Tư vấn trực tiếp: Giáo dục giới tính vị thành niên

Sống khỏe mạnh - 05/05/2024

Chương trình có sự tham gia của Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế.

Làm thế nào để trẻ vị thành niên hiểu đúng về sức khỏe sinh sản? Bố mẹ cần làm bạn với con như thế nào khi con bước vào tuổi dậy thì? Nhà trường và gia đình cần kết hợp như thế nào để việc giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên đạt hiệu quả tốt?

Cổng thông tin y tế, sức khỏe SongKhoe.vn phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thực hiện chương trình 'Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên – việc không của riêng ai'

Khách mời chương trình:

ThS Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em.

ThS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số.

Chuyên gia tư vấn về giáo dục giới tính vị thành niên (P1)

MC: Thuật ngữ giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), giáo dục giới tính (GDGT) vị thành niên/thanh niên không còn mới lạ với chúng ta nữa nhưng nhiều phụ huynh và học sinh còn chưa hiểu hết được khái niệm này. Vâng, trước tiên xin được hỏi các vị chuyên gia: Giáo dục SKSS/GDGT vị thành niên/thanh niên là gì?

ThS Hoàng Tú Anh: Nhiều người rất e ngại vì nghĩ như thế là hướng dẫn trẻ em quan hệ tình dục (QHTD). Tuy nhiên, GDGT lại có nghĩa rộng hơn, giúp các em có đời sống tình dục an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn. GDGT dạy trẻ hiểu rõ giới tính của mình, bảo vệ bản thân và biết cách xây dựng mối quan hệ với người mà trẻ yêu mến.

ThS Đinh Anh Tuấn: GDGT là phạm trù rộng, không đơn giản chỉ có tránh thai và tình dục. Song song với việc giáo dục văn hóa, chúng ta cần trang bị cho thanh thiếu niên kiến thức về sức SKSS các kỹ năng ứng phó để hạn chế, giảm thiểu việc QHTD không an toàn. Tuy nhiên, việc thiếu hụt kiến thức về giới tính và kỹ năng sống đã dẫn đến số trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng cao.

MC: Xin chuyên gia có thể cho biết một vài con số về số ca mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của tuổi vị thành niên hiện nay được không ạ?

ThS Đinh Anh Tuấn: Khi mang thai ngoài ý muốn có 2 xu hướng: sinh con và phá thai. Theo báo cáo của các địa phương thì có 7.000 lượt ca phá thai vị thành niên, con số này là chưa đầy đủ, có thể là nhiều hơn, tỷ số pha thai là 0,18. Tỷ lệ này có xu hướng giảm. Số liệu này mới chỉ ở hệ thống y tế công lập chứ không có tư nhân. Theo xu hướng tâm lý thì các em thích đến cơ sở tư nhân vì rẻ, linh hoạt giờ giấc. Vì vậy, bản chất có thể nhiều hơn. Theo Cuộc điều tra của Tổng cục thống kê, thì có 8,4% trẻ vị thành niên tuổi từ 15 - 19 đã từng sinh con hoặc đang mang thai. Hoặc số phụ nữ dưới 15 tuổi từng mang thai là 0,2%.

MC: Nhiều học sinh, sinh viên vẫn còn thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai, tin tưởng vào những cách phòng tránh thai 'không tưởng' như thụt rửa âm đạo ngay sau khi quan hệ tình dục có thể loại bỏ tinh trùng và tránh mang thai ngoài ý muốn; hay có trường hợp cho rằng hôn có thể dẫn đến mang thai. Đây có phải vấn đề đáng báo động về giáo dục giới tính/giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc SKSS trong giới trẻ hiện nay không?

ThS Hoàng Tú Anh: Thực ra là rất báo động. Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn, sự chuyển giao giữa các giá trị truyền thống và hiện đại và vị thành niên là những người bị tác động nhiều nhất. Những kiến thức giúp bảo vệ các em thì khó. Trong những nghiên cứu chúng tôi thực hiện thì rất đáng lo ngại, Những vị thành niên có kiến thức đúng về thời điểm dễ thụ thai chỉ khoảng 50%, còn vấn đề HIV thì chưa đến 50% vị thành niên hiểu đúng. Kiến thức đã thiếu, thực hành còn ít hơn. Chưa kể, có kiến thức, có kỹ năng nhưng lại không dám thực hiện. Trong khi đó, trong mẫu của chúng tôi thì 60% bạn đang hẹn hò, còn 80% lo lắng về tình dục, tình yêu, mang thai, bệnh tật. Có rất nhiều định kiến xung quanh việc dùng bao cao su. Không chỉ các em, mà kể cả người trưởng thành, rất ngại ngùng khi đi mua bao cao su.

MC: Ngày nay tình trạng các em yêu sớm, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, sống thử rất phổ biến, có thể nói là đáng báo động. Có phải đây có phải lỗi ở sự thiếu quan tâm của gia đình? Có phải đó một phần do nhận thức chưa đầy đủ của phụ huynh, nhiều phụ huynh còn e ngại và cho rằng giáo dục giới tính và SKSS cho vị thành niên là 'vẽ đường cho hươu chạy'?

ThS Đinh Anh Tuấn: Chúng ta hay xét nét, không thông cảm với các em. Phải khẳng định rằng dậy thì là tất yếu, nó thức tỉnh bản năng tính dục, bản năng này rất mạnh mẽ. Ngày xưa, đến tuổi dậy thì thì có thể làm cha mẹ về mặt sinh học, nhưng về mặt tâm lý thì chưa. Cho nên các cụ ngày xưa cấm tiệt. Bây giờ người ta tiếp xúc bằng nhiều cách: điện thoại, internet,... Thế nên không cấm được. Một bên là bản năng, 1 bên là thông tin, giao tiếp nên không cấm được. Cách tốt nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh cho các em để các em vững vàng, làm chủ cuộc sống của mình, và tránh các nguy cơ (mang thai, QHTD trước hôn nhân).

Chuyên gia tư vấn về giáo dục giới tính vị thành niên (P2)

MC: Có những em đã gửi những thắc mắc rất hồn nhiên đến chương trình và có thể nói là khá phổ biến như 'Thời điểm nào là 'an toàn' để giao hợp? Con gái có thể mang thai dù chỉ sau một lần giao hợp đầu tiên không? Hay nếu bạn nam rút dương vật trước khi xuất tinh thì bạn nữ có tránh được có thai không?' Trước tiên xin hỏi ThS Hoàng Tú Anh, bà có thể giải thích những câu hỏi này với các em được không ạ?

ThS Hoàng Tú Anh: Thực ra câu hỏi của các em liên quan nhiều đến vấn đề kỹ thuật. Giống như đã chia sẻ, khi dậy thì thì các bạn có khả năng sinh em bé. Để dự phòng, có nhiều phương pháp phổ biến như bao cao su, thuốc tránh thai. Có bạn còn có thai trước kỳ kinh lần đầu tiên, hoặc có bạn bảo khi quan hệ vẫn mặc quần áo nên không thể có thai. Do vậy, sử dụng biện pháp đáng tin cậy ở trên sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, biện pháp tránh thai khẩn cấp hiện đang bị lạm dụng, những thuốc đó có hàm lượng cao, ảnh hưởng đến nội tiết tố, vì vậy, các bạn không nên dùng như biện pháp thường xuyên. Thực ra không cần đợi đến tuổi dậy thì bản năng tính dục mới mạnh mẽ, mà nhu cầu gần gũi ai đó hình thành từ rất sớm. Vì vậy giáo dục giới tính nên làm càng sớm càng tốt.

Tư vấn trực tiếp: Giáo dục giới tính vị thành niên

ThS Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em

Trong thời gian tới, Bộ Y tế có kế hoạch gì trong việc hỗ trợ công tác giáo dục SKSS cho vị thành niên trong trường học?

ThS Đinh Anh Tuấn: Các chuyên gia xây dựng sách giáo khoa xen kẽ giáo dục giới tính ở nhiều bộ môn như sinh học, văn học, giáo dục công dân. Tuy nhiên nó có hạn chế là kiến thức hàn lâm, chính thống, thường ít liên hệ với thực tế, áp dụng với cuộc sống. Thứ 2, chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp để nói về giới tính, tình dục, nên việc mở rộng là rất ngại. Vì bản thân các thầy co cũng có một áp lực là 'vẽ đường cho hươu chạy'. Ngoài ra, phương pháp dạy học khiến học sinh khó giao tiếp với giáo viên, hạn chế tham gia với bài giảng, ít có sự tương tác. Để khắc phục, chúng tôi cũng đang biên soạn 1 bộ công cụ hướng dẫn hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Từ năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện ở các địa phương. Các địa phương cũng đang tiến hành rất mạnh mẽ ở các trường. Các buổi sinh hoạt đó có chủ đề về dậy thì, phòng tránh thai, xâm hại tình dục,... Điểm khác so với các buổi học chính khóa là thầy cô chỉ hướng dẫn còn các em mới là người chủ động, để các em nói lên ý kiến của mình. Trong một lần tôi đến thăm trường, các em đưa ra khoảng 100 tình huống bị xâm hại tình dục. Mà người nghiên cứu trong lĩnh vực này như chúng tôi không nghĩ các em lại biết nhiều như vậy. Khi đưa ra tình huống đóng kịch cho các em, 1 em bé bán bánh mì, bị gọi vào nhà sàm sỡ, các em được gọi lên đóng kịch, có em thì tát, kêu cứu,... Nhìn chung các em rất biết về vấn đề. Hoặc có thể tổ chức các câu lạc bộ mẹ với con gái, bố và con trai,... để tăng cường kỹ năng sống cho các em.

Chuyên gia tư vấn về giáo dục giới tính vị thành niên (P3)

Và nhà trường nên thay đổi thế nào trong giáo dục và trang bị kiến thức về giới tính, chăm sóc SKSS? Chúng ta có nên giáo dục sớm hơn về SKSS cho các em?

ThS Hoàng Tú Anh: Tôi nghĩ hoàn toàn được. Tôi nhận thấy giữa xã hội tây và ta không khác nhau nhiều, cái khác là họ dám bắt đầu, đương đầu với vấn đề GDGT. Một nguyên tắc có thể làm rất sớm là nguyên tắc quần lót, để định vị vị trí nhạy cảm, rồi sau là vấn đề tình cảm, tình yêu. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hỏi các bé đang yêu ai, có người yêu chưa, có hành động nào nên/không nên thể hiện? Khi còn bé thì sẽ dạy rất dễ vì trẻ như tờ giấy trắng nên dễ tiếp cận. Khi chúng tôi nói về vấn đề mang thai sớm, thì nhà trường coi đó là việc rất xấu, trong khi các em cần sự chia sẻ của các bạn. Chính phụ huynh lại bảo con em mình không được chơi với bạn đó vì sợ bị ảnh hưởng, thầy cô giáo cũng vậy, có trường gợi ý phụ huynh xin cho con nghỉ học để không bị kì thị. Vì vậy, sinh sản không chỉ liên quan đến sức khỏe mà rất nhiều vấn đề khác. Chúng tôi có những bộ tài liệu cho bố mẹ nói chuyện với con, hay con có thể đặt câu hỏi cho cha mẹ. Không chỉ các bé gái mà các bé trai cũng nên tham gia vào.

ThS Đinh Anh Tuấn: Các bé trai cũng rất cần được GDGT. Các bé trai cũng bị xâm hại, chứ không riêng gì bé gái. Nếu mang thai ngoài ý muốn thì ảnh hưởng cả 2 giới, còn những nguy cơ lạm dụng tình dục cũng có cả các bé trai là nạn nhân. Vì vậy, những nguy cơ đều có cả 2 giới nên bố mẹ có con trai cũng nên quan tâm. Bố mẹ đừng coi SKSS, tình dục là cấm kị, phạm úy thì trẻ sẽ dễ mắc sai lầm. Vì vậy, cha mẹ nên đối xử bình đẳng với con cái, ở khía cạnh nào đó là bạn của con, để từ lúc bé, chúng chia sẻ với bố mẹ về những điều trên lớp. Lớn lên, khi các em trót lỡ lầm, các em sẽ chia sẻ với bố mẹ. Chia sẻ sớm sẽ mang lại cho các em những điều tốt nhất.

Tư vấn trực tiếp: Giáo dục giới tính vị thành niên

ThS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

Một bậc phụ huynh – là một người mẹ, đến từ Sóc Sơn, Hà Nội, có viết thư đến cho chương trình tâm sự rằng 'Con gái tôi lên lớp 10, tôi cho lên thành phố học. Thế nhưng sau 1 năm học, tôi phải đưa cháu đi nạo thai chỉ vì cháu sống chung với bạn trai cùng tuổi cả năm trời mà tôi không hay biết. Thật sự tôi đau lòng lắm vì cháu còn quá nhỏ để chịu đựng những đau đớn về thể xác và tinh thần như vậy. Tôi cũng vô cùng hối hận khi đã không trang bị kiến thức về giới tính cho con gái mình khi con bước vào tuổi dậy thì, để rồi gia đình tôi phải gánh hậu quả như ngày hôm nay. Tôi giờ phải làm gì để con gái tôi vơi bớt nỗi đau, thưa chuyên gia, vì con đường phía trước của cháu còn rất dài. Tôi xin cảm ơn'.

ThS Hoàng Tú Anh: Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng rất nhiều về thể chất và tinh thần, gây ảnh hưởng lâu dài cho tương lai, khiến các em mặc cảm, ảnh hưởng tới các mối quan hệ sau này. Như người mẹ này khi nhận ra điều đây mới biết sự cần thiết của GDGT. Nhiều bậc cha mẹ ngăn cấm, nhưng với con thì đó là ước mơ, hạnh phúc. Trong thư mẹ không nói đến ứng xử của cậu trai kia. Mình có thể coi đó là 1 tai nạn nhưng do định kiến ngoài xã hội nên sẽ ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, cần cả người mẹ hỗ trợ con. Qua những cái này, con sẽ mạnh mẽ hơn và khả năng đương đầu sẽ hơn rất nhiều nếu vượt qua được. Cha mẹ có thể đưa con đến trung tâm tư vấn để tìm sự hỗ trợ. Đôi khi cha mẹ cũng cần được tư vấn.

Nhiều em gái khi biết mình mang bầu, thậm chí khi thai đã được 3-4 tháng, đã tự ý mua thuốc phá thai về uống mà không hỏi ý kiến bác sĩ, và đã có những hậu quả đáng tiếc như tiêu chảy, ra máu kéo dài, thậm chí là viêm nội mạc tử cung. Vậy thưa ThS Đinh Anh Tuấn, ông có lời khuyên gì cho các em để phá thai an toàn và không ảnh hưởng đến việc sinh đẻ sau này ạ? Khi biết mang bầu, các em cần làm gì để không để lại những biến chứng?

ThS Đinh Anh Tuấn: Chúng ta đều biết QHTD không an toàn rất dễ mang thai, khi còn trẻ thì nhiều bạn sẽ phá thai. Luật pháp Việt Nam cho phép phá thai, tuy nhiên, theo tôi, với các bạn trẻ, điều quan trọng nhất nên giữ tình yêu trong sáng. Còn nếu trót quan hệ thì nên sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Trong trường hợp không dùng biện pháp tránh thai thì phải dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nếu nghi ngờ mang thai thì đến bệnh viện càng sớm càng tốt, vì thai lớn xử lý khó, có biến chứng sau phá thai, rất nguy hiểm cho bạn nữ. Ví dụ như: sót rau, thủng tử cung, phải cắt bỏ tử cung. Lâu dài hơn gây viêm dính vòi trứng gây vô sinh và các biến chứng tâm lý. Hiện nay cách phá thai bằng thuốc cũng nguy hiểm nếu bạn tự mua uống. Dùng nó rất khác nhau theo từng người, phụ thuộc vào sức khỏe, thời điểm,... Thế nên nhất thiết phải do bác sĩ chỉ định, kê đơn, tuyệt đối không mua thuốc về uống. Ngoài ra, thuốc này cũng không bán nếu không có đơn. Các bạn không nên đến cơ sở phá thai chui vì điều kiện vệ sinh kém, nếu xảy ra tai biến cũng rất nguy hiểm.

Chuyên gia tư vấn về giáo dục giới tính vị thành niên (P4)

Hà Thị Minh Tâm (Hải Phòng): Tôi có con gái năm nay 5 tuổi và một cháu trai 7 tuổi. Các cháu liên tục hỏi tôi 'Mẹ ơi con được sinh ra từ đâu?' Hay 'Sao mẹ mặc áo chíp mà bố không mặc?' Tôi toàn lảng đi trước những câu hỏi đó vì các cháu chưa dậy thì nên tôi rất ngại nói chuyện giới tính với con cái. Tôi biết nếu trang bị cho con cái kiến thức về giới tính càng sớm thì càng tránh được những hậu quả không đáng có về sau. Vậy tôi phải bắt đầu từ đâu thưa các chuyên gia? Tôi mong muốn có được tài liệu chính thống để hướng dẫn bố mẹ trong việc dạy con trong vấn đề này.

ThS Hoàng Tú Anh: Thực ra tôi nghĩ độ tuổi 5 - 7 là độ tuổi tuyệt vời để bắt đầu. Vì khi các em hồn nhiên sẽ dễ nói chuyện hơn. Đây là thời điểm thích hợp để dạy con. Như tôi thì hỏi con là 'Con nghĩ chỗ nào con có thể chui ra được?', hoặc 'Con nghĩ ngực mẹ với ngực bố khác nhau thế nào?'. Mình hoàn toàn có thể giải thích cho con rất dễ dàng. Những thông tin đầu đời in dấu trong các em suốt thời gian về sau. Bố mẹ không cần đến giờ sinh học ở trường THCS mới để con học về giới tính. Chúng ta cần bắt đầu sớm, khi trẻ đụng chạm nhau rất vô tư nhưng bố mẹ và thầy cô lại rất sợ. Nên chúng ta nói về chuyện đó theo cách đáng sợ.

Tôi nghĩ mọi người đặt nhiều trách nhiệm lên cha mẹ, nhà trường, nhưng không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng thay đổi. Đây là cả 1 quá trình, bộ Giáo dục và bộ Y tế đã kết hợp từ 15 năm rồi nhưng không làm được. Vì không phải cô giáo nào cũng trở thành 1 người dạy chuyên về giới tính. Hiện tại đã có những tổ chức có chuyên môn GDGT, tôi mong các bộ ngành sẽ mở sân chơi cho các tổ chức này tham gia.

ThS Đinh Anh Tuấn: Thực ra chúng ta đang quan tâm nhiều đến chỉ số về giáo dục nhưng chỉ số về GDGT, hoạt động ngoại khóa chưa được quan tâm. Bộ Y tế đã hỗ trợ Bộ Giáo dục xây dựng tài liệu công phu nên các trường không đủ nhân lực và kinh phí để làm. Tôi nghĩ nên trang bị kiến thức cho những người làm công tác xã hội để phụ trách vấn đề này. Tôi nghĩ kỹ năng sống cần đặt ngang hàng với kiến thức.

Tư vấn trực tiếp: Giáo dục giới tính vị thành niên

Việc xây dựng Mô hình giáo dục Sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các vùng sâu vùng xa, các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay được tiến hành như thế nào ạ? Khi mà tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên ở những vùng này cao hơn rất nhiều ở các vùng đồng bằng.

ThS Đinh Anh Tuấn:  Vấn nạn tảo hôn đang rất nhức nhối, tảo hôn là kết hôn tuổi vị thành niên, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên miền núi cao gấp 5 lần so với thành phố. Tập quán tảo hôn là tập quán lạc hậu tồn tại rất lâu, không thể thay đổi nhanh được. Vì vậy, cần phải tác động từ từ, quan trọng là trang bị kiến thức để nâng cao dân trí, tăng cường giáo dục pháp luật, vì cưỡng hôn trẻ vị thành niên là vi phạm pháp luật, nhưng họ không biết mình đang vi phạm pháp luật.

ThS Hoàng Tú Anh: Tôi nghĩ mình phải làm từng bước một, ít nhất phải có thông tin để làm chậm thời gian sinh con, để các em có kỹ năng làm cha làm mẹ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!