Tư vấn trực tiếp: Phòng chống ung thư vú

Cần biết - 11/24/2024

Chương trình có sự tham gia của PGS. TS Trần Văn Thuấn, PGĐ Bệnh viện K và ThS.BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng QG.

SongKhoe.vn và Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống tổ chức chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề Phòng chống ung thư vú. Chương trình có sự tham gia của:

- PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, giám đốc quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư ngày mai tươi sáng.

- ThS. BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tư vấn trực tiếp Phòng chống ung thư vú - Phần 1

Hồ Thị Tuyết Nữ (28 tuổi, Nghệ An): Em sinh con đã được hai năm, thời gian này em có biểu hiện đau âm ỉ bên vú trái, đau thường xuyên. Bác sĩ bảo là viêm xơ tuyến vú trái có kích thước =0,7 và 0,6 cm. Dù uống thuốc nội tiết 6 tháng nhưng vẫn còn đau nhẹ âm ỉ. Bệnh em có thể chữa khỏi được không, có ảnh hưởng đến việc sinh con hay không? Có nguy cơ bị ung thư vú hay không? Em nên đi khám ở bệnh viện nào?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Chúng tôi khẳng định ung thư vú và các loại ung thư khác có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Sau khi cắt bỏ tuyến vú, có thể tạo hình cho chị em cảm thấy tự tin hơn. Đau có thể là triệu chứng của bệnh lành hoặc ác tính nhưng cần đi khám ở các cơ sở phòng chống ung thư và sản phụ khoa. Các bác sĩ có thể khám, chụp tuyến vú, tế bào để xem khối u như nào. Nếu lành tính có thể điều trị bằng thuốc,1 số trường hợp thì cần phẫu thuật để giúp giảm đau; còn nếu giai đoạn sớm thì có thể hoàn toàn có thể chữa bệnh.

Nga tang: Điều trị ung thư vú bằng nội tiết có đạt hiệu quả không? Có thể xảy ra những biến chứng gì? Tôi nên ăn gì để ngăn ngừa khả năng lan của bệnh?

ThS. BS Lê Thị Hải: Có nhiều phương pháp điều trị, tốt nhất là chị nên đến các cơ sở điều trị để nghe chỉ dẫn. Tùy thuộc và giai đoạn bệnh để chữa trị. Ăn uống chỉ để phòng ngừa, không có tác dụng chữa bệnh. Mặt khác, vấn đề dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng.

Có loại thực phẩm gây ung thư, ngược lại cũng có loại thực phẩm có chất chống ung thư. Vitamin A, C có tác dụng ức chế các chất gây ung thư. Vitamin E, kẽm, selen chống oxy hóa, các gốc tự do giúp ngăn ngừa, chống lại ung thư, tăng cường hệ miễn dịch. Chị cần tuân theo hướng điều trị của bác sĩ, nên tăng cường ăn rau quả có các khoáng chất trên.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Nội tiết có thể áp dụng sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị. Các triệu chứng như nóng người, toát mồ hôi sẽ hết sau 2 năm. Các loại thuốc điều trị nội tiết có ảnh hưởng đến xương. Chị nên ăn thức ăn có vitamin D.

Tư vấn trực tiếp: Phòng chống ung thư vú

Hai chuyên gia của chương trình

nguyenlethu160894@gmail.com (21 tuổi, sinh viên): Mẹ con từng bị ung thư vú và đã mất sau thời gian xạ trị khoảng 9 năm. Vài tháng gần đây con bị đau ngực nhiều và sờ thấy cục nhỏ. 3 tháng trước, bác sĩ bệnh viện Từ Dũ kết luận con bị sang thương vú phải nhóm II. Mật độ echo không đồng nhất, rải rác vú phải có vài khối echo trống được từ 3->4 mm, bờ đều, có tăng âm phía sau,không tăng sinh mạch máu trên doppler, hạch vùng ko thấy. Hôm qua con đi tái khám lại thì kết quả mọi thứ bình thường, nhưng thực tế con sờ vú có cục nhỏ, mà khoảng giữa tháng 12 trở đi con đau ngực rất nhiều đau buốt cho tới gần đầu tháng 1, là kỳ kinh, thì con không đau nữa. Hôm qua con đi khám, khi bác sĩ dùng máy siêu âm dò trên ngực, con rất đau nhưng không như lần đầu. Ngực bên trái của con trước giờ lớn hơn bên phải và cũng lớn. Gần đây 2 xương ức của con gồ lên sờ thấy rõ. Con thấy kết quả khám 2 lần không hợp lý ăn khớp với nhau lắm. Con có cần thăm khám gì thêm không ạ?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Trước hết, ung thư vú có tỉ lệ 10% di truyền. Nếu phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái ung thư vú có nguy cơ cao từ 4 đến 6 lần. Những người có người thân bị bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ sớm hơn so với người bình thường.

Tự khám: Đến ngày thứ 4,5 ngày của kỳ kinh, lúc tuyến vú mềm nhất. Bạn nên đi khám ở các bệnh viện, ung bướu để biết thêm chi tiết. Dựa vào các kết quả thì các bác sĩ mới chẩn đoán chính xác bệnh được.

Tư vấn trực tiếp Phòng chống ung thư vú - Phần 2

Ngân Thương (18 tuổi, sinh viên, Hà Nội): Cháu sống xa nhà nên ăn uống thất thường, hay ăn đồ ăn nhanh chứ không nấu nướng. Vì ăn nhiều đồ chiên rán nên dạo này cháu tăng cân khá nhanh. Gần đây cháu mới biết ăn đồ mỡ dễ bị ung thư vú nên rất hoang mang. Vậy giờ cháu phải ăn uống thế nào để tránh bệnh này ạ?

ThS. BS Lê Thị Hải: Đúng là cuộc sống của sinh viên quả thật là vất vả. Thức ăn tự nấu lấy tốt hơn là ăn nhanh. Các loại ung thư đường tiêu hóa liên quan mật thiết đến dinh dưỡng. Ung thư vú có liên quan đến mật thiết các thức ăn dầu mỡ. Chất béo sẽ chuyển hóa gây ra bệnh. Mỡ để lâu những thức ăn bị ôxy hóa, các muối trong thức ăn cũng không tốt. Ngoài ung thư, các bệnh khác như: cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa cũng dễ xảy ra. Cháu cần thay đổi, tự nấu ăn, ăn nhiều các món luộc nấu, tránh món rán.

tangvobaolam@icloud.com (36 tuổi): Tôi bị ung thư vú giai đoạn 2b, đã phẫu thuật và hoá trị xong được 6 tháng. Giai đoạn này, khả năng tái phát bệnh của tôi có cao không? Có tái tạo lại ngực được không? Nếu không thì bao lâu mới làm được? Hiện tại tôi đang uống thuốc Tamifine (tamoxifen 10mg), 2 viên/ngày, vitamin E 1 viên/ngày. Đây có phải thuốc đặc trị loại tốt không? Bác sĩ dặn tôi khi điều trị ung thư vú thì không được có con. Vậy chuyện quan hệ vợ chồng có làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và bệnh có nặng thêm không?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Ung thư vú phát hiện càng sớm, điều trị càng giảm, số năm sống thêm càng cao. Bệnh điều trị bằng: Xạ trị, phẫu thuật, hóa trị, nội tiết.

Điều trị nội tiết căn cứ vào tình trạng thụ thể, bệnh nhân còn kinh hay không. Nếu mãn kinh, có thể dùng thuốc từ 5 đến 10 năm. Bệnh thường tái phát sau 2 năm. Nếu phát hiện sớm thì tái phát càng ít.

Phẫu thuật: cắt bỏ toàn bộ tuyến vú nhưng chị em cần quyết định thời gian phẫu thuật và nên hỏi ý kiến gia đình. Dùng thuốc sẽ ra mồ hôi, khô âm đạo sẽ khó trong việc quan hệ vợ chồng. Nhiều trường hợp cứu chữa chị em vẫn có thể có con và sinh hoạt cuộc sống bình thường.

nguyenthitu.bn.89@gmail.com: Cháu đang cho con bú nhưng bác sĩ nói bị nang tuyến sữa bội nhiễm 1 bên kích thước 2,5 x 1,4 cm. Bên còn lại bị giãn ống tuyến sữa. Cháu nên làm sao, phải ăn uống thế nào để không ảnh hưởng đến con?

ThS.BS Lê Thị Hải: Nuôi con bằng sữa mẹ là quan trọng, giúp tiết kiệm kinh tế và tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu bị viêm, muốn nuôi em bé cần vắt bỏ sữa hàng ngày. Nếu bên còn lại chỉ bị giãn thì hoàn toàn có thể cho bé bú bình thường. Không vắt bỏ sữa thì tình trạng sẽ viêm thêm, làm ứ đọng sữa làm cho bé không bú được.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Có thể bạn chưa biết nhưng việc cho con bú sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

Tư vấn trực tiếp: Phòng chống ung thư vú

ThS. BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Bạn đọc giấu tên: Tôi vừa trải qua phẫu thuật ung thư vú, giờ rất tự ti khi bên chồng. Có một cảm giác có lỗi nữa. Dù chồng rất thông cảm và động viên nhưng tôi mất tự tin về chuyện ấy. Tôi rất bế tắc. Xin bác sĩ lời khuyên!

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Bạn không nên có tư tưởng này vì bệnh có thể đến với bất kỳ ai. Cần phòng bệnh bằng cách dinh dưỡng hợp lý và tự khám. Trước hết, chị em cần nhìn thằng vào sự thật, chấp nhận đương đầu với bệnh tật và cố gắng điều trị theo đúng lộ trình của bác sĩ. Chị em có thể độn hoặc tạo hình lại tuyến vú bằng túi silicon hoặc nước muối, hay chính những mảng da trên cơ thể. Quan trọng hơn là sự động viên của người chồng. Chồng rất thông cảm với bạn thì bạn cần tự tin và yên tâm chữa bệnh.

Lan (40 tuổi, Nam Định): Tôi đang điều trị ung thư vú bằng hóa trị. Vì sử dụng nhiều thuốc nên tôi rất mệt mỏi. Tôi cần tẩm bổ thế nào để có sức chữa bệnh?

ThS. BS Lê Thị Hải: Kể cả người khỏe mạnh thì chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Nếu điều trị hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ăn không ngon miệng vì khô miệng. Đầu tiên, phải có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Quan niệm ung thư nhịn ăn là sai lầm. Cơ thể cần cung cấp dinh dưỡng để khỏe mạnh để chống lại bệnh tật. Phải ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa. Có thể thay đổi các món: cháo, cơm thay đổi liên tục, hoa quả có thể vắt nước, uống sữa bổ sung vitamin D, khoáng chất. Ăn tăng các loại rau củ quả vì chúng sẽ cung cấp đầy đủ khoáng chất giúp tăng sức đề kháng.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Quan điểm của tôi là miễn sao người bệnh cảm thấy ngon miệng mới đủ sức khỏe chống lại bệnh tật.

Phạm Thị Thu Nga: Tháng 4/2013, bầu vú trái của tôi sưng đỏ, đau. Tôi khám ở khoa Ung bướu Bệnh viện Thanh Nhàn thì bác sĩ chẩn đoán là áp-xe vú. Sau đó tôi làm xét nghiệm tế bào ở viện K thì kết quả là viêm vú. Sau khi điều trị kháng sinh thì vú trái vỡ mủ với 3 ổ mủ. Tháng 7/2013, vú vẫn sưng đau, tôi khám ở Bệnh viện Phụ sản TW thì bác sĩ kê kháng sinh uống. Tháng 8/2013, vết loét ở vú không lành, tôi khám lại ở Bệnh viện Phụ sản TW thì bác sĩ nghi lao vú và chuyển tôi sang viện Lao. Mặc dù kết quả xét nghiệm vi khuẩn lao là âm tính nhưng tôi vẫn dùng thuốc lao trong 6 tháng. Đến nay vết loét đã lành, nhưng ở vú trái vẫn còn một mảng cứng. Tôi không nuôi con nhỏ, xin hỏi Bác sĩ bệnh của tôi chính xác là bệnh gì?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Theo tôi, bệnh của chị khẳng định cần phải sinh thiết để xem lành tính hay ác tính. Áp-xe thông thường hay đặc hiệu, tìm vi khuẩn lao hay không. Chị nên đi khám định kỳ, đến cơ sở chuyên khoa để xác định bệnh của mình. Áp-xe là bệnh lành tính của tuyến vú, gây viêm tấy và không gây nguy hiểm.

Linh (HCM): Trong giai đoạn xạ trị, bệnh nhân ung thư vú có được uống nấm linh chi, dùng tam thất mật ong hay không? Nếu đang tia xạ,chế độ dinh dưỡng cần chú ý những gì? Có nên ăn súp và uống nhiều nước hoa quả hay không?

ThS.BS Lê Thị Hải: Nấm linh chi tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có protein nguồn gốc thực vật tốt cho sức khỏe. Bạn hoàn toàn có thể dùng được. Đương nhiên bệnh nhân điều trị ăn uống được như vậy thì tốt.

Tư vấn trực tiếp Phòng chống ung thư vú - Phần 3

Mai Hoa Nữ (39 tuổi, Hà Đông, Hà Nội): Tôi năm nay 39 tuổi, cách đây 2 năm tôi phát hiện ngực trái mình có một cái u nhỏ kích thước gần bằng hạt lạc. Khi đi khám tại phòng khám chuyên khoa u bướu của 1 bác sĩ bệnh viện K, đã siêu âm, chụp, sinh thiết (kết quả u lành). Vậy cái u của tôi có nguy hiểm và cắt bỏ không?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Nếu là u lành thì không nguy hiểm, cần cắt bỏ hay không dựa trên u có to hay không, ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay không. Thứ 2 là người bệnh có bị đau hay không bạn nhé.

Manhhung: Tôi là doanh nhân, công việc hay phải đi tiếp khách, uống rượu. Tôi được biết uống rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tôi rất lo lắng nên không biết làm thế nào để tránh xa căn bệnh này khi công việc bắt buộc phải uống rượu.

ThS.BS Lê Thị Hải: Trên thực tế vẫn có nam giới vẫn mắc bệnh ung thư vú. Rượu có tác hại nhưng nhiều trường hợp bắt buộc phải uống. Những người có đặc thù nghề nghiệp phải ăn uống ở hàng quán đều có yếu tố nguy cơ về sức khỏe nên cần có biện pháp phòng tránh. Ví dụ như bỏ rượu thay bằng đồ uống khác. Rượu là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chất phoocmandehit phá hủy dạ dày gây ra ung thư.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Thông thường đàn ông có thói quen uống rượu do tiếp khách hay thể hiện bản lĩnh. Rượu cộng hưởng với thuốc lá gây rất nhiều loại ung thư. Tỉ lệ ung thư ở nam giới cao hơn là do hút thuốc và uống rượu nhiều.

thaokieu86@gmail.com: Em bị áp-xe vú lúc mới sinh 2 tháng và đã đi rạch, đường rạch dài khoảng 2 cm và khá sâu. Vết rạch đã hơn 2 năm nhưng lâu lâu em vẫn thấy bị nhói hoặc đau. Em cũng đã đi siêu âm định kỳ khoảng 6 tháng 1 lần kết quả không sao. Vậy áp-xe này có ảnh hưởng gì khi em sinh tiếp không? Khi sinh xong thì bên vú bị rạch có sữa như trước không? Khi sinh nữa em có bị áp-xe và vết rạch này thời gian dài có gây ung thư vú không?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Nguy cơ ung thư vú và 1 số bệnh lành tính ở vú có nhỉnh hơn đôi chút, khoảng 1.7 lần. Chị hoàn toàn có thể sinh con bình thường, tùy theo khối u sẽ biết được sữa thế nào. Cần lau sạch vú trước và sau khi cho con bú để đảm bảo an toàn.

Bạn đọc giấu tên: Tôi hiện 33 tuổi, đang là công nhân vệ sinh, hay phải thức đêm để trực. Tôi lại nghe nói đây là yếu tố gây ung thư vú. Xin hỏi để bù vào việc thức đêm thì tôi có thể cải thiện theo cách nào? Ăn uống ra sao?

ThS.BS Lê Thị Hải: Điều này không chính xác vì rất nhiều người có công việc phải thức đêm. Chị làm đêm, cần ngủ bù vào ban ngày. Chị cần ăn thêm các bữa phụ vào ban đêm để đảm bảo sức khỏe.

Nguyễn Văn Thu Nam (56 tuổi, Thanh Hóa): Tôi nghe nói để chẩn đoán sớm ung thư, nên làm xét nghiệm máu với một số chỉ tiêu về chỉ định ung thư. Nên xét nghiệm chỉ tiêu nào và xét nghiệm máu ở đâu? Liệu các chỉ định ung thư đó có đáng tin cậy không? Có biết trước được sớm ung thư không và hết nhiều tiền không?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Để chẩn đoán bệnh,, bạn cần đến các nơi chuyên khoa, các đơn vị khám về ung bướu. Không có xét nghiệm nào chẩn đoán tất cả các loại ung thư cả mà cần khám sàng lọc cho từng loại ung thư. Ví như ung thư vú, chị em có thể tự khám hoặc đến các trung tâm khám chữa bằng chụp tuyến vú. Tùy vào khám bao nhiêu loại bệnh ung thư thì bạn sẽ tính được số tiền. Tiền khám sẽ không mất nhiều lắm đâu. Quan trọng là sức khỏe bạn ạ.

Hoa (Ninh Bình): Bệnh nhân ung thư vú phải điều trị nội tiết tố để cắt giảm estrogen thì có được ăn đậu phụ, uống sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu tương hay không? Vì nghe nói đậu nành kích thích sản sinh estrogen?

ThS.BS Lê Thị Hải: Nội tiết tố có tác dụng làm đẹp, Estrogen có vai trò quan trọng giúp làm phụ nữ đẹp hơn. Thiếu Estrogen làm phụ nữ béo lên, xương kém chắc hơn. Dùng nội tiết tố là con dao 2 lưỡi, phụ nữ đẹp hơn nhưng có thể gây ung thư vú. Nội tiết tố có nguồn gốc thực vật hoàn toàn không có tác phụ, ngăn ngừa loãng xương. Có thể hoàn toàn ăn sản phẩm đậu tương hàng ngày, đây không phải là cung cấp mà là sản sinh Estrogen.

Tư vấn trực tiếp Phòng chống ung thư vú - Phần 4

Nguyễn Thúy Hà Nữ (39 tuổi, Hà Nội): Cách đây 2 tháng tôi có bị đau cả hai bên ngực, sau khoảng 3 tuần tôi hết đau. Hiện nay tôi bị đau bên dưới vùng nách phải, râm ran suốt cả ngày. Tôi có sờ nắn thì không thấy có gì bất thường. Dấu hiệu đau ấy có phải ung thư vú? Nếu đúng thì tôi nên đi khám ở đâu và làm những xét nghiệm gì?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Đau vú rất phổ biến ở phụ nữ, triệu chứng này hay gặp u lành tính hơn ác tính. Bạn nên đi khám ở cơ sở sản phụ khoa để xác định bệnh.

Sơn (Hoà Bình): Có thể do uống thuốc điều trị ung thư nên em rất háo ăn ngọt, thích uống đồ uống nhiều đường, ăn bánh kẹo. Điều này có kích thích tế bào ung thư phát triển không? Em thấy có tài liệu cho rằng đường làm tế bào ung thư tiến triển nhanh, đúng không ạ?

ThS.BS Lê Thị Hải: Vấn đề dinh dưỡng thì càng hạn chế đồ ngọt càng tốt, ngay từ nhỏ đã phải không nên ăn nhiều ngọt. Nhiều trẻ nhỏ đã bị tiểu đường tuýp 2, ăn ngọt làm thừa cân béo phì và gây ra nhiều bệnh. Có thể thay vị ngọt đường bằng cách ăn trái cây sẽ không gây chuyển hóa thành chất béo. Đường lại có thể chuyển hóa thành mỡ gây thừa cân, béo phì và các bệnh khác như tăng mỡ máu, tiểu đường. Bạn hãy tiết chế cơn thèm đồ ngọt, cố gắng ăn rau củ quả nhiều hơn.

Tuấn Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng): Tôi được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn đầu khi vú mới xuất hiện cục u nhỏ. Tôi đọc báo thấy căn bệnh này ở nam còn ác tính hơn cả ở phụ nữ. Tôi phải làm sao để chữa khỏi bệnh vì gia đình tôi cũng không khá giả lắm.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: ung thư vú nam giới chiếm tỉ lệ 1% so với các loại ung thư khác. Cách xác định và điều trị cũng giống như ở nữ. Bạn cần đến khám để có hướng điều trị kịp thời.

Đào (Lạng Sơn): Bệnh nhân ung thư vú sau điều trị có được ăn cay (như ớt, hạt tiêu, gừng, các loại gia vị), ăn mắm tôm, ăn gỏi và dùng đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, sô cô la hay không? Em có đọc tài liệu là ăn ớt diệt được tế bào ung thư, điều này có đúng hay không? Có tài liệu thì nói uống cà phê phòng ung thư gan nhưng bệnh nhân ung thư vú được khuyên là không nên uống cà phê, tại sao lại như vậy?

ThS.BS Lê Thị Hải: Trong thức ăn có gia vị làm ngon miệng hơn. Tuy nhiên ăn ớt ngừa ung thư thì chưa xác định được. Ăn nhiều ớt diệt tế bào ung thư cũng không nên. Cà phê phòng ung thư gan là không chính xác, chất caffein chỉ gây phấn chấn nhưng lại gây hại cho sức khỏe. Nói chung, bạn có thể ăn nhưng chỉ ăn vừa phải. Ăn quá nhiều sẽ không tốt.

nguyenhung5390@gmail.com: Cháu sinh em bé được 1 tháng thì bị áp-xe vú. Tuy nhiên do ít kiến thức nên cháu không đi chích luôn mà đắp cao với lá nên tình trạng ngày càng nặng thêm. Sau đó cháu có đi BV Phụ sản Hà Nội chích mủ. Nhưng khi chích xong thi cháu thấy bên vú bị chích có cục gì đó mà đến giờ con cháu được 1 tuổi rồi nhưng cục đó vẫn chưa tan. Cháu phải điều trị như thế nào? Liệu sau này có nguy cơ bị ung thư không?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Sau khi xử lý như vậy, bạn nên đi khám định kỳ. Không hẳn bị áp-xe vú là bị ung thư vú. Nguy cơ bị ung thư vú khi bị áp xe vú cao 1.7 lần so với người bình thường.

Tư vấn trực tiếp: Phòng chống ung thư vú

PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia

Mai (Vũng Tàu): Bệnh nhân ung thư vú có được phép uống thuốc nam (như bạch hoa xà, bán chi liên, xạ đen, lá đu đủ) và thực phẩm chức năng trong khi đang phẫu thuật, hoá trị và xạ trị ung thư vú hay không? Nếu có thì những loại nào có thể được dùng?

ThS.BS Lê Thị Hải: Điều trị ung thư vú hoàn toàn có thể kết hợp Đông y và Tây y. Thực phẩm chức năng có vitamin và khoáng chất, nếu không ăn đủ hàng ngày thì hoàn toàn có thể dùng thêm.

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Điều ung thư vú cần dùng 3 phương chính: Phẫu thuật, hóa trị và điều trị hệ thống. Khẳng định muốn điều trị cần dùng các phương pháp truyền thống.Còn đông y thì vẫn chưa được chứng minh. Không nên kết hợp vì chưa biết thuốc đông y và tây y sẽ phản ứng với nhau như thế nào. Muốn dùng cần rõ nguồn gốc và phải có kiểm định chất lượng.

Vũ Quỳnh Hương (27 tuổi): Em bị ngứa ở núm vú từ 2 năm nay, giờ thấy xuất hiện 1 hòn gì đó ở chỗ ngứa, chỗ quầng vú. Em bị sao và chữa thế nào ạ?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Ngứa là triệu chứng của bệnh da liễu, bạn nên đi khám. Trong quá trình khám có thể xác định có khối u trong cơ thể hay không.

Mỹ Hương (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc): Xin bác sĩ tư vấn giúp em là bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật nên ăn gì để nhanh chóng phục hồi vết thương? Bác sĩ khuyên em nên ăn nhiều thịt sau phẫu thuật để vết thương mau liền sẹo, điều này có đúng không ạ?

ThS.BS Lê Thị Hải: Sau khi trải qua phẫu thuật, mất nhiều chất. Việc ăn uống sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Nên ăn các thức ăn loãng. Nếu trong bữa ăn hàng ngày, vẫn có thể ăn cơm nhưng nên ăn các bữa phụ. Nên ăn hoa quả, rau xanh. Ăn uống đủ chất sẽ làm vết thương mau lành. Thịt có nhiều chất đạm thì nên ăn vừa phải, đủ theo nhu cầu. Nói chung cần dinh dưỡng cân bằng.

Nguyễn Thị Phương Nữ (31 tuổi, Mai Sơn, Sơn La): Tôi đang bị u sơ bên tuyến vú phải, phát hiện hồi tháng 5 lần đầu tiên ở BV Bạch Mai. Tháng 8/2014, tôi về bệnh viện K khám lại và cũng làm sinh tiết là nhân sơ lành tính. Tôi có cần phải làm phẫu thuật loại bỏ nhân sơ đi hay có phác đồ điều trị kiểm tra định kỳ như thế nào là hợp lý nhất?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Nhân sơ là lành tính, bỏ cái u đó hay không tùy vào u có ảnh hưởng đến người bệnh hay không. Loại bỏ sớm thì bệnh sẽ khỏi hẳn.

Bạn đọc (45 tuổi): Năm nay tôi 45 tuổi, cách đây 7 tháng, tôi đi siêu âm có phát hiện 1 u nang nhỏ kích thước 10mm ở điểm 12h bên vú phải. Sau đó tôi đã kiểm tra lại ở bệnh viện K, làm siêu âm, chụp phim, sinh thiết tế bào, xét nghiệm được kết luận là viêm xơ tuyến vú. Tuy nhiên bác sĩ tư vấn là không cần thuốc điều trị. Sau 5 tháng, tôi đi siêu âm lại thì kích thước là 10x6mm. Hiện tại không đau. Bác sĩ cho tôi hỏi trường hợp của tôi có cần dùng thuốc gì không? Sau bao lâu thì cần đi kiểm tra lại? Để lâu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và có cần bóc tách không? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Khi được bác sĩ khám, chụp vú, làm tế bào thì hoàn toàn có thể an tâm không có ung thư. Với tuổi 45 nên đi khám từ 1 đến 2 lần. Các bệnh tuyến vú lành tính có nguy cơ cao hơn phụ nữ bình thường 1,7 lần, không quá nhiều.

>> Xem thêm:

Hỏi - đáp về ung thư vú

Các chương trình tư vấn trực tiếp trên SongKhoe.vn

PV

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!