Trời nồm, ẩm là hiện tượng thời tiết khá phổ biến tại miền Bắc, thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Theo các chuyên gia khí tượng, độ ẩm không khí cao kèm theo mưa phùn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Nồm, ẩm được đánh giá là kiểu thời tiết gây khó chịu nhất cho người dân miền Bắc. Bởi, không chỉ gây khó khăn trong việc sinh hoạt khi đường sá, sàn nhà luôn luôn ẩm ướt. Độ ẩm không khí cao còn là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật, nấm mốc phát triển, từ đó phát sinh các loại bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi... Cùng với đó, các bệnh về da, xương khớp, dị ứng cũng gia tăng.
Ngoài ra, khí hậu ẩm ướt còn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, lây truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não, sốt chikungunya… Đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch do vi-rút Zika, sự phát triển của muỗi Ades là điều rất đáng lo ngại.
Nhằm hạn chế những tác động xấu do thời tiết nồm, ẩm gây ra đối với sức khỏe, các gia đình nên lưu ý vệ sinh, giữ sạch sẽ, khô ráo sàn nhà và các vật dụng: khăn mặt, khăn tắm, quần áo, chăn ga gối đệm.
Sàn nhà
Nếu độ ẩm không khí quá cao, có thể dùng máy hút ẩm hoặc tăng nhiệt độ điều hòa
Để hạn chế hiện tượng ‘sàn nhà đổ mồ hôi’, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mở cửa nhằm hạn chế không khí ẩm bay vào. Ngoài ra, không nên dùng quạt để làm khô sàn nhà bởi gió từ quạt càng làm hơi nước dễ ngưng tụ. Thay vào đó, nên đóng kín cửa và dùng giẻ khô để lau nhà. Nếu độ ẩm không khí quá cao, có thể dùng máy hút ẩm hoặc tăng nhiệt độ điều hòa.
Khăn mặt, khăn tắm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Arizona, 89% khăn mặt, khăn tắm chứa vi khuẩn gây tiêu chảy coliform, trong khi đó vi khuẩn E.coli được tìm thấy trong 25,6% số lượng khăn được kiểm tra. Thời tiết ẩm ướt, khăn mặt, khăn tắm không được phơi khô, luôn duy trì độ ẩm cao trong thời gian dài sẽ trở thành ổ vi khuẩn lây bệnh.
Khăn mặt dễ ẩm mốc khi trời nồm ẩm
Do đó, cần đặc biệt lưu ý vệ sinh khăn mặt, khăn tắm trong thời gian này. Nên thay mới đối với những khăn đã sử dụng 3-4 tháng. Ngoài ra, nên thường xuyên giặt, sấy khăn ở nhiệt độ cao. Có thể luộc khăn khoảng 10 phút để tiêu diệt hết vi khuẩn.
Quần áo
Không nên giặt quá nhiều quần áo trong những ngày trời nồm
Nên hạn chế giặt quần áo trong những ngày trời nồm, độ ẩm không khí cao. Khi giặt, nên vắt quần áo thật kĩ trước khi phơi để quần áo nhanh khô. Không dùng quạt để hong quần áo vì điều này khiến hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Có thể sử dụng máy sấy tóc để sấy những quần áo nhỏ (tránh để máy sấy tóc quá gần khi sấy). Tốt nhất, nên mua máy sấy quần áo chuyên dụng hoặc mang quần áo ra hiệu sấy khô.
Bên cạnh đó, để tránh quần áo bị mốc, có thể sử dụng bã cà phê phơi khô, lá trà, lót báo trong tủ quần áo để hút ẩm và khử mùi.
Chăn ga gối đệm
Ruột chăn và đệm nên vệ sinh ít nhất 2-3 lần một năm
Chăn ga gối đệm là những vật dụng rất dễ hút ẩm và bị mốc trong những ngày thời tiết nồm, ẩm ướt. Để hạn chế tình trạng này, nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chăn ga gối đệm trong quá trình sử dụng.
Ruột chăn và đệm nên vệ sinh ít nhất 2-3 lần một năm. Sau khi vệ sinh, phơi ruột chăn và đệm ngoài trời nắng to để ánh nắng mặt trời tiêu diệt các vi khuẩn, mầm bệnh. Ga, vỏ gối nên thay định kì hàng tuần. Trong những ngày trời nồm, thường xuyên dùng máy sấy sấy khô chăn ga gối đệm. Đặc biệt lưu ý, khi trời nồm, độ ẩm của tường cũng tăng lên, do đó không để chăn ga gối đệm sát tường khiến chăn, ga dễ bị ẩm mốc.
Ảnh minh họa: Internet
Hà Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!