Tư vấn trực tiếp: Phá thai an toàn, hậu quả của nạo phá thai

Sống khỏe mạnh - 05/04/2024

Chương trình tư vấn 'Phá thai an toàn và hậu quả của việc nạo phá thai' được phát trực tiếp trên Songkhoe.vn

Mặc dù ngày nay các biện pháp ngừa thai đa dạng và tiên tiến hơn, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng này đã đẩy không ít phụ nữ vào những tình cảnh khó xử, dẫn đến đến quyết định phá bỏ thai.

Việc lựa chọn phá thai cách nào là an toàn là vấn đề không phải phụ nữ nào cũng hiểu rõ. Thủ thuật phá thai không phức tạp nhưng có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng đến tinh thần, vậy phải làm gì để tránh được những hệ quả ấy?

Những vấn đề này sẽ được đề cập trong chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề:'Phá thai an toàn và hậu quả của việc nạo phá thai'.

Khách mời tham gia chương trình:

PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế;

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.

Nguyên nhân của việc phá thai (P1)

MC: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á và thuộc một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới. Trước tiên xin hỏi PGS.TS Lưu Thị Hồng, ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Vậy thực trạng này ở Việt Nam như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Thực trạng phá thai, cho phép phá thai ngoài ý muốn, các cơ sở y tế nói chung, công lập cũng như tư nhân, với điền kiện được cấp phép đều được làm thủ thuật phá thai theo quy định. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 80 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, 46 triệu ca phá thai, 27 triệu ca hợp pháp và 19 triệu ca bất hợp pháp. Còn ở Việt Nam, hầu như chúng ta chỉ thu thập từ các cơ sở y tế công lập, còn việc quản lý các con số này ở các cơ sở Y tế tư nhân thì chưa chính xác. Theo báo cáo của Hội KHHGĐ năm 2011, tuổi từ 15-19 có đến 300 nghìn ca, trong đó học sinh - sinh viên chiếm 60-70%.

Tư vấn trực tiếp: Phá thai an toàn, hậu quả của nạo phá thai

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương

Nguyễn Thị Liên Phương (Bắc Giang): Tôi lấy chồng được 6 năm rồi và giờ đã có 1 cô con gái 5 tuổi. Khi con gái được 1 tuổi, tôi có thai được 3 tháng nhưng lúc đó vì kinh tế gia đình khó khăn và con gái vẫn còn nhỏ quá nên vợ chồng tôi đã đến bệnh viện hút thai. Giờ đây kinh tế ổn định và con gái đã lớn, vợ chồng tôi muốn có thêm đứa thứ 2 nhưng hơn 1 năm nay, dù đã ngừng sử dụng thuốc tránh thai nhưng tôi vẫn chưa thể mang thai. Vợ chồng tôi cũng đã đến bệnh viện khám mà vẫn chưa có kết quả gì. Vậy thưa bác sĩ, có phải việc hút thai và dùng thuốc tránh thai lâu dài trước kia của tôi đã ảnh hưởng đến quá trình thụ thai không? Vợ chồng tôi cần làm gì để có em bé?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Phá thai an toàn không có nghĩa là không có rủi ro, tai biến. Tình trạng sót thai, sót rau, chấn thương đường sinh dục, nhiễm khuẩn, tắc vòi tử cung, gây vô sinh... tuy nhiên biến chứng nặng nề này ít khi xảy ra ở bệnh viện được trang bị cơ sở y tế đầy đủ. Trường hợp của chị chưa thể khẳng định vô sinh hay không do không biết anh chị khám tại bệnh viện nào, vì nếu hút thai ở các cơ sở tư nhân, điều ngành y tế quan ngại là việc vô khuẩn không được đàm bảo, nguy cơ rủi ro sẽ cao hơn. Tôi cũng không biết chị đã làm các bộ xét nghiệm đầy đủ chưa. Nếu đã làm đầy đủ xét nghiệm rồi, các bệnh viện lớn sẽ cho chị một nguyên nhân cụ thể. 2 vợ chồng cùng đi khám, đến bệnh viện càng sớm càng tốt, khi có đủ xét nghiệm mới đưa ra được nguyên nhân.

MC: Nhiều cơ sở y tế sau khi nạo hút thai đã để lại biến chứng cho các thai phụ và để lại những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe sau này. Xin hỏi PGS. TS Lưu Thị Hồng, việc kiểm soát quy trình nạo hút thai tại các cơ sở y tế được tiến hành như thế nào ạ? Quy chuẩn đánh giá công tác nạo hút thai an toàn như thế nào?

PGS. TS Lưu Thị Hồng: Cơ sở y tế thực hiện phá thai phải đầy đủ trang thiết bị theo quy định, được cấp phép và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện đúng chỉ định, tuân thủ đúng nguyên tắc. Cơ sở y tế, kỹ năng chuyên môn không đáp ứng được sẽ xảy ra tai biến chứng đáng tiếc trong việc nạo phá thai.

Thanhtungnguyen@gmail.com: Vợ chồng tôi yêu nhau khi còn là sinh viên và từng đi quá giới hạn và phải đi hút thai 3 lần. Mới đây, sau bao ngày chờ đợi thì cô ấy đã có thai. Nhưng chưa vui mừng được bao lâu thì đi khám, bác sĩ cho biết cô ấy có thai ngoài tử cung. Bác sĩ chỉ định phải hút thai. Vì vợ tôi đã hút thai nhiều lần rồi nên 2 vợ chồng rất lo nếu bỏ thai thì sau này sẽ khó có con. Vậy sau khi hút thai, vợ tôi phải được điều trị như thế nào để có thể mang thai?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Các bạn trẻ hiện nay rất thiếu kiến thức sử dụng biện pháp tránh thai thế nào cho hiệu quả. Một trong những hậu quả phá thai là nhiễm khuẩn, gây tắc hẹp vòi tử cung. Khi có thai ngoài tử cung cần điều trị bằng thuốc hoặc lấy thai ngoài tử cung. Lúc này, nguy cơ vô sinh tăng cao, hơn nữa những bạn trẻ đã từng chữa trị chửa ngoài dạ con sẽ tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung. Các bạn trẻ hãy tìm hiểu các biện pháp tránh thai, cách sử dụng thế nào cho hiệu quả và những lợi ích cho sức khỏe tại các trung tâm sức khỏe sinh sản tại địa phương.

Tư vấn trực tiếp: Phá thai an toàn, hậu quả của nạo phá thai

PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế

MC: Thưa Tiến sĩ Hồng Minh, là Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình, BV Phụ sản Trung ương, chắc chị tiếp xúc nhiều trường hợp đau lòng. Trên thực tế, nhiều nữ sinh phải chịu hậu quả của việc yêu sớm và không làm chủ được hành động của bản thân. Cái thai trong bụng cứ dần lớn lên nhưng các em lại chưa đủ điều kiện để làm mẹ. Do vậy, không ít trường hợp phải đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường. Chị có thể chia sẻ thêm về thực trạng này không ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Các bạn trẻ đến cơ sở y tế phần lớn là để giải quyết hậu quả chứ rất ít người đến để nghe tư vấn sức khỏe sinh sản. Nhỏ nhất là 12 tuổi (3 trường hợp) đều không phá được vì thai quá lớn, phải mổ lấy thai, cho con cho người khác nuôi. Có trường hợp hàng ngày bố mẹ đưa con đi học, tối con vẫn ở nhà nhưng không biết con mình có thai lúc nào. Bố mẹ nên trở thành chỗ tâm sự cho con cái. Những gia đình khá giả thường có xu hướng mỗi người một phòng riêng, không có sự chia sẻ, tâm sự... Ngoài ra, cha mẹ nên trở thành những người bạn của con để con cái dễ dàng chia sẻ những tâm sự trong cuộc sống.

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, việc phá thai ngày càng tăng cao một phần là do nhiều gia đình muốn sàng lọc giới tính. Hiện nay, tình trạng cho biết về giới tính thai nhi là rất phổ biến. Đã có nhiều biện pháp được đề ra nhưng ở các phòng khám tư, người ta né bằng cách không nói là con trai hay con gái mà bằng các ám hiệu, như 'thích nhé, giống bố rồi' hay 'đẹp trai giống bố rồi' là người ta đã biết giới tính của thai nhi. Vậy cần có những biện pháp nào để không tiết lộ giới tính thai nhi ở các phòng khám tư nhân?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Việc 'tăng tỷ lệ phá thai do lựa chọn giới tính' chỉ là phán đoán theo cảm tính. Vấn đề quan trọng là quan niệm của người Việt, mỗi gia đình cần có ý thức, dù biết trước giới tính nhưng vẫn không phá thai. Cộng đồng cần chung tay gắng sức để giải quyết tình trạng này. Kiểm soát vấn đề này, các cơ sở y tế không tiết lộ giới tính trước khi sinh. Cơ sở nào làm sai, sẽ phải có hình phạt thích đáng.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh, vợ tôi có thai đã được 5 tháng. Đi khám thai bác sĩ kết luận con tôi bị mắc hội chứng Down và khuyên gia đình nên bỏ thai nhi. Tôi rất lo lắng vì thai nhi đã khá nhiều tháng tuổi. Vậy với trường hợp của vợ tôi, cần áp dụng biện pháp phá thai nào? Tôi cần đưa vợ đến bệnh viện nào để phá thai? Tôi xin cảm ơn. Và lần mang thai tiếp theo liệu con tôi có nguy cơ bị hội chứng Down nữa không?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Tôi chia sẻ sự lo lắng với gia đình anh. Hội chứng Down do rối loạn bộ nhiễm sắc thể, không mang tính di truyền. Trường hợp của chị có thai 5 tháng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thai nhi từ 13 đến hết 22 tuần tuổi được phá thai tại BV đa khoa tuyến tỉnh, không được làm tại các Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Phòng khám tư nhân, Cơ sở y tế tư nhân do thiếu kinh nghiệm xử lý thai to. Phương pháp phá thai sẽ được bác sĩ tư vấn. An toàn nhất trong trường hợp này là dùng thuốc gây sẩy thai, người phụ nữ được nhập viện, theo dõi sức khỏe, khi nào thai ra, không có tai biến... mới được về nhà nghỉ ngơi.

Nguy cơ khi phá thai ở tuổi vị thành niên (P2)

Nguyễn Ngọc (Hà Nam): Con tôi năm nay 18 tuổi. Một lần cháu bị đau bụng dữ dội, tôi liền đưa cháu vào ngay bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ siêu âm ổ bụng thấy không có gì bất thường, không thấy thai trong tử cung. Tuy nhiên, thăm khám lâm sàng cho thấy một khối thai đã thối rữa mắc kẹt và bịt kín cổ tử cung. Lúc đó tôi mới biết con gái tôi đã mang bầu và tự ý uống thuốc phá thai. Tôi nghe nói việc nhiễm trùng cổ tử cung có thể dẫn đến vô sinh, có đúng không? Tôi phải làm gì để con gái tôi ổn định tinh thần trước sự việc không mong muốn đó? Và nguy cơ con tôi vô sinh có cao không thưa bác sĩ?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Trường hợp này rất đáng quan ngại. Chỉ được phá thai bằng thuốc với thai 7 tuần tại cơ sở y tế (CSYT) tuyến huyện, 8 tuần tuổi tại CSYT tuyến tỉnh, 9 tuần tuổi tại CSYT tuyến TƯ. Tại cơ sở y tế tư nhân, nếu phá thai bằng thuốc cũng chỉ áp dụng cho thai nhi dưới 7 tuần. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, cần quản lý chặt chẽ việc bán thuốc phá thai, việc bán thuốc phá thai phải do ngành Y tế quản lý. Tuy nhiên hiện nay rất dễ dàng để mua thuốc phá thai tại các hiệu thuốc.

Phá thai tại cơ sở y tế tư nhân, công lập, tự mua thuốc... dễ dẫn đến băng huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, sống thực vật... Thai bị nhiễm trùng dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn cho người mẹ, nguy hiểm đến tính mạng, viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, gây vô sinh, chửa ngoài tử cung... Cần đến bệnh viện có đủ chuyên môn, xử lý ngay, dứt điểm. Không phải ai đi phá thai cũng bị vô sinh, vấn đề là cơ sở y tế xử lý dứt điểm.

MC: Tôi được biết là theo quy định của Bộ Y tế, việc phá thai bằng thuốc chỉ được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến huyện trở lên. Nhưng hiện nay, thuốc phá thai lại được bán tràn lan tại các hiệu thuốc, và nhiều bạn trẻ vì tự ý mua thuốc về dùng mà phải gánh chịu những hậu quả tai hại. Có các biện pháp tuyên truyền gì để các em nữ hiểu rõ các vấn đề này?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Vấn đề phá thai phải do ngành Y tế quản lý. Mặc dù có chỉ định phá thai theo tuổi thai nhưng một số cửa hàng dược vẫn tự do bán thuốc là sai nguyên tắc. Vấn đề ở đây là các cửa hàng thuốc vẫn bán thuốc vì lợi nhuận. Việc này chúng tôi chưa thể quản lý được. Hiện nay chưa thể quản lý được các cửa hàng bán có đúng thuốc theo kê đơn không, có bán đúng thuốc được Bộ Y tế cấp phép hay không.

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, mặc dù đã có nhiều chiến dịch vận động tuyên truyền phòng tránh thai nhưng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và tình trạng phá thai vẫn tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên? Phải chăng là do nhận thức về vấn đề sức khỏe sinh sản còn hạn chế?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Việc mang thai là của cá nhân nên mỗi cá nhân cần tự bảo vệ mình, tự quyết định để tránh mang thai ngoài ý muốn. Bản thân tuân thủ biện pháp tránh thai nào cho phù hợp. Cán Bộ Y tế thực hiện thủ thuật phá thai cần tuân thủ đúng nghiệp vụ, quy trình thực hiện... sẽ giảm tai biến do phá thai gây ra.

Trần Thị Hải Yến (Hà Nội): Con gái tôi năm nay 16 tuổi. Tôi thấy cháu hay nịt bụng, tôi hỏi thì cháu bảo đang tập thể dục giảm béo bụng. Nhưng càng ngày bụng càng to, thấy tôi nghi ngờ thì cháu cũng khai đang mang bầu được 4 tháng. Tôi rất đau khổ nhưng vẫn phải đưa cháu đi phá thai vì tương lai còn dài phía trước của cháu. Với trường hợp của cháu thì cần phá thai bằng phương pháp nào để đảm bảo an toàn cho cháu và sức khỏe sinh sản sau này?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Với tình trạng thai nhi của cháu, thwo quy định của Bộ Y tế chỉ được phá thai ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Với thai 4 tháng, chúng tôi sẽ cho uống thuốc để sẩy thai tự nhiên, cháu sẽ tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn, tai biến về tử cung.

Với những thai lớn, sẽ có nguy cơ chấn thương tử cung. Nếu được phá thai ở các cơ sở Y tế ở các cơ sở Y tế được cấp phép, những nguy cơ đó sẽ được cấp cứu kịp thời. Hằng năm, bệnh viện phụ sản TƯ vẫn giải quyết nhiều tai biến do pha thai thất bại của các em gái, bạn nữ được chuyển đến từ các phòng khám tư nhân. Điều này cho chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều ca phá thai quá chỉ định cho phép tại các cơ sở y tế tư nhân.

Vấn đề kiểm soát, giám sát tình hình phá thai của cơ sở y tế tư nhân thuộc về Sở y tế tỉnh/thành phố. Nếu chỉ vì tránh không muốn cho ai biết mà đưa cháu gái 16 tuổi đi phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân là một việc vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu phá được thia rồi, thì nguy cơ nhiễm khuẩn, chửa ngoài tử cung, hay vô sinh vẫn đe dọa các cháu. Gia đình nên đưa cháu đến cơ sở y tế đủ thẩm quyền do Bộ Y tế cấp phép.

Ảnh hưởng tâm lý của việc nạo phá thai (P3)

MC: Xin chào bác sĩ. Em từng là một đứa con ngoan trong gia đình, là một lớp trưởng gương mẫu được thầy bạn yêu mến. Đỗ đại học với số điểm khá cao, gia đình kỳ vọng ở em rất nhiều. Tuy nhiên, cánh cửa tương lai của em như đóng lại sau một lần em trót hiến dâng 'cái ngàn vàng' cho người yêu. Vì còn dại dột nên em đã không dùng biện pháp tránh thai nào cả và kết quả là em đã có thai. Cái thai được 4 tháng thì 2 đứa quyết định đi bỏ với số tiền vay mượn từ bạn bè mà gia đình không ai biết. Đến giờ đã được gần 1 năm. Em luôn cảm thấy cắn rứt, đêm nào cũng nằm mơ thấy ác mộng. Việc học sa sút và em gần như không tiếp xúc với một ai, đặc biệt em rất sợ đàn ông. Em phải làm gì để thoát khỏi tình trạng này và trở lại cuộc sống như bạn bè cùng trang lứa?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Vấn đề sang chấn tâm lý khi đi phá thai không phải là không gặp. Cần tư vấn, động viên, chia sẻ tâm lý cho người bệnh, tránh ám ảnh, lo sợ về sau. Quan trọng là động viên từ gia đình. Bố mẹ nên là người bạn, chỗ dựa vững chắc cho con khi con gặp chuyện 'khó nói'. Không có nghĩa 'vẽ đường cho hươu chạy' mà để con tự biết và phòng tránh. Ám ảnh này dẫn đến chán nản trong cuộc sống như sa sút trong học tập, tội lỗi để lại... Tâm lý sẽ được cải thiện nếu có sự chia sẻ từ mẹ, chị gái, bạn gái... Bản thân bạn trẻ này nên chia sẻ với mẹ, quay về với cuộc sống thực tại, gia đình có thể động viên, giúp mình vượt qua những khó khăn.

Tư vấn trực tiếp: Phá thai an toàn, hậu quả của nạo phá thai

Chuyên gia tham gia chương trình tư vấn

MC: Những trường hợp mang thai do tâm lý sợ hãi nên thường dẫn đến phát hiện và phá thai muộn, thậm chí thực hiện bỏ thai lén lút ở các địa chỉ không đảm bảo nên gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sau, trong đó có những sang chấn nghiêm trọng về tâm lý. BS có lời khuyên gì với các bạn trẻ từng lầm lỡ và phải đi đến quyết định nạo phá thai?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Mỗi người đến phá thai luôn được các bác sĩ tư vấn tránh thai để tránh phá thai nhắc lại. Trong số 30 phụ nữ trong tuổi sinh sản, đã có gia đình, sinh đủ con nhưng không dùng biện pháp tránh thai hoặc tránh thai bằng biện pháp truyền thống, tự nhiên... Việc tuyên truyền cần đưa đến cơ quan, cán bộ ở tổ dân phố, tổ chức đoàn thể ở địa phương... Cần đa dạng môi trường, cách cung cấp thông tin để hạn chế phá thai hay mang thai ngoài ý muốn.

MC: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động, điều đáng buồn là tỷ lệ nạo phá thai lại rơi chủ yếu vào lứa tuổi vị thành niên. Hầu hết các bạn trẻ đều biết được nguy cơ có thai khi quan hệ tình dục nhưng phần lớn lại không sử dụng biện pháp tránh thai. Hơn nữa các bậc phụ huynh chưa thực sự giáo dục đầy đủ cho các em về vấn đề này. Vậy Bộ Y tế đã có những hoạt động nào để nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản trong trường học cũng như cho các bậc phụ huynh để giảm thiểu các ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ạ?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Để giảm thiểu tình trạng này, cần phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể. Ngoài chương trình SKSS riêng của ngành Y tế, phối hợp TƯ đoàn, có chương trình tư vấn SKSS tại các trường THCS. Với tâm lý e ngại khi đến cơ sở y tế, nơi đông người..., nhiều Trung tâm chăm sóc SKSS tổ chức tư vấn qua điện thoại, xây dựng góc thân thiện cho tuổi vị thành niên...

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, nhận thức về sức khỏe sinh sản ở các vùng nông thôn và thành thị hiện nay đều chưa thực sự hiệu quả nên cũng để lại nhiều hệ quả đáng tiếc. Vậy việc truyền thông, tuyên truyền về vấn đề mang thai an toàn và phá thai an toàn tại các tỉnh thành trong cả nước đang được tiến hành như thế nào để chị em phụ nữ nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, khám phụ khoa, cung cấp biện pháp tránh thai, KHHGĐ... Đa dạng hóa các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho các cặp vợ chồng.

MC: Thưa TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh, ở trung tâm chị công tác, chắc hẳn chị có nhiều chia sẻ với các phụ nữ mang thai nhưng lại không muốn sinh. Chị có thể chia sẻ với độc giả của Sống khỏe không ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Muôn vàn lý do đi phá thai: bận đi học, mới đi làm, con còn nhỏ, điều kiện kinh tế chưa cho phép... đặc biệt là việc lựa chọn giới tính. Các bạn trẻ thường vấp phải lý do chưa thể kết hôn, chưa thể sinh con... Nên chăng Bộ Y tế đưa chương trình 'Tiền hôn nhân' tư vấn kiến thức cho các bạn trẻ và cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn, hướng dẫn cho cơ sở y tế của tất cả các tỉnh thành...  Thực ra vấn đề này Bộ Y tế đã có nhưng chưa thường quy. Các tổ chức cùng chung tay để giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

PGS.TS Lưu Thị Hồng: 'Tư vấn tiền hôn nhân' Bộ Y tế cũng đã có nhưng đưa vào thành chương trình thường quy thì chúng tôi đang xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các cơ sở y tế, nội dung sẽ là cung cấp dịch vụ tư vấn 'Tiền hôn nhân', xét nghiệm gì trước khi kết hôn... Để chương trình thực hiện được, phải có chi phí, phổ biến, dào tạo cho các cán bộ y tế trong hệ SKSS.

Biện pháp phá thai an toàn (P4)

Hương Trần: Cháu chào bác sĩ. Cháu năm nay 22 tuổi, đợt đầu tháng 4 năm nay cháu mới đi hút thai do mang thai ngoài ý muốn. Lúc đi hút, thai nhi được 4 tuần 2 ngày, sau đó có đi siêu âm lại xác định xem hút có sạch sẽ hay không, kết quả hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên có 1 điều khiến cháu băn khoăn là sau khi hút thai được khoảng 1 tuần, cháu nghĩ sức khỏe đã ổn định nên có tham gia chơi cầu lông, sau đó thì phát hiện bị chảy máu. Cháu đang rất băn khoăn như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của cháu sau này không. Rất mong nhận được sự tư vấn của Bác sĩ. Cháu cảm ơn Bác sĩ.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Sau khi hút thai, các chị em thường được khuyên đi khám lại, tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Sau khi phá thai nên có thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, làm công việc nhẹ, bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ... từ 3-4 tuần, cho đến khi kỳ kinh nguyệt trở lại. Ra máu sau phá thai là hiện tượng không bình thường, bạn nên đi khám ở cơ sở y tế để chắc chắn rằng việc ra máu có phải do phá thai hay do vận động, hoặc do dùng thuốc sau phá thai không theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyễn Hải: Tôi trót quan hệ với bạn trai và hiện đang mang thai lần đầu, ở tuần thứ 8. Chúng tôi muốn bỏ cái thai đó đi vì cả 2 đều chưa ổn định và chưa thể cưới nhau được. Tôi tìm hiểu trên mạng thì được biết có thể phá thai bằng thuốc hay nạo phá thai. Tuy nhiên tôi lo lắng không biết nên chọn phương pháp nào. Xin hỏi bác sĩ, hút thai hay uống thuốc phá thai an toàn hơn? Tôi xin cám ơn.

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Hết 12 tuần tuổi, phương pháp hút thai bằng chân không được Bộ Y tế khuyến khích dùng, không gây đau đớn cho người phụ nữ. Thuốc gây cho thai ngừng phát triển, thuốc gây sẩy thai, nên có ý kiến tư vấn của cán Bộ Y tế. Không phải ai cũng phá thai bằng thuốc được, chỉ dùng biện pháp này cho người phụ nữ khỏe mạnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về phá thai.

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, thay vì đi phá thai ở các bệnh viện lớn, người dân thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để thực hiện hút thai do tâm lý e ngại. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp rất nhiều biến chứng, do trình độ y bác sĩ hoặc do thiết bị không đảm bảo vệ sinh. Vậy Bộ Y tế có những hành động gì để kiểm soát các cơ sở nạo phá thai trong cả nước?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Bộ Y tế tổ chức đi tới cơ sở y tế ở địa phương, giám sát trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tuân thủ quy trình vô khuẩn trong phá thai.

MC: Trước khi kết thúc chương trình, 2 vị khách mời có lời khuyên gì cho các khán giả đang theo dõi chương trình, đặc biệt là các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không ạ?

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Tuyên truyền cho phụ nữ để giảm việc mang thai ngoài ý muốn cần sự phối hợp của nhiều tổ chức, không riêng gì ngành y tế. Dễ tiếp cận, tìm ra biện pháp tránh thai, hạ tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên bản thân người phụ nữ không ý thức được hậu quả của việc phá thai. Vì vậy, mỗi chị em phụ nữ nếu chưa muốn sinh con, hãy sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả nhất, có thể là thuốc tiêm tránh thai, uống thuốc tránh thai, màng phim tránh thai, đặt vòng...

MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, là một người công tác trong ngành y tế, trực tiếp làm việc với các bệnh viện cũng như các địa phương, bà có lời khuyên gì để chị em phụ nữ nâng cao sức khỏe sinh sản cũng như phá thai an toàn không ạ?

PGS.TS Lưu Thị Hồng: Cá nhân mỗi gia đình, chị em phụ nữ hãy lựa chọn biện pháp hiệu quả nhất, tránh mang thai ngoài ý muốn, nâng cao hiểu biết, giữ sức khỏe. Đối với cơ sở y tế, hãy thực hiện đúng quy định để nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm tai biến, hạn chế phá thai không an toàn. Riêng góc độ quản lý, rất cần có sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!