Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân'

Sống khỏe mạnh - 05/19/2024

Songkhoe.vn tổ chức buổi tư vấn trực tiếp với chủ đề 'Bảo vệ bé khỏe mạnh trong mùa Đông, Xuân' vào 09h45 thứ ba (29/12/2015).

Trong thời tiết lạnh ẩm, cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp nhưng ở trẻ khi mắc bệnh hô hấp sẽ dễ chuyển bệnh nặng và cũng rất dễ tái phát bệnh do trẻ chưa phát triển thể chất một cách đầy đủ, hệ thống miễn dịch còn khiếm khuyết để tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Để giúp người dân có thêm kiến thức phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa này, Songkhoe.vn phối hợp cùng báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức buổi tư vấn trực tiếp với chủ đề 'Bảo vệ bé khỏe mạnh trong mùa đông xuân'.

Khách mời tham dự chương trình:

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội.

ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân' (P1)

MC: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương, theo bà, những nguyên nhân nào dẫn đến việc cứ bước vào mùa đông, xuân là số trẻ nhập viện lại tăng đột biến? Những căn bệnh nào trẻ hay và dễ mắc mắc nhất trong thời tiết khó chịu này thưa bác sĩ? (khí hậu, sức đề kháng của trẻ …)

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Khí hậu miền Bắc có mùa đông xuân tương đối dài. Vi khuẩn, vi-rút tồn tại trên cơ thể nhưng chưa gây bệnh. Khi chuyển mùa, vi-rút chuyển từ thể không hoạt động sang hoạt động. Chênh lệch nhiệt độ khác biệt trong mùa đông xuân nên trẻ ngủ dậy thường hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi. Trẻ em, người già miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm vi khuẩn, vi-rút. Trẻ đi học trong môi trường chật hẹp nên dễ nhiễm khuẩn, lây bệnh. Các bệnh thường mắc trong mùa đông xuân là bệnh lí đường hô hấp (trên, dưới, mũi, họng, viêm VA, viêm phổi...); bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng, hen phế quản); bệnh tiêu hóa; bệnh truyền nhiễm, tay chân miệng...

MC: Thưa bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội, những bệnh tiêu hóa nào trẻ hay bị mắc trong giai đoạn mùa đông, xuân này? Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài thì có ảnh hưởng ntn đến sức đề kháng của trẻ?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Bệnh liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp là tiêu chảy cấp, do vi-rút, vi khuẩn, mùa đông xuân thường gặp do rota vi-rút. Nguyên nhân do sự mất nước điện giải, trẻ nôn trớ khi ăn, hấp thu chất dinh dưỡng giảm, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Bệnh nặng thêm trên bé bị suy dinh dưỡng, đường ruột lâu hồi phục hơn.

MC: Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến nhất, thống kê cho thấy hàng năm có khoảng 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chủ yếu là do viêm phổi. Tại sao nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em lại phổ biến và đáng sợ như vậy, nguyên nhân do đâu? Có những loại bệnh đường hô hấp nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Hô hấp thường gặp ở trẻ, chia thành 2 nhóm:

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm, viêm tai giữa). Nếu trẻ dinh dưỡng tốt, khoảng 5-7 ngày trẻ tự khỏi.

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (viêm phế quản, hen phế quản, tràn dịch màng phổi...), dễ có khả năng tái nhiễm, điều trị lâu dài, khả năng hồi phục chậm, phát triển thể lực chậm hơn so với trẻ khác.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân'

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương

MC: Thưa bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội, những bệnh tiêu hóa nào trẻ hay bị mắc trong giai đoạn mùa đông, xuân này? Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài thì có ảnh hưởng ntn đến sức đề kháng của trẻ?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Mùa đông cần nhiều năng lượng để làm việc, hoạt động và chống rét.

Tăng sức để kháng cho trẻ bằng cách:

- Nguồn năng lượng: ăn đủ bữa.

- Cung cấp đủ chất đạm, protein.

- Tăng cường vitamin và khoáng chất: A, C, D, kẽm, sắt, canxi.

- Vi khuẩn có lợi trong sữa chua, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, theo tôi được biết, trẻ bị viêm phổi vì các tiêu hao sốt tăng, công năng tiêu hóa bị ảnh hưởng. Vậy, TS.BS có thể chia sẻ chi tiết hơn về ảnh hưởng của viêm phổi tới hoạt động tiêu hóa của trẻ không? Tôi cũng được biết là khi công năng tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng vì viêm phổi thì cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn dễ tiêu hóa – giàu chất dinh dưỡng. Vậy thì bé nên ăn những loại thực phẩm nào đảm bảo được tiêu chí trên?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Viêm phổi có tác động trên đường tiêu hóa như nhiễm trùng, dùng thuốc kháng sinh làm mất cân bằng vi sinh đường ruột ở hệ tiêu hóa. Bệnh lí khiến trẻ ăn uống khó khăn, với bệnh ở hệ tiêu hóa khiến trẻ gặp khó trong việc hấp thụ thức ăn. Cha mẹ cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Dinh dưỡng hợp lí trong giai đoạn bị bệnh giúp trẻ vượt qua tình trạng bệnh đó. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, thức ăn lỏng, mềm, duy trì chế độ dinh dưỡng tốt trong khi bị bệnh và sau khi khỏi bệnh giúp trẻ phục hồi sức khỏe tốt.

MC: Trong các bệnh hô hấp, viêm phổi là 1 trong những bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây ra những biến chứng khó lường nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Vậy thưa PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy bệnh viêm phổi có những biến chứng nguy hiểm nào? (viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, phù phổi cấp, gây còi xương…).

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Viêm phổi do nhiều nguyên nhân, tùy chủng vi khuẩn gây biến chứng khác nhau, nặng nhất là suy hô hấp cấp. Khi phổi tổn thương, lòng túi khí chứa đầy dịch, oxy không được trao đổi khiến trẻ suy thở, tử vong nhanh. Nhiễm khuẩn còn lan rộng sang tổ chức kế cận, có thể gây nhiễm trùng huyết dẫn đến viêm màng não, tụ cầu, áp-xe phổi, nặng nhất là suy đa tạng và tử vong.

Nguyễn Anh Thơ (Lào Cai): Bé nhà em hiện 13 tháng tuổi, ngay từ lúc sinh ra đã bị viêm phổi, gia đình đã đưa cháu đi chữa nhiều lần nhưng bệnh không khỏi hẳn. Gần đây sau mấy đợt lạnh mùa đông, bệnh lại tái phát, bé ho nhiều, thở nhanh, co rút lồng ngực khi ho. Tái khám được BS chẩn đoán là viêm phổi đã biến chứng sang phù phổi cấp. Xin chuyên gia cho biết phù phổi cấp có nguy hiểm không? Bé cần được chữa trị như thế nào để khỏi bệnh?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Sinh ra đã bị viêm phổi thường do quá trình chuyển dạ, mẹ có bị nhiễm khuẩn, trẻ sinh non thở oxy... Cháu có đề kháng kém, có thể là bệnh dị ứng (tái lại), bệnh bẩm sinh (có thể là tim bẩm sinh). Phù phổi cấp là biến chứng rất nặng, suy hô hấp, đe dọa tử vong, bệnh nhân phải thở oxy, hỗ trợ kháng sinh và chăm sóc đặt biệt. Chị nên cho cháu nhập viện sớm để được điều trị kịp thời.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân' (P2)

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, trẻ bị viêm phổi biến chứng nặng như trên chắc chắn là phải sử dụng khá nhiều thuốc kháng sinh. Với thể chất trẻ em còn yếu ớt mà cơ thể đã phải tiếp nhận lượng lớn kháng sinh như vậy thì có ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa không?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Hệ vi sinh đường ruột được thiết lập từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, sau sinh có thể nhiễm khuẩn từ môi trường (sinh thường, sinh mổ, tiếp xúc khi bú...). Chế độ nuôi dưỡng bằng sữa mẹ có ích cho đường tiêu hóa, chế độ ăn bổ sung hợp lí giúp vi khuẩn có lợi phát triển. Ảnh hưởng của sử dụng thuốc lên hệ vi sinh đường ruột ở trẻ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Vi sinh vật gây bệnh gia tăng tình trạng tiêu chảy.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân'

ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

MC: Đây là 1 trong rất nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi biến chứng nặng và khó điều trị. Vậy với tình huống này, trẻ bị phù phổi cấp thì cần kiêng gì, hay có lưu ý gì đặc biệt trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ không thưa ThS.BS Lê Thị Hải?

ThS.BS Lê Thị Hải: Khi trẻ bị suy hô hấp cấp, việc ăn uống gặp nhiều khó khăn. Bỏ bú là khi trẻ bệnh rất nặng. Nếu trẻ trong giai đoạn ăn bổ sung, cần cho trẻ uống sữa công thức, món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, hóa lỏng thức ăn (giá đỗ, mạch nha...) giúp trẻ dễ nuốt, hoặc có thể đặt xông. Với trẻ bị bệnh, ăn ít nên mẹ cần chia nhỏ bữa ăn. Với trẻ bị bệnh nặng, sẽ được sự hỗ trợ chăm sóc của đội ngũ y tế. Khi trẻ hồi phục, mẹ nên tăng bữa, bữa ăn đủ chất dinh dưỡng để trẻ nhanh bình phục sức khỏe.

1 bạn đọc (27 tuổi Quảng Nam): Con trai em 4 tuổi rưỡi, gần đây lúc ngủ thường thấy cháu thở rất khó khăn, mũi ngạt, tiếng thở khò khè. Đi khám được bác sĩ khuyên cho bé nạo VA, vậy nạo VA là như thế nào? Bé nhỏ tuổi có nạo được không? Nên thực hiện ở đâu và chi phí bao nhiêu?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: VA là tổ chức lympho ở lỗ sau của mũi, chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể. Hệ này phát triển mạnh ở trẻ dưới 2 tuổi. Khi viêm nhiễm trở thành ổ bệnh.

VA được chỉ định cắt trong trường hợp:

- VA gây hậu quả viêm phổi

- VA che quá lớn lỗ mũi (độ 3-4)

Chi phí cắt VA sẽ do cơ sở y tế giải đáp.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa do vi trùng từ VA đi vào đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy. Khi con bị như vậy thì nên được chữa trị như thế nào?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Rối loạn tiêu hóa thường do rối loạn nước điện giải hoặc kém dung nạp thức ăn. Cần bổ sung nước (orezol), dung dịch thay thế (nước canh, nước quả), bù dịch. Cho ăn đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu. Đảm bảo chế độ ăn đủ chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, kẽm. Trẻ còn bú nên được bú sữa mẹ.

MC: Thưa ThS.BS Lê Thị Hải, trường hợp bé vừa nạo VA như trên thì cần chăm sóc như thế nào để bé đảm bảo chất dinh dưỡng, không bị sút cân? Nhiều trẻ thường ăn nhiều vào ban đêm thì cha mẹ có nên duy trì thói quen này của con không vì theo MC được biết thì việc ăn uống quá nhiều vào ban đêm dễ khiến trào ngược dịch vị từ dạ dày lên họng, vòm mũi họng gây viêm họng và viêm VA.

ThS.BS Lê Thị Hải: Để tăng cường sức đề kháng cần chú ý chế độ dinh dưỡng. Dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm nhiễm. Tùy theo lứa tuổi của trẻ, cần ăn thực phẩm khác nhau, bữa ăn khác nhau và lượng dinh dưỡng cũng khác nhau. Phụ huynh cho ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, cân đối đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung rau, hoa quả tươi, cung cấp vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, một bệnh cũng thường gặp ở trẻ em trong mùa đông, xuân là tiêu chảy. Vậy tiêu chảy ở trẻ em gồm những loại nào, nguyên nhân do đâu? (2 loại: Tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp).

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Tùy theo cách thức để phân loại tiêu chảy:

- Theo thời gian: Tiêu chảy cấp và Tiêu chảy kéo dài.

- Theo mức độ: Tiêu chảy phân nước và Tiêu chảy phân máu.

- Theo nguyên nhân vi khuẩn: Xuất tiết, xâm nhập, thẩm thấu.

Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, chế độ ăn có nhiều thay đổi (từ sữa, ăn bổ sung...), sức đề kháng của trẻ chưa trưởng thành, đường tiêu hóa chưa ổn định, tiếp xúc với các bệnh nhiễm khuẩn khác... Kiểm soát tiêu chảy cấp để không chuyển sang tiêu chảy kéo dài, ít mắc bệnh khác, ít ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tình trạng dinh dưỡng.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân'

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội

MC: Tôi cũng là 1 người mẹ nên rất thấu hiểu việc trẻ thường gặp các vấn đề về tiêu hóa. Ngay cả khi ăn thức ăn chế biến ở nhà, trẻ vẫn có thể bị tiêu chảy. Liệu chế độ dinh dưỡng (như việc để trẻ ăn thức ăn nguội), rồi chế độ chăm sóc (như không giữ ấm vùng bụng cho trẻ trong ngày lạnh) có là nguyên nhân gây tiêu chảy hay không, thưa ThS.BS Lê Thị Hải?

ThS.BS Lê Thị Hải: Bệnh tiêu chảy kéo dài sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Ăn uống và tiêu hóa là 2 vấn đề luôn được các phụ huynh lưu tâm. 80% tế bào miễn dịch nằm trên đường tiêu hóa.

Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ:

- Trẻ nhỏ: Bú sữa mẹ hoàn toàn.

- Ăn bổ sung (6 tháng): nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu chảy cao

- Vệ sinh (rửa tay sạch sẽ), lựa chọn thực phẩm tươi sống, vệ sinh khi chế biến thức ăn cho trẻ, thức ăn nấu ra không để quá lâu, bảo quản trong tủ lạnh sạch sẽ và tùy loại thức ăn mà bảo quản trong tủ lạnh hay không. Việc lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm cần được các mẹ lưu tâm.

Hoangduy@gmail.com: Chào BS! Con gái cháu được 9 tháng tuổi bị sốt 38 - 39 độ, không ho, không sổ mũi nhưng đi ngoài nhiều hơn bình thường, 1 ngày khoảng 7-8 lần liên tục, ăn uống kém hẳn. Bé đã uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, vậy bé nhà cháu bị bệnh gì? Nên điều trị như thế nào? Xin cảm ơn.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Bé có tiêu chảy, cần được điều trị:

- Bù nước, bù điện giải

- Bổ sung kẽm

- Chế độ dinh dưỡng hợp lí

- Trẻ sốt do nhiễm vi rút hay nhiễm khuẩn kèm theo (có thể dùng thêm thuốc kháng sinh).

Cần cho trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác, có điều trị hợp lí.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân' (P3)

MC: Thưa quý vị khán giả và 3 vị chuyên gia của chương trình, mùa đông, xuân cũng là thời điểm các bệnh lây truyền như thủy đậu, sởi bùng phát ở trẻ. Tuy đây là bệnh lành tính nhưng dễ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong. Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, với cương vị là Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương, bà nhận xét gì về diễn biến 2 bệnh này ở trẻ em trong mùa đông, xuân năm nay? Sởi và thủy đậu có những dấu hiệu, triệu chứng nào phân biệt?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Mùa đông xuân là mùa mắc bệnh truyền nhiễm. Sởi, thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ. Người dân hoang mang trước thông tin vắc-xin nên không cho trẻ đi tiêm chủng, dẫn đến xảy ra Dịch sởi đáng tiếc năm 2014. Năm nay sởi, thủy đậu có xảy ra nhưng không kéo dài. 2 bệnh này thường ai cũng từng gặp. Sởi thường lây qua đường hô hấp: ho, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp, khó ăn, chảy nước dãi... Khi phát hiện trẻ đỏ mắt, phát ban, nổi và bay theo thứ tự. Ban thủy đậu là bọc nước, mọc toàn thân, nếu bị nhiễm khuẩn có thể có mủ. Nếu nghi ngờ phát ban, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Bé nhà em 3 tuổi, bị sởi biến chứng viêm não, phải nằm viện, thở oxy 1 tuần nay mà chưa thấy đỡ. BS cho hỏi với tình trạng bệnh của bé, liệu có diễn biến trở nặng hơn không? Điều trị thế nào để cháu mau khỏi, xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Không rõ cháu được tiêm chủng hay chưa nhưng sởi biến chứng viêm não thì đây là biến chứng nặng. Hi vọng với sự hỗ trợ điều trị của cơ sở y tế, cháu sẽ không bị biến chứng khác kèm theo (viêm phổi, nhiễm trùng huyết). 1-2 tuần tới biến chứng thuyên giảm dần, trẻ sẽ khỏi bệnh.

MC: Khi trẻ bị sởi hoặc thủy đậu, nhiều bà mẹ tự ý sử dụng các loại thuốc đông y hay truyền tai nhau kinh nghiệm cho trẻ tắm các loại nước lá như nước lá mùi già hoặc hạt mùi để nốt ban nổi nhanh, trẻ mau khỏi bệnh. Việc làm này là đúng hay sai, có dẫn đến biến chứng nặng nào ở trẻ không? Xin được hỏi ý kiến ThS.BS Lê Thị Hải về vấn đề này?

ThS.BS Lê Thị Hải: Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị một số bệnh là tốt, tuy nhiên truyền miệng những cách chữa trong dân gian thì có quan niệm đúng, có quan niệm chưa đúng. Tắm nước hạt mùi tốt, kháng khuẩn, sát khuẩn nhẹ ngoài da, nhưng chỉ có tác dụng phòng ngừa bệnh ngoài da chứ không có nghĩa là phòng ngừa hay giúp khỏi bệnh sởi. Phòng ngừa sởi quan trọng nhất là tiêm phòng. Chăm sóc trẻ với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng.

MC: Ngoài sởi, thủy đậu, mùa đông – xuân cũng là lúc nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, bệnh tay chân miệng vẫn còn là một loại 'bệnh lạ' đối với người Việt Nam thì đến nay, căn bệnh này đã trở thành nỗi lo thường trực của những ai có con nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Ước tính, cứ 1 trẻ bị tay chân miệng biến chứng nặng thì lây truyền cho khoảng 400 trẻ khác ngoài cộng đồng. Vậy bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở những trường hợp nào (trẻ đi mẫu giáo, trẻ tiếp xúc với đồ chơi ra sao…)? Triệu chứng bệnh như thế nào để phân biệt với việc bé chỉ bị nhiệt miệng? Bệnh lây qua đường nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Tay chân miệng mỗi năm có biến thể khác nhau. Biểu hiện sốt, tiêu chảy, viêm phổi nhẹ, thường không có biến chứng nặng, không tái bệnh. Nếu nhiệt miệng có thể tái lại, không có triệu chứng toàn thân, tay chân hoàn toàn bình thường. Tổn thương miệng, tay, chân... cha mẹ cần cho trẻ đi khám.

Phương Mai (32 tuổi, HCM): Bé nhà tôi 9 tháng bị tay chân miệng và lây cho mẹ. Tôi bị rộp lưỡi, sốt rồi tiêu chảy. Tôi đang cho con bú thì nên uống thuốc gì, nếu uống thì có ảnh hưởng đến sữa mẹ không? Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Tay chân miệng chủ yếu điều trị tại chỗ (viêm loét miệng họng). Không nên lạm dụng kháng sinh, vệ sinh sạch sẽ những nơi tiếp xúc với trẻ, cho trẻ bú bình thường.

Trực tiếp: Tư vấn 'Bảo vệ bé khỏe mùa Đông, Xuân'

Thanh Nga (Đà Nẵng) hỏi : Con gái tôi 12 tuổi, sáng nay cháu sốt cao 39 độ, thở gấp, trên da nổi vân tím, miệng có vài vết loét, lên cơn co giật, nhập viện được chẩn đoán tay chân miệng độ 3. Xin hỏi chuyên gia tình trạng bệnh như con tôi có nặng không? Điều trị, kiêng khem thế nào để khỏi bệnh? Chân thành cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Co giật là dấu hiệu nặng, nếu co giật độ 2 phải nhập viện, độ 3 phải được theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm sẽ có cách xử trí phù hợp với tình trạng bệnh của cháu.

MC: Vi-rút gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Vậy trẻ bị tay chân miệng cần được chăm sócnhư thế nào, ăn gì và cho ăn bằng cách nào vì trẻ đang có tổn thương trên da và niêm mạc?

ThS.BS Lê Thị Hải: Nếu trẻ trong tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, vấn đề ăn uống gặp khó khăn. Thức ăn nên là sữa, súp lỏng, mềm, dễ tiêu, không nấu mặn (muối, nước mắm) tránh bị xót vết loét ở miệng. Chế độ dinh dưỡng tùy thuộc thể trạng bệnh nhân, phản xạ nuốt...

NguyenHien107@yahoo.com: Chào chương trình, đợt gần đây thời tiết hay khô hanh và lạnh, con gái em thường bị đỏ trên da mặt, da khô và ngứa. Em đã bôi kem nẻ cho bé mà không thấy đỡ. Bé quấy khóc, ngứa nhiều còn dùng tay gãi gây trầy xước. BS cho hỏi bé nhà em có phải bị viêm da không? Em nên chăm sóc da cho bé thế nào, dùng thuốc gì và thực phẩm như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Trẻ da khô, mẩn đỏ, ngứa là dấu hiệu bệnh chàm (viêm da cơ địa). Trẻ không có nguy cơ tử vong, nhưng trẻ khó chịu do ngứa ngáy. Gãi làm ngứa tăng lên, da dày lên. Hạn chế trẻ gãi bằng cách: Hạn chế mặc đồ len dạ. Dùng thuốc mỡ bôi tại chỗ. Uống thuốc kháng histamin. Nguyên tắc số 1 trong điều trị viêm da là dưỡng ẩm. Chọn sữa tắm ít chất gây dị ứng dùng hàng ngày. Có những trẻ viêm da do thức ăn, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra, test chính xác.

Thúy Lan (26 tuổi): Mùa đông, thời tiết hay thay đổi lúc nắng lúc lạnh khiến bé nhà tôi ăn uống kém, bình thường bé đã ít ăn rau, giờ thì ép cũng không được. Dẫn đến việc bé hấp thụ rất ít chất xơ nên thường xuyên bị táo bón, thành ra tiêu hóa không tốt. Mong BS mách giúp tôi cách bổ sung chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để bé ăn ngon miệng?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Tùy theo độ tuổi của trẻ, cha mẹ cần chủ động cho trẻ uống đủ nước. Bổ sung rau và các chất xơ hoặc xơ hòa tan.

Hồng Hà (Đăk Lăk): Thưa ThS.BS Lê Thị Hải, cháu tôi bị rụng tóc vành khăn được 1 tháng rồi, trước đó mùa hè - thu cháu vẫn được cho tắm nắng thì không sao. Cháu còn bị đổ nhiều mồ hôi và giật mình khi ngủ đêm. Cho hỏi có phải cháu tôi bị thiếu canxi không, xin BS tư vấn cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng để tăng cường canxi cho bé?

ThS.BS Lê Thị Hải: Nguyên nhân còi xương hàng đầu do trẻ thiếu vitamin D. Hàm lượng vitamin D chỉ có ít trong dầu gan cá, lòng đỏ trứng. Cơ thể tự tổng hợp vitamin D nhờ ánh nắng mặt trời. Mùa đông không tắm nắng được thì bổ sung vitamin D cho trẻ. Nếu trẻ uống ít sữa, ăn ít tôm cua cá, tình trạng tóc rụng vành khăn, bạn có thể bổ sung thêm kẽm. Liều lượng bổ sung phụ thuộc tình trạng sức khỏe của trẻ.

MC: Trước khi kết thúc CT, bà có lời khuyên gì dành cho quý khán giả để phòng và điều trị bệnh hiệu quả cho trẻ vào mùa đông, xuân?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Mùa đông, cần giữ ấm cho trẻ. Bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm chủ yếu do giọt bắn vào không khí, môi trường. Cần rửa tay để giảm bệnh lí đường hô hấp. Tiêm chủng là vấn đề cốt lõi, phòng tránh các bệnh có thể cứu chữa được. Phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ khi trẻ hắt hơi, sổ mũi... Không lạm dụng kháng sinh lâu dài, dễ sinh nhờn thuốc. Không theo trào lưu khám bệnh ở bệnh viện lớn, nơi đông đúc, cần bình tĩnh xử lí trong mọi trường hợp.

MC: Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ có con biếng ănhoặc mắc bệnh về tiêu hóa, thường không cho trẻ đi khám bệnh mà cho dùng thuốc cam. Hậu quả khiến nhiều trẻ bị ngộ độc chì, ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Xin được hỏi TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, thuốc cam có nguồn gốc từ đâu, gây hại gì cho trẻ?

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà: Trong đông y, bài thuốc cồ truyền đề cập đến thuốc cam:

- Thuốc cam dùng trong: tinh dầu tràm kết hợp thảo dược, hoặc hoài sơn, ý dĩ, cam thảo... kết hợp với nhau.

Mục đích: trẻ ăn ngon miệng, bớt biếng ăn, trị rối loạn tiêu hóa. Những vấn đề ngộ độc gây ra thường do bảo quản.

- Thuốc cam dùng ngoài: Thành phần chính là oxit chì, thúc đẩy hồi phục niêm mạc, không khuyến khích dùng rộng rãi. Quyết định dùng thuốc phải hiểu rõ mục đích gì, cơ sở nào. Nếu không trẻ dễ bị nhiễm độc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!