bệnh nhân nữ M.H. (68 tuổi, ở Hà Nội) bị chấn thương cột sống từ cách đây 2 năm. Bệnh nhân luôn phải mặc áo nẹp và chịu đựng những cơn đau kéo dài, uống quá nhiều thuốc giảm đau đến mức bị dạ dày nặng. Tuy nhiên, khi được chỉ định làm thủ thuật PRF dưới hướng dẫn của robot Carm; chỉ sau 3 tiếng làm thủ thuật, bệnh nhân đã hết đau đớn, thực hiện các động tác cúi người, quay nghiêng các hướng một cách dễ dàng, linh hoạt.
Những ca điều trị thành công cho thấy AI có vai trò như một bác sĩ đa năng, không chỉ điều trị mà thậm chí cả chẩn đoán, tự đưa ra phác đồ cho người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhờ áp dụng trí tuệ nhân tạo với công nghệ Watson for Oncology (WFO - là hệ trí tuệ nhân tạo chuyên biệt cung cấp các giải pháp cho bệnh ung thư); phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả đã được đưa ra với các loại ung thư: Vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, cổ tử cung… Nhiều bệnh nhân hết sức ấn tượng khi bước vào phòng tư vấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư với cả một hệ thống chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo gồm máy tính điều hành và dãy màn hình hiển thị kết quả. Bệnh nhân cung cấp thông tin, các bác sĩ thảo luận tóm tắt tình trạng bệnh, trình chiếu kết quả cận lâm sàng, sau đó chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân, nhập kết quả chẩn đoán vào hệ thống WFO và chờ để nhận được phác đồ điều trị gợi ý của hệ thống chỉ trong vài phút.
Từ kết quả này, bác sĩ quyết định phác đồ tối ưu nhất cho bệnh nhân. Đây là công cụ trợ giúp bác sĩ rất nhiều, rút ngắn thời gian hội chẩn để đưa ra phác đồ. Hệ thống được xây dựng từ nền tảng là rất nhiều tài liệu y học, tạp chí, bài nghiên cứu, các bằng chứng về phác đồ điều trị về ung thư được cập nhật. Hệ thống có khả năng tóm tắt các thông tin về bệnh lý dựa trên các hướng dẫn điều trị trên thế giới để đưa ra các hướng điều trị cho từng trường hợp.
Chị Đàm Thị H. (quê Vĩnh Phúc), bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn xương phải điều trị nội trú dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Sau khi hệ thống WFO đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, sức khỏe của chị được cải thiện rõ rệt, hầu như không gặp phản ứng phụ của thuốc.
Chị H. cho biết: 'Cuộc sống của tôi đã dần trở lại như trước là điều mà trước đây tôi không dám mơ ước tới'. Không chỉ bệnh nhân H., nhiều bệnh nhân ung thư có bệnh lý nền khó xử lý cũng được 'bác sĩ ảo' đưa ra phác đồ, từ đó các bác sĩ tuyến dưới có thể phối hợp để cho ra phương án điều trị tối ưu nhất. Công nghệ này đã được áp dụng tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Với những kết quả ban đầu trên, Bộ Y tế đang quyết tâm tiếp cận và đưa AI vào ứng dụng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó, AI sẽ được ứng dụng trong 3 mục tiêu trụ cột của đề án phát triển y tế thông minh là: Cảnh báo sớm dịch bệnh trong y tế dự phòng, công nghệ khám chữa bệnh thông minh và quản trị thông minh.
Vẫn cần đầu tư vào con người
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho rằng: Ứng dụng AI vào y tế là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện. Sau 2 năm có mặt tại Việt Nam, AI đã chứng minh hiệu quả trong khám chữa bệnh, được các hội đồng chuyên môn đánh giá cao.
Đến nay, Bộ Y tế đã có các giải pháp để phát triển ứng dụng AI như xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe với nội dung chính là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân; xây dựng các phần mềm cảnh báo dịch bệnh thông minh, phần mềm hỗ trợ khám, chữa bệnh thông minh… hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Quý Tường, AI là xu hướng của thời đại, Việt Nam không thể trì hoãn; nhưng cũng như các công nghệ mới, phải cần thời gian để hoàn thiện trước khi đi vào thực tế. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong hợp tác triển khai, phù hợp với môi trường xã hội Việt Nam đồng thời theo kịp xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên thế giới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc ứng dụng AI cần nền tảng nâng cao chất lượng nhân lực mới có thể đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như việc bác sĩ bắt buộc phải giỏi tiếng Anh, hiểu biết chuyên môn sâu mới có thể áp dụng đúng, tránh nhập sai dữ liệu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!