Tư vấn trực tiếp: Biện pháp phá thai an toàn

Sức khỏe sinh sản - 11/28/2024

Dù phá thai bằng thuốc hay can thiệp kỹ thuật hút thai, cũng cần đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để được tư vấn phá thai.

Mặc dù ngày nay các biện pháp ngừa thai đa dạng và tiên tiến hơn, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng này đã đẩy không ít phụ nữ vào những tình cảnh khó xử, dẫn đến đến quyết định phá bỏ thai.

Việc lựa chọn phá thai cách nào là an toàn là vấn đề không phải phụ nữ nào cũng hiểu rõ. Thủ thuật phá thai không phức tạp nhưng có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng đến tinh thần, vậy phải làm gì để tránh được những hệ quả ấy?

Những vấn đề này sẽ được đề cập trong chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề:'Phá thai an toàn và hậu quả của việc nạo phá thai'.

Khách mời tham gia chương trình:

PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế;

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.

Biện pháp phá thai an toàn

Hương Trần: Cháu chào bác sĩ. Cháu năm nay 22 tuổi, đợt đầu tháng 4 năm nay cháu mới đi hút thai do mang thai ngoài ý muốn. Lúc đi hút, thai nhi được 4 tuần 2 ngày, sau đó có đi siêu âm lại xác định xem hút có sạch sẽ hay không, kết quả hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên có 1 điều khiến cháu băn khoăn là sau khi hút thai được khoảng 1 tuần, cháu nghĩ sức khỏe đã ổn định nên có tham gia chơi cầu lông, sau đó thì phát hiện bị chảy máu. Cháu đang rất băn khoăn như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của cháu sau này không. Rất mong nhận được sự tư vấn của Bác sĩ. Cháu cảm ơn Bác sĩ.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Sau khi hút thai, các chị em thường được khuyên đi khám lại, tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Sau khi phá thai nên có thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, làm công việc nhẹ, bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ... từ 3-4 tuần, cho đến khi kỳ kinh nguyệt trở lại. Ra máu sau phá thai là hiện tượng không bình thường, bạn nên đi khám ở cơ sở y tế để chắc chắn rằng việc ra máu có phải do phá thai hay do vận động, hoặc do dùng thuốc sau phá thai không theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyễn Hải: Tôi trót quan hệ với bạn trai và hiện đang mang thai lần đầu, ở tuần thứ 8. Chúng tôi muốn bỏ cái thai đó đi vì cả 2 đều chưa ổn định và chưa thể cưới nhau được. Tôi tìm hiểu trên mạng thì được biết có thể phá thai bằng thuốc hay nạo phá thai. Tuy nhiên tôi lo lắng không biết nên chọn phương pháp nào. Xin hỏi bác sĩ, hút thai hay uống thuốc phá thai an toàn hơn? Tôi xin cám ơn.

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Hết 12 tuần tuổi, phương pháp hút thai bằng chân không được Bộ Y tế khuyến khích dùng, không gây đau đớn cho người phụ nữ. Thuốc gây cho thai ngừng phát triển, thuốc gây sẩy thai, nên có ý kiến tư vấn của cán Bộ Y tế. Không phải ai cũng phá thai bằng thuốc được, chỉ dùng biện pháp này cho người phụ nữ khỏe mạnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về phá thai.

Lời khuyên chuyên gia để phá thai an toàn

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, thay vì đi phá thai ở các bệnh viện lớn, người dân thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để thực hiện hút thai do tâm lý e ngại. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp rất nhiều biến chứng, do trình độ y bác sĩ hoặc do thiết bị không đảm bảo vệ sinh. Vậy Bộ Y tế có những hành động gì để kiểm soát các cơ sở nạo phá thai trong cả nước?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Bộ Y tế tổ chức đi tới cơ sở y tế ở địa phương, giám sát trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tuân thủ quy trình vô khuẩn trong phá thai.

MC: Trước khi kết thúc chương trình, 2 vị khách mời có lời khuyên gì cho các khán giả đang theo dõi chương trình, đặc biệt là các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không ạ?

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Tuyên truyền cho phụ nữ để giảm việc mang thai ngoài ý muốn cần sự phối hợp của nhiều tổ chức, không riêng gì ngành y tế. Dễ tiếp cận, tìm ra biện pháp tránh thai, hạ tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên bản thân người phụ nữ không ý thức được hậu quả của việc phá thai. Vì vậy, mỗi chị em phụ nữ nếu chưa muốn sinh con, hãy sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả nhất, có thể là thuốc tiêm tránh thai, uống thuốc tránh thai, màng phim tránh thai, đặt vòng...

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, là một người công tác trong ngành y tế, trực tiếp làm việc với các bệnh viện cũng như các địa phương, bà có lời khuyên gì để chị em phụ nữ nâng cao sức khỏe sinh sản cũng như phá thai an toàn không ạ?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Cá nhân mỗi gia đình, chị em phụ nữ hãy lựa chọn biện pháp hiệu quả nhất, tránh mang thai ngoài ý muốn, nâng cao hiểu biết, giữ sức khỏe. Đối với cơ sở y tế, hãy thực hiện đúng quy định để nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm tai biến, hạn chế phá thai không an toàn. Riêng góc độ quản lý, rất cần có sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!