Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường

Vui khỏe - 05/03/2024

Chương trình phát sóng trực tiếp trên Cổng thông tin Y tế SongKhoe.vn và báo điện tử Suckhoedoisong.vn.

Những bệnh truyền nhiễm nào thường gặp vào mùa hè? Mức độ nguy hiểm của những bệnh này? Người dân cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè? Những nội dung này sẽ được các chuyên gia giải đáp đầy đủ trong buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề 'Bệnh mùa hè - Chớ coi thường' do cổng thông tin y tế SongKhoe.vn và Báo điện tử Suckhoedoisong.vn tổ chức.

Khách mời tham dự chương trình:

ThS.BS Nội trú Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường (P.1)

MC: Nguyên nhân chính nào khiến nhiều người dễ mắc bệnh vào mùa hè đến vậy thưa phó giáo sưBùi Vũ Huy?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, mầm bệnh, vi-rút phát triển, kể cả các côn trùng như ruồi muỗi. Điều đó dẫn đến những bệnh tiêu hóa, bệnh từ muỗi như viêm não nhật bản, sốt xuất huyết... ngoài ra còn một số bệnh nữa liên quan đến vệ sinh, thời tiết nóng nực như viêm da, dị ứng...

MC: Vậy lý do vì sao ngày càng có nhiều bệnh mới, còn những bệnh cũ thì trở nên khó chữa hơn trước?

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Nhiều bệnh do truyền nhiễm gây nên, chúng ta có nhiều thuốc kháng sinh điều trị nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại. Mặc dù có nhiều hành động để ngăn chặn dịch bệnh nhưng mầm bệnh không hề mất đi. Đó một phần là do thói quen khó bỏ ví dụ như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Thậm chí là thói quen ăn tiết canh, mặc dù được đài báo cảnh báo nhiều nhưng vẫn nhiều người ăn món này. Nguyên nhân là do hành vi khó bỏ dẫn đến bệnh có cơ hội tồn tại và phát triển.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường

Ngọc Hoa (Quốc Oai –Hà Nội): Thưa bác sĩ con tôi bi ho cách đây 4 tháng, sau khi bị thủy đậu cháu bắt đầu ho. Sau khi mua thuốc uống ở nhà nhưng không khỏi, tôi đưa con đi khám và được chuẩn đoán là viêm phế quản cấp, tôi cho bé uống thuốc và tiêm thuốc viêm phế quản vẫn không hết ho, thậm chí bị khàn tiếng. Bây giờ con tôi chỉ ho vào buổi sáng ngủ dậy và có đờm trắng đục. Cháu không sốt, ăn uống tốt và chơi ngoan. Xin bác sĩ tư vấn cho trường hợp của con tôi?

Xin được hỏi PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Khi cháu bị như vậy, nên đưa bé đến cơ sở y tế chữa một lần, như vậy sẽ giảm được chi phí không cần thiết và làm bệnh nhanh khỏi hơn. Trong trường hợp này, tự mua thuốc chữa là không nên, uống nhiều thuốc chưa hẳn đã tốt. Hiện giờ, cháu vẫn còn ho và có đờm đục, tức là vẫn đang có vấn đề về đường hô hấp, cháu cần phải được khám và tư vấn trực tiếp của các bác sĩ để cháu chóng khỏi.

Kim Linh (Vĩnh Phúc): Năm nay cháu 16 tuổi. Đợt nắng nóng này, cháu hay bị chảy máu cam và có rất nhiều biểu hiện không khỏe như hay bị chóng mặt, mất thăng bằng, đôi lúc khó thở và hắt xì. Vậy cháu xin hỏi bác sĩ là cháu bị mắc bệnh gì và có nguy hiểm không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều!

ThS.BS Nội trú Nguyễn Quốc Thái: Biểu hiện của cháu miêu tả có thể liên quan đến hệ hô hấp trên. Chảy máu cam có thể do nhiều nguyên nhân, trong trường hợp của cháu có kèm biểu hiện liên quan đến hô hấp trên thì cháu nên khám chuyên khoa tai mũi họng. Nếu bệnh vẫn không giảm, vẫn còn biểu hiện đó thì cháu cần phải đi khám chuyên sâu hơn, có thể là làm xét nghiệm máu.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Ở tầm tuổi này có thể do một vấn đề là tâm lý. Cháu không nên quá lo lắng, cháu có thể tìm gặp bác sĩ tâm lý để có được lời khuyên hữu ích.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Chảy máu cam có thể do thành mạch mũi có vấn đề, có thể mũi chưa vệ sinh hoặc thói quen ngoáy mũi cũng khiến mũi chảy máu. Về chế độ ăn bạn nên ăn nhiều vitamin C, canxi. Mùa hè có nhiều hoa quả bạn có thể lựa chọn nhiều loại như cam, xoài... Nằm điều hòa cũng có thể khiến mũi bị khô dễ bị mũi bị chảy máu vì vậy nên sử dụng điều hòa đúng cách.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường (P.2)

Bùi Minh Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội): Bé nhà tôi 10 tháng tuổi.Thời tiết nắng nóng nên tôi thường xuyên bật điều hòa. Mỗi khi tôi tắt điều hòa hoặc bế bé ra ngoài trời (dù buổi tối mát mẻ hơn) là bé khóc thét lên. Tôi lo sợ nằm điều hòa nhiều bé sẽ bị viêm đường hô hấp. Vậy tôi phải tập cho bé cân bằng nhiệt độ trong nhà và ngoài trời như thế nào để phòng tránh bệnh hô hấp cho bé?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Chuyện nằm điều hòa cả ngày kéo dài có thể gây nên các bệnh đường hô hấp. Ngồi điều hòa cũng khiến niêm mạc mũi khô. Nhiều người cũng lạm dụng điều hòa. Vì thế chỉ nên bật điều hòa khi thời điểm nắng nóng cao, còn thời điểm mát hơn thì nên mở cửa thoáng. Còn trẻ nhỏ khóc có thể do nhiều vấn đề chứ không hẳn do điều hòa. Làm thế nào để phù hợp thì chỉ nên để nhiệt độ từ 27-29, đừng để chênh lệch nhiều quá so với môi trường. Đồng thời không dùng điều hòa quá nhiều.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường

PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương

Bùi Thị Hiếu (Hà Giang): Em sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, xuống Hà Nội để đi học và đi làm. Hồi ở Hà Giang, em chỉ ra mồ hôi khi vận động mạnh. Nhưng khi xuống Hà Nội học em ra mồ hôi rất nhiều, nhất là ở đầu, trán, cằm và lưng. Nhiều lúc vừa gội đầu xong mồ hôi ra làm đầu bẩn lại. Em đã cố uống nước nhiều, cũng không để tâm lí căng thẳng nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Có nào cách đẩy lùi bệnh ra mồ hôi liên tục không ạ?

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Vấn đề của bạn là tiết mồ hôi, mồ hôi tiết ra do nhiều yếu tố như thân nhiệt cơ thể, tâm lý và hệ thần kinh thực vật. Nếu có mồ hôi ở bàn tay thì có thể diệt hạch kiểm soát mồ hôi. Trong trường hợp của bạn, mồ hôi tiết ra toàn thân thì nên xem xét lại tâm lý căng thẳng - một trong những yếu tố khiến mồ hôi tiết ra khi trời mát hoặc vừa tắm xong. Vì thế tôi cho rằng trạng thái tâm lý căng thẳng tác động rất nhiều. Vì thế bạn nên kiểm soát tâm trạng của mình, thử xem các vấn đề học tập, tình cảm, thi cử, các vấn đề xã hội xung quanh. Chỉ khi tâm lý được ổn định thì mới giải quyết được.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Trước bạn ở Hà Giang thoáng mát, mát mẻ nhưng chuyển đến Hà Nội chật chội, nóng bức, nên việc ra mồ hôi cũng là điều bình thường.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Bạn lớn rồi nên có thể nên kiểm tra xem mình có thiếu canxi không, canxi có liên quan chặt chẽ đến hệ thần kinh giao cảm. Dù chỉ chiếm 1% lưu hành trong máu thôi nhưng tham gia rất nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó có chức năng điều hành hệ thần kinh giao cảm, đây là hệ thần kinh điều hòa hoạt động của tuyến mồ hôi, làm tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn. Vì vậy bạn nên đi kiểm tra xem có thiếu canxi không.

Cao Mỹ Duyên (Khánh Hòa): Chào ThS.BS. Lê Thị Hải. Con gái tôi được 1 tuổi rồi nhưng chỉ nặng 9 kg. Thời tiết nắng nóng quá mức khiến bé ho rất nhiều và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản. Tôi tìm hiểu thì được biết là không nên cho bé ăn nhiều tôm, cua, cá khi bị ho. Nhưng bé lại gầy quá, nếu không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tôi sợ bé không lớn được. Vậy bé nhà tôi nên cung cấp chất dinh dưỡng như thế nào để khỏi bệnh và phát triển khỏe mạnh ạ?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Con bạn 1 tuổi 9 kg thì không hẳn bé, xu hướng trẻ nhỏ Việt Nam hiện nay đang thừa cân béo phì nên bạn nhìn các trẻ khác có thể lo lắng cho con mình. Con bạn đang phát triển đúng theo chuẩn nên bạn không cần phải lo lắng. Hiện nay vấn đề trẻ béo phì còn đáng lo ngại hơn trẻ thiếu cân. Hơn nữa, bệnh của bé không phải do ăn uống. Nhiều thói quen ăn uống kiêng khem rất tai hại. Bạn hoàn toàn có thể cho bé ăn tôm, cua, cá, thậm chí cả thịt gà có nhiều kẽm rất tốt cho bé. Nhiều quan niệm kiêng khem ăn uống từ xa xưa là rất sai lầm. Vì thế, bạn nên cho cháu ăn bình thường, thậm chí ăn nhiều hơn, vì bé đang ốm nên lại càng cần nhiều dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, cho bé ăn nhiều rau xanh hoa quả để có thêm vi chất.

Độc giả tại chỉ email dieulinhnt@gmail.com: Bác sĩ cho tôi hỏi những bệnh dịch phổ biến vào mùa hè thường lây nhiễm qua những đường nào? Phải phòng bệnh như thế nào để giảm thiểu bệnh xâm nhập vào cơ thể?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Có các đường lây nhiễm chính như đường hô hấp (dễ lây lan nhanh và thành dịch), đường tiêu hóa (do thức ăn không bảo quản tốt), đường giác niêm mạc trầy xước, muỗi đốt)... Trong mùa hè bệnh do đường tiêu hóa là nghiêm trọng và thường gặp và bệnh do muỗi đốt.

Kiều Thị Lợi (Thạch Thất, Hà Nội): Xin bác sĩ cho em hỏi, con nhà em đang sốt vi-rút, hôm nay là hôm thứ 5 rồi. Nếu trong 1 đến 2 ngày tới mà bé vẫn sốt thì có đáng lo không ạ? Xin được hỏi.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Ngành y tế chỉ giúp hạn chế bệnh tật và hạn chế bệnh nặng, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh tật. Vì thế cần phải làm đúng theo các khuyến cáo sức khỏe của ngành y tế. Bệnh càng kéo dài thì càng nặng, nếu bé ốm quá 5 ngày thì cần phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị chứ không nên tự chữa ở nhà theo kinh nghiệm. Việc rửa tay rất quan trọng, đặc biệt là người dân phía Nam. Mọi người cần phải có thói quen rửa tay thường xuyên và rèn cho các bé có thói quen này. Nên rửa tay bằng xà phòng, xà bông có khả năng diệt khuẩn.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường

ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

thuylinh0491@yahoo.com: Chào ThS.BS. Lê Thị Hải, cháu năm nay 24 tuổi. Thời tiết nắng nóng cháu thường xuyên bị nhiệt miệng. Nhiều khi đau đến nỗi cháu không thể nhai được. Cháu uống bột sắn dây, và hạn chế ăn các đồ cay nóng nhưng cứ khỏi lại bị. Cháu nên có chế độ ăn uống như thế nào để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng tái phát thường xuyên ạ? Cháu xin cảm ơn.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Bệnh nhiệt miệng có rất nhiều nguyên nhân, có thể thời tiết, cơ địa,... Ngoài việc ăn nhiều thứ mát như sắn dây thì bạn nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Vì một trong những nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng là do thiếu chủ yếu vitamin nhóm B như B, PP, B2. Rau xanh hoa quả cần ăn đa dạng. Rau xanh có thể là rau dền, mồng tơi, mướp, hoa quả cần ăn đa dạng các loại hoa quả giàu vitamin C, có thể ép lấy nước uống như nước dưa chuột, củ đậu, cà chua, cà rốt... vừa cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất để phòng chống nhiệt miệng. Bên cạnh đó, bạn nên uống nhiều nước.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường (P.3)

Phạm Thị Lê Na (Cổ Nhuế, Hà Nội): Tôi được biết, môi trường bệnh viện rất nhạy cảm với trẻ, đặc biệt là vào mùa hè, trẻ càng dễ lây nhiễm bệnh tật. Vậy tôi phải làm thế nào để giảm thiểu lây lan bệnh tật cho trẻ mỗi khi đi khám thưa bác sĩ?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Môi trường bệnh viện, mỗi cháu đến khám mang một mầm bệnh đến thì dễ khiến lây lan chéo. Vì vậy nên khám ở cơ sở gần nhất như xã, phường, để xem bệnh có thể điều trị tại nhà không. Như vậy tránh tập trung chỗ đông người. Nếu phải đến bệnh viện tuyến trên thì nên đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh. Các bệnh viện tuyến phường, xã có thể chữa được bệnh nên mọi người không cần phải đi đâu xa, đến bệnh viện lớn vừa tốn kém tiền bạc, vừa tốn thời gian... Vì vậy cứ nên khám ở cơ sở y tế gần nhất để tránh lây nhiễm chéo bệnh.

Phạm Thị Ngân (21 tuổi, Hải Dương): Chào bác sĩ. Cháu năm nay 21 tuổi. Cháu bị ho có đờm đã 1 tháng rưỡi nay. 1 tuần nay thì khản giọng nhẹ, có đờm, sổ mũi, nóng trong người. Cháu đã uống thuốc nhưng không đỡ. Liệu có phải do thời tiết nắng nóng quá mức khiến cháu bị như vậy? Cháu phải làm gì để hết ho.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Trong mùa hè, nắng nóng gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe nhưng không gây ra ho có đờm kéo dài như vậy được. Nếu quá 2 tuần lễ thì cần phải đi khám để đi xem vấn đề gì, đây là bệnh ở đường hô hấp, nguyên nhân có rất nhiều nên chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể, tốt nhất bạn vẫn cần phải đến cơ sở y tế. Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào đường hô hấp, cả yếu tố nước giải khát cũng khiến cơ thể gặp nhiều vấn đề. Trong mùa nắng nóng như thế này, nguyên nhân cũng có thể do nhiễm trùng tiêu hóa. Vì thế bạn nên có tư vấn trực tiếp của bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh dứt điểm, chứ để kéo dài như vậy hoàn toàn không nên.

Nguyễn Văn Dững (Nam, 50 tuổi, Hà Nội): Tôi có con 2 tuổi. Tôi đang cần tiêm vắc- xin 5,6 trong 1. Nhưng hiện vẫn chưa có nơi nào có thuốc để tiêm cho cháu. Xin hỏi PGS, đến khi nào sẽ có thuốc để tiêm cho cháu? Xin cảm ơn ông.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hàng năm để có các đợt tiêm thì chúng ta phải chuẩn bị trước một vài năm. Nhiều khi do tâm lý quá đà dẫn đến cung ứng không kịp. Ví dụ trước đây không nhiều người tiêm phòng sởi nhưng dịch sởi bùng phát thì lại đổ xô đi tiêm dẫn đến không đáp ứng kịp nhu cầu. Việc đáp ứng vắc-xin cũng gặp nhiều khó khăn như phải đặt trước. Mỗi năm nước ta có khoảng 1,5 triệu trẻ ra đời, cùng rất nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nên không thể đặt hàng kịp.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Vấn đề tiêm vắc-xin ở nhà các phụ huynh cần phải lưu ý. Không phải ai cũng có khả năng tiêm vắc-xin và ứng biến sau vắc-xin. Tiêm vắc-xin tại nhà nếu có các vấn đề tai biến xảy ra thì việc xử lý rất phức tạp. Ví dụ sốc phản vệ nếu xử lý tại nhà sẽ không đảm bảo và rất nguy hiểm. Nếu ở điểm tiêm chủng thì đã được chuẩn bị các trang thiết bị ứng phó kịp thời. Vì thế phụ huynh cần phải sáng suốt khi cho trẻ tiêm phòng.

Khán giả có nickname Bonbon: Chào bác sĩ, bé nhà tôi năm nay 3 tuổi. Tôi mới cho bé đi nhà trẻ tư được 1 tháng nay. Mấy ngày nay khi tắm gội cho bé, tôi thấy nổi lấm tấm mụn nước nhỏ ở xung quanh cổ và da đầu. Liệu triệu chứng của bé nghiêm trọng không? Xin bác sĩ cho biết cách phòng tránh.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Thông tin bạn đưa ra chưa đầy đủ nhưng vấn đề thường gặp ở cháu nhỏ, như mô tả nhiều khả năng là rôm sảy. Nếu bé bị rôm sảy, không gặp vấn đề gì khác, vẫn ăn chơi bình thường thì không cần phải đáng lo ngại. Cơ thể đào thải chất bã qua lỗ chân lông sẽ tạo rôm sảy. Vì vậy nên tắm rửa cho trẻ, cần dùng xà phòng để đánh tan chất nhầy, làm sạch lỗ chân lông.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Với trẻ nhỏ thì hầu hết không thích ăn rau. Nếu không ăn rau thì dễ gây táo bón mà táo bón cũng gây nên vấn đề mụn nhọt trên da. Với cháu bé thì việc ăn rau cũng rất khó. Vì vậy các bố mẹ nên tập cho trẻ ăn rau ngay từ bé. Nếu bé lớn hơn thì nên hỏi ý kiến xem trẻ thích ăn rau gì, cho trẻ ăn theo ý thích trẻ sẽ ăn nhiều hơn. Chế biến rau củ dưới nhiều dạng, có thể xay sinh tố từ quả bơ, quả chuối, sữa chua... Nếu trẻ bị rôm sảy thì nên ăn nhiều thứ mát để cơ thể có thể thải được các chất độc. Cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ ăn bột có thể nếu với cua, tôm, rau dền,... Tốt nhất là ăn hoa quả tươi, nước ép... Các bà mẹ nên kiên trì để tập thói quen này cho trẻ. Chính bố mẹ cũng phải thường xuyên ăn rau củ quả để làm gương cho các bé.

Lê Mỹ Hoa (Đà Nẵng): Thưa bác sĩ tôi thấy càng ngày bệnh tật càng diễn biến khó lường và trở nên khó chữa, đặc biệt vào mùa hè, vi khuẩn, vi-rút càng biến đổi phức tạp. Như vậy, người lớn có thể làm gì để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh?

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Nguy cơ bệnh tật tăng cao trong thời tiết nóng nực vì vậy cần tăng cường các biện pháp vệ sinh như rửa tay. Các cháu nhỏ trong kỳ nghỉ hè thì hay nghịch ngợm, có nhiều trò chơi và tiếp xúc với nhiều mầm bệnh khác nhau. Ngoài ra, thói quen ngủ nghỉ cũng giúp trẻ có sức đề kháng tốt. Các cháu phải đi ngủ sớm, dậy sớm để hoạt động thể thao giúp các cháu có sức đề kháng tốt.

Tư vấn trực tiếp: Bệnh mùa hè - chớ coi thường (P.4)

Phạm Thu Thảo (Hải Dương): Qua tìm hiều, tôi được biết Viêm não Nhật Bản thường cao điểm vào mùa hè và đầu thu. Bé nhà tôi được 8 tháng tuổi. Sức đề kháng của bé không tốt lắm, liệu tiêm phòng vào thời tiết nắng nóng này có được không? Tiêm rồi có mắc nữa không?

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Khi đi tiêm chủng thì đến các cơ sở y tế quy định, tiêm đúng hướng dẫn, ví dụ viêm não nhật bản nên tiêm lúc 12 tháng tuổi, với 3 mũi. Sau 3 mũi đó mới bảo vệ cơ thể được, sau đó cũng cần phải tiêm nhắc lại 3-5 năm. Nếu tiêm cho bé lúc nhỏ quá thì vắc-xin không phát huy được tác dụng.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Chế độ ăn uống rất quan trọng với trẻ nhỏ. Em bé khi sinh ra có hệ miễn dịch thụ động khi còn là thai nhi và hệ miễn dịch từ sữa mẹ. Vì vậy trẻ dưới 6 tháng còn bú mẹ thì ít bị bệnh tật. Nhừng từ 6 tháng đến 3 tuổi, bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nên tiếp nhận nhiều bệnh tật. các vi chất giúp trẻ tăng cường thể chất và sức đề kháng. Nếu trẻ thiếu chất thì sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh, mắc bệnh thì lại kém ăn. Vì vậy đừng bỏ qua yếu tố dinh dưỡng với trẻ.

Trần Sơn: Chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho tôi hỏi sốt vi-rút và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào? Tôi thấy thời tiết nắng nóng nhiều trẻ em bị sốt và nhập viện nhiều nên rất lo lắng. Nếu chỉ uống hạ sốt có khỏi được không? Xin cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Các mầm bệnh lây bệnh trong cộng đồng các nhà khoa học chia ra do vi-rút, vi khuẩn,... Vi-rút thường gây bệnh nhiều nhất. Sốt xuất huyết có nhiều biến chứng và dễ gây nguy hiểm. Uống thuốc hạ nhiệt cũng có thể được nhưng chưa an toàn. Vì thế cần phải đến cơ sở y tế để điều trị. Biểu hiện sốt xuất huyết: ở phía Nam, điều kiện nóng ẩm, sông suối nhiều, người ta có thói quen tích trữ nước vào mùa khô, vì thế phải chú ý quanh năm. Bệnh khởi đầu bằng sốt cao trên 40 độ và kéo dài, kèm theo các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, xuất huyết chấm trên da, nặng thì nôn ra máu. Xuất huyết nặng rất nguy hiểm, nếu không phòng tránh từ trước rất nguy hiểm tới tính mạng.

Khán giả từ địa chỉ email: thaivantuan2012@gmail.com: Chào bác sỹ, cháu 23 tuổi đang làm việc tại nước ngoài. Khi cháu hít vào như có gì ngăn lại ở cổ họng, không vào trong phổi được, cháu bị 9 năm rồi, đặc biệt đến hè lại khó thở, kèm theo viêm họng hạt. Đi khám phổi, tim, máu, phế quản bình thường. Cháu không ho, không đau, nhưng cổ có đờm, người mệt mỏi do thiếu ôxy, nước tiểu vàng. Mong bác sỹ chỉ giúp cháu cách chữa trị!

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Tình trạng như bạn kể, bạn ở nước ngoài tôi cũng không biết nước nào, nếu ở các nước tiên tiến đã đi khám và kiểm tra không vấn đề thì cần phải xem lại các triệu chứng có phải do bản thân cảm nhận hay không, hay cần các xét nghiệm, thăm dò khác để định hướng bệnh rõ ràng. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp trường hợp như bạn, nhưng khi khám xét thì không thấy bệnh gì. Đó có thể là do cẳng thăng quá mức liên quan đến công việc, cuộc sống. Để giải quyết triệu chứng này thì phải giải quyết vấn đề tâm lý, giải tỏa stress. Nếu bạn đã khám chuyên khoa hô hấp và không có bệnh gì thì bạn thử đi tìm chuyên gia tâm lý để làm tình trạng tâm lý bớt căng thẳng.

Độc giả từ địa chỉ email lehang_dt@yahoo.com: Chào các chuyên gia. Tôi năm nay 31 tuổi, đang mang thai tuần thứ 14 và đang mắc bệnh thủy đậu. Xin hỏi bác sĩ bệnh thủy đậu có nguy hiểm cho thai nhi không? Tôi đang bôi thuốc xanh metylen, ngoài biện pháp bôi thuốc này, tôi có thể thay thế loại thuốc nào nữa không? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái: Ở Việt Nam, thủy đậu thường gặp mùa đông xuân nhưng giờ có thể gặp quanh năm do đường hô hấp, chứ không phải qua tiếp xúc qua da như nhiều người vẫn nghĩ. Phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu có thể bị sảy thai hoặc thai lưu. Nếu bị thủy đậu thì bà bầu phải uống thuốc kháng vi-rút. Nhiều người nghĩ rằng mang thai thì không nên uống thuốc, nhưng đây là việc làm cần thiết. Ngoài bôi thuốc ngoài da, vẫn cần uống thuốc kháng vi-rút đúng chu trình để không gây hại cho thai nhi. Bạn nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và phù hợp.

ThS.BS. Lê Thị Hải: Bạn nên ăn các thực phẩm vitamin và kháng chất để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho trẻ. Ăn nhiều rau xanh và vitamin C. Chế độ ăn đa dạng và cung cấp vi chất cần thiết. Nếu lúc mệt mỏi, ăn kém thì có thể ăn các món ăn nhẹ và giàu dinh dưỡng như cháo, súp, súp rau cà rốt, bí đỏ... uống thêm sữa dành cho bà bầu cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng. Khi bạn đang mắc bệnh thì cần phải chú ý chế độ dinh dưỡng hơn nữa để em bé khỏe mạnh.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Nếu phụ nữ nhiễm thủy đậu 2 tuần trước và sau sinh thì khả năng lây sang trẻ rất cao, 50-60%. Vì vậy, bà bầu cần phải điều trị triệt để.

Lê Hòa: Bé nhà tôi được 18 tháng tuổi. Cháu bị sốt 38 độ và có nổi mụn trong miệng, nhưng hoàn toàn không có ở tay, chân. Cháu gần như không chịu ăn và khóc thường xuyên. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu có biểu hiện của bệnh tay chân miệng không? Việc chữa trị phải như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Bệnh tay chân miệng cho vi-rút gây nên, thường xuyên gây bệnh ở Việt Nam, chúng tôi rất lo ngại do bệnh xảy ra quanh năm. Đặc điểm bệnh là sốt, chán ăn, quấy khóc, xuất ban ở tay, chân hoặc miệng, hoặc cả chân tay miệng. Ngoài ra còn có thể bệnh là do vi-rút khác. Vì thế, tốt nhất là khi chưa xác định được bệnh thì phải đưa trẻ đi khám để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bệnh tay chân miệng có thể ủ bệnh trong vài ngày. Biểu hiện thường là trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, từ ngày thứ 2 có thể xuất hiện các ban ở lòng bàn tay, bàn chân, quanh miệng, trong miệng. Nếu có biểu hiện ban thì các mẹ dễ phát hiện ra. Nhưng nếu không có dấu hiệu điển hình như trên thì khó phát hiện ra, phải được chuyên khám. Các cán bộ y tế từ tuyến xã đều có thể phát hiện ra bệnh. Bệnh có thể gây biến chứng như viêm não, viêm tim, viêm phổi. Biến chứng này xảy ra rất nhanh. tốt nhất khi bị bệnh phải được thăm khám kịp thời. Đáng lo ngại nhất là sự thiếu bình tĩnh của phụ huynh và các bác sĩ. Nếu hoang mang, lo sợ thì sự chăm sóc sẽ kém đi. Vì vậy, cần phải thường xuyên theo dõi các chương trình hữu ích để nắm bắt thông tin chính xác và kịp thời.

Trần Linh Chi, Từ Sơn, Bắc Ninh: Thưa bác sĩ, con tôi 18 tháng tuổi. Do thời tiết oi bức nên bé nổi rất nhiều rôm sảy. Tôi được biết là sữa đậu nành giải nhiệt rất tốt. Vậy bé có thể bổ sung sữa đậu nành vào chế độ ăn uống hằng ngày được không ạ? Thường xuyên uống sữa đậu nành có nguy cơ vô sinh không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Chế độ ăn do rôm sảy thì chúng tôi cũng đã nói ở phía trên. Vấn đề sử dụng sữa đậu nành. Nếu dùng sữa đậu nành ở mức độ phù hợp thì không ảnh hưởng gì cả. Nhiều công trình khoa học chứng minh sữa đậu nành không nghiêm trọng như lời đồn đại, ví dụ 1 ngày ăn 1-2 bìa đậu, uống dưới 500ml sữa thì không sao cả. Vì vậy, bạn có thể yên tâm cho trẻ uống sữa đậu nành, loại sữa này cũng rất tốt cho sức khỏe.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!