Thông qua vụ việc đáng tiếc về tai nạn thương tâm của em học sinh lớp 1 Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway ở Hà Nội vừa qua, rất nhiều ông bố bà mẹ đã bày tỏ sự lo lắng của mình trước tính mạng của con trẻ.
Trẻ nhỏ vốn rất hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng lại chưa đủ nhận thức để hiểu hết mọi thứ. Bên cạnh đó, một phần cũng đến từ sự chủ quan của người lớn khiến cho những tai nạn ập đến con trẻ theo hướng 'không thể tưởng tượng nổi'. Đặc biệt, trong những ngày hè oi ả, nóng bức, việc để ý tới trẻ nhỏ cũng là điều vô cùng cần thiết.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp tai nạn trong mùa hè và việc của bạn cần làm ngay bây giờ là phòng tránh những hành động bất cẩn sau.
Bỏ quên trẻ trong xe ô tô
Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, việc cho trẻ ngồi trong xe ngày nắng nóng vừa giúp tránh khói bụi, lại vừa ngăn không khí oi bức, khó chịu từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc để trẻ ngồi trong xe ô tô lại dễ gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ, nhất là khi tắt máy, đóng kín cửa và... lỡ bỏ quên trẻ trong xe.
Theo số liệu từ Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Toàn cầu (Safe Kids Worldwide), có tới 23% các bậc phụ huynh có con trên 3 tuổi từng bỏ quên con lại trong xe và 14% bố mẹ có con ở độ tuổi thấp hơn cũng gặp phải trường hợp tương tự. Tiếp đó, trang web Parents Central cho biết: 'Khi nhiệt độ bên ngoài là 15,5 C thì nhiệt độ trong xe oto có thể lên đến 43,4 độ C'.
Nghiên cứu cũng cho thấy, thân nhiệt trẻ em thường tăng nhanh gấp 3 - 5 lần so với người lớn khi ở trong môi trường có nhiệt độ cao. Nhưng khi thân nhiệt chạm ngưỡng tới 41,7 độ C là trẻ có thể bị tử vong bất cứ lúc nào.
Nhiệt độ trong cabin xe hơi cũng tăng nhanh chóng khi bạn di chuyển dưới môi trường nắng nóng mà không sử dụng điều hòa. Chỉ qua 10 phút là mức nhiệt trong xe có thể đạt đến ngưỡng gây tử vong. Trẻ nhỏ cũng dễ hấp thu nhiệt hơn người lớn, không gian trong xe oto lại ngột ngạt, khó chịu nên dễ gây sốc nhiệt.
Điều cần lưu ý khi cho trẻ ngồi trong oto:
- Luyện tập thói quen quan sát trước khi khóa cửa rời khỏi xe, kiểm tra ghế sau mỗi khi bạn ra khỏi xe.
- Đưa con bạn ra khỏi xe trước, sau đó mới quan tâm đến việc đưa các vận dụng hay hàng hóa của bạn ra khỏi xe sau.
- Đặt một món đồ chơi nhỏ ở vị trí dễ quan sát hoặc ghi ra giấy nhắc việc rằng bạn có con đang ngồi ở ghế sau; Hoặc bạn có thể đặt túi xách của mình ở hàng ghế sau khi vào xe và lấy chúng khi đi ra ngoài.
- Luôn khóa xe và cất giữ chìa khóa đúng nơi quy định, để xa tầm tay trẻ em để con bạn không thể lấy chìa khóa và tự ý mở cửa xe, rồi lại chui vào và mắc kẹt trong xe.
- Không để trẻ em chơi trong xe hơi mà không có sự giám sát của người lớn.
- Cài đặt một cơ chế mở cửa xe dễ dàng, để chúng có thể tự thoát ra và không thể bị mắc kẹt trong xe.
- Ứng dụng các thiết bị cảm biến đã được phát minh, có còi báo động khi có người lẻn vào xe.
Mặt khác, nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ ở một mình trong xe hơi, hãy gọi những bộ phận liên quan và giúp đưa trẻ ra ngoài càng sớm càng tốt.
Để trẻ đi bộ lâu dưới trời nắng
Da trẻ nhỏ vốn mong manh, nhạy cảm nên khi bị cháy nắng sẽ dễ làm các tuyến mồ hôi trên da bị tổn thương. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý che chắn làn da của con mình bằng áo quần dài tay, mũ rộng vành, kem chống nắng... trước khi cho trẻ ra ngoài trời nắng.
Nếu phải đi xa, hãy chọn những chỗ có điểm dừng chân thoáng mát, cởi bớt quần áo và quạt mát, cho trẻ nghỉ ngơi và uống đủ nước,
Cho trẻ uống ít nước khi chơi ngoài nắng
Nhiều bố mẹ vì muốn con mình hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe nên thường cho con chơi ngoài sân nhiều hơn. Tuy nhiên, việc chơi ở ngoài nắng lâu lại dễ khiến trẻ có nguy cơ bị sốc nhiệt. Đặc biệt, nếu bố mẹ không chú ý cho trẻ uống nước đầy đủ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
Một điều cần lưu ý nữa là các hoạt động ngoài trời chỉ nên diễn ra trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều. Còn nếu nhiệt độ ngoài trời trên 38 độ C thì tốt nhất nên cho trẻ chơi trong nhà.
Đồng thời, hãy chú ý cho trẻ chơi quanh bóng râm mát, tránh những nơi có ánh sáng phản chiếu mạnh. Nên chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên trong ngày, nhưng cần tránh uống nước đá, nước ngọt có ga.
Ra vào phòng điều hòa đột ngột
Đây cũng là một sai lầm phổ biến mà rất nhiều ông bố bà mẹ thường hay mắc phải trong mùa hè. Khi để trẻ chạy ra chạy vào phòng điều hòa đột ngột sẽ làm thay đổi môi trường.
Tình trạng nhẹ có thể gây mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Còn nặng sẽ làm nhịp tim và hơi thở không đều, lúc đầu nhanh, lúc sau chậm dần, gây khó thở và dễ dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!