Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tự tử chỉ là cách giải quyết MÃI MÃI cho một vấn đề TẠM THỜI, vậy việc ấy có đáng để thử?

Mỗi giây trôi qua, hàng triệu người trên hành tinh này phải chống lại bệnh tật, chiến tranh, nghèo đói… để giành giật ngọn đèn sự sống từ bàn tay tử thần. Trong khi đó, có những thứ đáng sợ hơn cả bệnh dịch hay chiến tranh, khiến họ mất đi bản năng sinh tồn vốn có để phó thác mọi thứ cho bánh xe cuộc đời. 

Vụ việc người phụ nữ ôm con nhảy xuống sông tự tử gần đây khiến chúng ta bàng hoàng về ranh giới của sự sống và cái chết. Theo số liệu gần đây nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người chết vì tự tử nhiều hơn nạn nhân chết do chiến tranh và thiên tai cộng lại. Tính trung bình, cứ 40 giây trôi qua là có một nạn nhân tự kết liễu cuộc sống, trong đó có đến 75% số người đến từ các nước thu nhập thấp và trung bình. Câu hỏi đặt ra là làm như thế nào để nhận biết và giúp đỡ những người có ý định hoặc nguy cơ cao muốn tự tử?

Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Người chết vì tự tử vượt qua nạn nhân tử vòng vì chiến tranh và dịch bệnh

Tại sao người ta muốn tự tử?

Một số liệu không chính thức cho thấy, hơn 90% số người tự tử là do hậu quả của trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác. Phần lớn các ca tự tử được ghi nhận trên thế giới có liên quan chặt chẽ đến việc làm dụng chất gây nghiện hoặc thức uống có cồn. Các nhà khoa học đã phân tích nguy cơ tự tử và chia thành các nhóm như sau:

Đã từng có tiền sử tự tử trước đó.

Có tiền sử gia đình bị bệnh tâm thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

Vấn đề bạo lực gia đình.

Bị làm dụng thể chất/tình dục.

Bị bệnh lí mãn tính.

Đã từng tiếp xúc với những người khác cũng có ý định tự tử.

Dấu hiệu một người có nguy cơ tự tử?

Có thể động cơ cá nhân muốn tìm đến cái chết rất khác nhau nhưng tất cả đều có những dấu hiệu chung. Các dấu hiệu này cho thấy, đối tượng có nguy cơ cao đang gặp rắc rối trong các mối quan hệ gia đình, xã hội thậm chí là gặp rắc rối khi đối mặt với chính bản thân mình. Nếu có thể nhận thức và thấu hiểu các dấu hiệu này, bạn có thể giúp đỡ họ vượt qua cơn khủng hoảng tâm thần. Dấu hiệu cảnh báo có thể thấy ở 3 phương diện: Thể chất, tinh thần và hành vi.

Dấu hiệu thể chất

Không còn chú ý đến ngoại hình.

Thay đổi hoàn toàn trong gu ăn mặc, đặc biệt là khi phong cách mới khác xa với tính cách thông thường.

Mắc bệnh mãn tính không rõ nguyên nhân, hay bị đau nhức.

Tăng hoặc giảm cân đột ngột.

Đột ngột thay đổi hành vi ăn uống (đột nhiên ăn nhiều/ít).

Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Những người đột ngột thay đổi tâm lí dễ có nguy cơ có ý nghĩ quyên sinh

Dấu hiệu tinh thần

Cảm giác tuyệt vọng, bất lực, thấy bản thân vô ích.

Tâm trạng thất thường, hay cáu giận.

Lo âu, căng thẳng cực đoan và hay kích động.

Hay thơ thẩn, mệt mỏi.

Thay đổi tính cách: Từ hiền lành sang khó chịu, lịch sự thành thô lỗ, từ cam chịu sang nổi loạn…

Kém tập trung, hay mơ mộng.

Trầm cảm, buồn bã.

Mất lí trí.

Luôn cảm thấy tội lội và là kẻ thất bại.

Ý nghĩ tự hủy hoại cơ thể.

Cảm giác vô vọng hoặc coi mình là gánh nặng.

Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Người mang suy nghĩ tự tử coi bản thân là gánh nặng 

Các dấu hiệu hành vi

Giảm các hoạt động thường nhật, tự cô lập bản thân.

Không còn hứng thú với những thú vui trước đây.

Sử dụng rượu và chất kích thích vô tội vạ.

Tự xa lánh bản thân khỏi gia đình và bạn bè, ép bản thân không tiếp xúc với bất cứ ai.

Thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ.

Bắt đầu cho đi các tài sản giá trị.

Có những bận tâm về những việc sau khi chết.

Viết di chúc, làm thơ hoặc hay nói những câu chuyện về cái chết.

Cố gắng tìm hiểu các phương thức tự tử.

Đã từng nỗ lực tự tử không thành trước đó.

Làm gì để giúp?

Lắng nghe: Đây là kĩ năng cơ bản để thấu hiểu tâm tư cũng như những tâm sự thầm kín trong lòng họ, hoặc có thể liên quan đến nguyên nhân khiến họ có ý định quyên sinh. Hãy chú tâm vào câu chuyện, thậm chí bạn có thể đặt tâm trạng mình vào hoàn cảnh của người đó để hiểu rằng quyết định tự tử không phán xét phiến diện. Ý nghĩ muốn tự tử chỉ là lời kêu cứu của một con người đã đi đến tận cùng của tuyệt vọng không biết chia sẻ cùng ai. Một khi hiểu bản chất của sự việc, bạn sẽ dễ dàng tìm ra phương thuốc tháo gỡ ý định ấy từ họ.

Sau thời gian lắng nghe, hãy theo sát họ bởi các nghiên cứu cho thấy, 75% số người đã tự tử từng ám chỉ hành động của bản thân trước đó khoảng một tuần.

Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Những người thân yêu sẽ là điểm tựa níu kéo họ chọn sự sống

Hỏi thẳng thẳng xem có thật họ muốn tự tử hay không? Rất nhiều người lẩn tránh câu hỏi trực tiếp này vì e ngại. Trên thực tế, trao đổi thẳng thẳn là cơ hội để đối tượng có ý định tự tử được giải tỏa tâm trạng cũng như tăng khả năng kết nối với người khác. Nhưng hãy khéo léo khi nói chuyện, thay vì hỏi ‘Bạn muốn tự tử thật à?’ thì hỏi thử ‘Có thật là bạn đang muốn làm hại chính bản thân mình không?’. 

Một cuộc thảo luận mở là biện pháp hoàn hảo để giúp những người này hiểu hậu quả khi một người tự kết thúc cuộc sống. Nhiều nha tâm lí cho rằng, ý định muốn chết ở một số người chỉ là lời kêu cứu cho sự quan tâm từ người xung quanh. Vì vậy, khi nhận được quan tâm và yêu thương đầy đủ thì có lẽ họ ít nhiều không còn giữ ý định ấy nữa.

Cân nhắc được-mất: Để họ liệt kê lí do vì sao họ tự tử và bạn sẽ đưa lí do cho việc nên tiếp tục ‘chiến đấu’. Sau đó, cùng thảo luận cân nhắc về cả 2 mặt. Hãy nói thể những thứ có thể níu kéo họ như con cái, gia đình hay người yêu. Ví dụ, nếu họ đã có con hãy đánh vào tâm lí của người làm cha/mẹ: ‘Con bạn sẽ ra sao nếu chúng biết bạn tự tử vì bọn chúng? Chắc hẳn chúng sẽ ân hận cả đời!’… Việc này sẽ mất thời gian vì họ thường rất ngoan cố nhưng điểm mấu chốt là bạn phải kiên nhẫn và biết đánh vào điểm yếu khơi dậy bản năng sinh tồn trong mỗi người.

Có kế hoạch bảo vệ: Điều quan trọng hơn cả là khiến họ tránh xa những vật dụng có thể dùng để tự tử như thuốc, dao, súng… Hãy tạo ra thời gian biểu ‘kín mít’ cho 24, 48 và 72 giờ tiếp theo. Ví dụ, trong 24 giờ tiếp họ nên trò chuyện nhiều hơn với gia đình và bạn bè; 48 giờ tiếp theo dành cho bác sĩ tâm lí… 

Hơn nữa, không bao giờ để những người này ở một mình. Hãy tìm thêm một người nữa để hỗ trợ khi cần thiết.

Luôn là người tâm giao: Khi một người tâm sự với bạn về ý định tự tử thì chắc chắn bạn là một người đáng tin hoặc rất thân thiết. Chính vì vậy, hãy không ngừng động viên sát cánh bên họ để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lí trước mắt. 

Đối với những người có ý định tự tử

Giữ an toàn cho bản thân: 

Tự tử: Từ suy nghĩ đến hành vi

Không thể phán xét tự tử là ích kỉ hay không nhưng khi quyết định làm hại chính mình hãy xem liệu điều ấy có đáng

Đầu tiên hãy cho chính mình ít nhất 48 giờ để suy nghĩ về tất cả những dự định này. Trong thời gian ấy, nên để tâm trí nghỉ ngơi thư giãn. Đồng thời, hãy sống bằng lí trí bởi bạn đã đủ trưởng thành để không bao giờ hành động theo cảm tính nhất thời như vậy. Hãy nhớ, cuộc sống này còn có quá nhiều lựa chọn và đôi khi nó có thể thay đổi trong một vài tích tắc. Thế nên đừng bao giờ có ý định bỏ cuộc. Hơn nữa, tự tử chỉ là cách giải quyết MÃI MÃI cho một vấn đề TẠM THỜI, vậy việc ấy có đáng để thử?

Nếu cần thiết, hãy gọi điện cho một người thân để kể về tình trạng bất ổn hiện tại. Có thể họ không giúp được nhiều nhưng theo một cách nào đấy tình cảm gia đình, tình bạn bè đồng chí luôn là liều thuốc tâm hồn bổ ích giúp người ta vững vàng hơn. Đó còn là chỗ dựa vững chắc để họ tiếp tục sống.

Dù đau khổ đã chạm mức cao nhất thì hãy tránh xa các chất kích thích. Chúng làm đảo lộn tâm trạng, gây nhận thức sai lệch về thực tế. Sử dụng ‘cái đầu lạnh’ để quyết định mọi việc nhé!

Tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi của vấn đề:

Ý nghĩ tự tử bắt nguồn từ nhiều khía cạnh cuộc sống, một số phải trải qua rối loạn về thần kinh, số khác do bế tắc trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là hiểu rõ vì sao mình lại có ý nghĩ như vậy để từ đó thay đổi cách nhận thức về tình hình thực tế giúp bản thân lạc quan hơn.

Một điều nữa cần nhớ là không nên tự dằn vặt bản thân vì có ý nghĩ tự tử. Điều ấy không có nghĩa là bạn ích kỉ hay yếu đuối, chỉ là trong một phút giây quá tải ý nghĩ ấy ùa về gây rối loạn cảm xúc nhất thời. Bằng cách để tâm trí thư giãn, thoải mái bạn chắc chắn sẽ tìm được giải pháp cho nút thắt hiện tại.

Ngọc Luyện 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!