Việc lựa chọn phá thai cách nào là an toàn là vấn đề không phải phụ nữ nào cũng hiểu rõ, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Thủ thuật phá thai không phức tạp nhưng có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng đến tinh thần, vậy phải làm gì để tránh được những hệ quả ấy?
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này sẽ trả lời cho độc giả những băn khoăn về vấn đề trên.
PGS.TS Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế;
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.
Nguy cơ khi phá thai ở tuổi vị thành niên
Nguyễn Ngọc (Hà Nam): Con tôi năm nay 18 tuổi. Một lần cháu bị đau bụng dữ dội, tôi liền đưa cháu vào ngay bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ siêu âm ổ bụng thấy không có gì bất thường, không thấy thai trong tử cung. Tuy nhiên, thăm khám lâm sàng cho thấy một khối thai đã thối rữa mắc kẹt và bịt kín cổ tử cung. Lúc đó tôi mới biết con gái tôi đã mang bầu và tự ý uống thuốc phá thai. Tôi nghe nói việc nhiễm trùng cổ tử cung có thể dẫn đến vô sinh, có đúng không? Tôi phải làm gì để con gái tôi ổn định tinh thần trước sự việc không mong muốn đó? Và nguy cơ con tôi vô sinh có cao không thưa bác sĩ?
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Trường hợp này rất đáng quan ngại. Chỉ được phá thai bằng thuốc với thai 7 tuần tại cơ sở y tế (CSYT) tuyến huyện, 8 tuần tuổi tại CSYT tuyến tỉnh, 9 tuần tuổi tại CSYT tuyến TƯ. Tại cơ sở y tế tư nhân, nếu phá thai bằng thuốc cũng chỉ áp dụng cho thai nhi dưới 7 tuần. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, cần quản lý chặt chẽ việc bán thuốc phá thai, việc bán thuốc phá thai phải do ngành Y tế quản lý. Tuy nhiên hiện nay rất dễ dàng để mua thuốc phá thai tại các hiệu thuốc.
Phá thai tại cơ sở y tế tư nhân, công lập, tự mua thuốc... dễ dẫn đến băng huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, sống thực vật... Thai bị nhiễm trùng dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn cho người mẹ, nguy hiểm đến tính mạng, viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, gây vô sinh, chửa ngoài tử cung... Cần đến bệnh viện có đủ chuyên môn, xử lý ngay, dứt điểm. Không phải ai đi phá thai cũng bị vô sinh, vấn đề là cơ sở y tế xử lý dứt điểm.
Nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên trong việc phá thai an toàn
MC: Tôi được biết là theo quy định của Bộ Y tế, việc phá thai bằng thuốc chỉ được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến huyện trở lên. Nhưng hiện nay, thuốc phá thai lại được bán tràn lan tại các hiệu thuốc, và nhiều bạn trẻ vì tự ý mua thuốc về dùng mà phải gánh chịu những hậu quả tai hại. Có các biện pháp tuyên truyền gì để các em nữ hiểu rõ các vấn đề này?
PGS.TS Lưu Thị Hồng: Vấn đề phá thai phải do ngành Y tế quản lý. Mặc dù có chỉ định phá thai theo tuổi thai nhưng một số cửa hàng dược vẫn tự do bán thuốc là sai nguyên tắc. Vấn đề ở đây là các cửa hàng thuốc vẫn bán thuốc vì lợi nhuận. Việc này chúng tôi chưa thể quản lý được. Hiện nay chưa thể quản lý được các cửa hàng bán có đúng thuốc theo kê đơn không, có bán đúng thuốc được Bộ Y tế cấp phép hay không.
MC: Thưa PGS.TS Lưu Thị Hồng, mặc dù đã có nhiều chiến dịch vận động tuyên truyền phòng tránh thai nhưng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và tình trạng phá thai vẫn tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên? Phải chăng là do nhận thức về vấn đề sức khỏe sinh sản còn hạn chế?
PGS.TS Lưu Thị Hồng: Việc mang thai là của cá nhân nên mỗi cá nhân cần tự bảo vệ mình, tự quyết định để tránh mang thai ngoài ý muốn. Bản thân tuân thủ biện pháp tránh thai nào cho phù hợp. Cán Bộ Y tế thực hiện thủ thuật phá thai cần tuân thủ đúng nghiệp vụ, quy trình thực hiện... sẽ giảm tai biến do phá thai gây ra.
Trần Thị Hải Yến (Hà Nội): Con gái tôi năm nay 16 tuổi. Tôi thấy cháu hay nịt bụng, tôi hỏi thì cháu bảo đang tập thể dục giảm béo bụng. Nhưng càng ngày bụng càng to, thấy tôi nghi ngờ thì cháu cũng khai đang mang bầu được 4 tháng. Tôi rất đau khổ nhưng vẫn phải đưa cháu đi phá thai vì tương lai còn dài phía trước của cháu. Với trường hợp của cháu thì cần phá thai bằng phương pháp nào để đảm bảo an toàn cho cháu và sức khỏe sinh sản sau này?
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Minh: Với tình trạng thai nhi của cháu, thwo quy định của Bộ Y tế chỉ được phá thai ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Với thai 4 tháng, chúng tôi sẽ cho uống thuốc để sẩy thai tự nhiên, cháu sẽ tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn, tai biến về tử cung. Với những thai lớn, sẽ có nguy cơ chấn thương tử cung. Nếu được phá thai ở các cơ sở Y tế ở các cơ sở Y tế được cấp phép, những nguy cơ đó sẽ được cấp cứu kịp thời. Hằng năm, bệnh viện phụ sản TƯ vẫn giải quyết nhiều tai biến do pha thai thất bại của các em gái, bạn nữ được chuyển đến từ các phòng khám tư nhân. Điều này cho chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều ca phá thai quá chỉ định cho phép tại các cơ sở y tế tư nhân.
Vấn đề kiểm soát, giám sát tình hình phá thai của cơ sở y tế tư nhân thuộc về Sở y tế tỉnh/thành phố. Nếu chỉ vì tránh không muốn cho ai biết mà đưa cháu gái 16 tuổi đi phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân là một việc vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu phá được thia rồi, thì nguy cơ nhiễm khuẩn, chửa ngoài tử cung, hay vô sinh vẫn đe dọa các cháu. Gia đình nên đưa cháu đến cơ sở y tế đủ thẩm quyền do Bộ Y tế cấp phép.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!