Tư vấn trực tiếp: Ảnh hưởng tâm lý của việc nạo phá thai

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Việc nạo phá thai không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản mà còn để lại những sang chấn tâm lý khôn lường, có thể gây bệnh trầm cảm.

Mặc dù ngày nay các biện pháp ngừa thai đa dạng và tiên tiến hơn, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng này đã đẩy không ít phụ nữ vào những tình cảnh khó xử, dẫn đến đến quyết định phá bỏ thai.

Việc lựa chọn phá thai cách nào là an toàn là vấn đề không phải phụ nữ nào cũng hiểu rõ. Thủ thuật phá thai không phức tạp nhưng có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng đến tinh thần, vậy phải làm gì để tránh được những hệ quả ấy?

Những vấn đề này sẽ được đề cập trong chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề:'Phá thai an toàn và hậu quả của việc nạo phá thai'.

Khách mời tham gia chương trình:

PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế;

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.

Ảnh hưởng tâm lý của việc nạo phá thai

MC: Xin chào bác sĩ. Em từng là một đứa con ngoan trong gia đình, là một lớp trưởng gương mẫu được thầy bạn yêu mến. Đỗ đại học với số điểm khá cao, gia đình kỳ vọng ở em rất nhiều. Tuy nhiên, cánh cửa tương lai của em như đóng lại sau một lần em trót hiến dâng 'cái ngàn vàng' cho người yêu. Vì còn dại dột nên em đã không dùng biện pháp tránh thai nào cả và kết quả là em đã có thai. Cái thai được 4 tháng thì 2 đứa quyết định đi bỏ với số tiền vay mượn từ bạn bè mà gia đình không ai biết. Đến giờ đã được gần 1 năm. Em luôn cảm thấy cắn rứt, đêm nào cũng nằm mơ thấy ác mộng. Việc học sa sút và em gần như không tiếp xúc với một ai, đặc biệt em rất sợ đàn ông. Em phải làm gì để thoát khỏi tình trạng này và trở lại cuộc sống như bạn bè cùng trang lứa?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Vấn đề sang chấn tâm lý khi đi phá thai không phải là không gặp. Cần tư vấn, động viên, chia sẻ tâm lý cho người bệnh, tránh ám ảnh, lo sợ về sau. Quan trọng là động viên từ gia đình. Bố mẹ nên là người bạn, chỗ dựa vững chắc cho con khi con gặp chuyện 'khó nói'. Không có nghĩa 'vẽ đường cho hươu chạy' mà để con tự biết và phòng tránh. Ám ảnh này dẫn đến chán nản trong cuộc sống như sa sút trong học tập, tội lỗi để lại... Tâm lý sẽ được cải thiện nếu có sự chia sẻ từ mẹ, chị gái, bạn gái... Bản thân bạn trẻ này nên chia sẻ với mẹ, quay về với cuộc sống thực tại, gia đình có thể động viên, giúp mình vượt qua những khó khăn.

Tư vấn trực tiếp: Ảnh hưởng tâm lý của việc nạo phá thai

Chuyên gia tham gia chương trình tư vấn

MC: Những trường hợp mang thai do tâm lý sợ hãi nên thường dẫn đến phát hiện và phá thai muộn, thậm chí thực hiện bỏ thai lén lút ở các địa chỉ không đảm bảo nên gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sau, trong đó có những sang chấn nghiêm trọng về tâm lý. BS có lời khuyên gì với các bạn trẻ từng lầm lỡ và phải đi đến quyết định nạo phá thai?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Mỗi người đến phá thai luôn được các bác sĩ tư vấn tránh thai để tránh phá thai nhắc lại. Trong số 30 phụ nữ trong tuổi sinh sản, đã có gia đình, sinh đủ con nhưng không dùng biện pháp tránh thai hoặc tránh thai bằng biện pháp truyền thống, tự nhiên... Việc tuyên truyền cần đưa đến cơ quan, cán bộ ở tổ dân phố, tổ chức đoàn thể ở địa phương... Cần đa dạng môi trường, cách cung cấp thông tin để hạn chế phá thai hay mang thai ngoài ý muốn.

Nâng cao nhận thức trong việc phá thai an toàn

MC: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động, điều đáng buồn là tỷ lệ nạo phá thai lại rơi chủ yếu vào lứa tuổi vị thành niên. Hầu hết các bạn trẻ đều biết được nguy cơ có thai khi quan hệ tình dục nhưng phần lớn lại không sử dụng biện pháp tránh thai. Hơn nữa các bậc phụ huynh chưa thực sự giáo dục đầy đủ cho các em về vấn đề này. Vậy Bộ Y tế đã có những hoạt động nào để nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản trong trường học cũng như cho các bậc phụ huynh để giảm thiểu các ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ạ?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Để giảm thiểu tình trạng này, cần phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể. Ngoài chương trình SKSS riêng của ngành Y tế, phối hợp TƯ đoàn, có chương trình tư vấn SKSS tại các trường THCS. Với tâm lý e ngại khi đến cơ sở y tế, nơi đông người..., nhiều Trung tâm chăm sóc SKSS tổ chức tư vấn qua điện thoại, xây dựng góc thân thiện cho tuổi vị thành niên...

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, nhận thức về sức khỏe sinh sản ở các vùng nông thôn và thành thị hiện nay đều chưa thực sự hiệu quả nên cũng để lại nhiều hệ quả đáng tiếc. Vậy việc truyền thông, tuyên truyền về vấn đề mang thai an toàn và phá thai an toàn tại các tỉnh thành trong cả nước đang được tiến hành như thế nào để chị em phụ nữ nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, khám phụ khoa, cung cấp biện pháp tránh thai, KHHGĐ... Đa dạng hóa các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho các cặp vợ chồng.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh, ở trung tâm chị công tác, chắc hẳn chị có nhiều chia sẻ với các phụ nữ mang thai nhưng lại không muốn sinh. Chị có thể chia sẻ với độc giả của Sống khỏe không ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Muôn vàn lý do đi phá thai: bận đi học, mới đi làm, con còn nhỏ, điều kiện kinh tế chưa cho phép... đặc biệt là việc lựa chọn giới tính. Các bạn trẻ thường vấp phải lý do chưa thể kết hôn, chưa thể sinh con... Nên chăng Bộ Y tế đưa chương trình 'Tiền hôn nhân' tư vấn kiến thức cho các bạn trẻ và cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn, hướng dẫn cho cơ sở y tế của tất cả các tỉnh thành...  Thực ra vấn đề này Bộ Y tế đã có nhưng chưa thường quy. Các tổ chức cùng chung tay để giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

PGS.TS Lưu Thị Hồng: 'Tư vấn tiền hôn nhân' Bộ Y tế cũng đã có nhưng đưa vào thành chương trình thường quy thì chúng tôi đang xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nội dung sẽ là cung cấp dịch vụ tư vấn 'Tiền hôn nhân', xét nghiệm gì trước khi kết hôn... Để chương trình thực hiện được, phải có chi phí, phổ biến, dào tạo cho các cán bộ y tế trong hệ SKSS.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!