Tỷ lệ người Việt cao huyết áp tăng rất nhanh

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua.

Tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 13, GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua: Năm 1960 chiếm 1,5% người trưởng thành, năm 1970 là 10,1%, năm 2000 trên 16% và hiện nay là 25,1% người từ 25 tuổi trở lên, tức cứ bốn người trưởng thành có một người bị tăng huyết áp. Ngoài ra, các bệnh động mạch vành, đột quỵ cũng gia tăng nhanh ở người Việt.

Dự tính số người Việt Nam bị cao huyết áp sẽ lên đến 10 - 11 triệu người trong thời gian tới nếu không có giải pháp kiểm soát, dự phòng hữu hiệu.

Theo ông Nguyễn Lân Việt, nguyên nhân của tình trạng này là do thói quen làm việc ngồi im một chỗ, chế độ ăn mặn, giàu đạm, chất béo, ít chất xơ, nhiều rượu, bia, thuốc lá và stress…

Tỷ lệ người Việt cao huyết áp tăng rất nhanh

Ảnh minh họa

GS.TS. Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh bị tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là các biến chứng về tim (như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim...); các biến chứng về não (như, xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do tăng huyết áp...); các biến chứng về thận (như đái ra protein, phù, suy thận) cùng với các biến chứng về mắt (như mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị).

Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt, tăng huyết áp là vấn đề không của riêng ai vì vậy thông tin giáo dục truyền thông về ý thức sức khỏe và phòng, chống tăng huyết áp là cần thiết và là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như: người cao tuổi, cán bộ, công chức văn phòng... “Tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng, chống được và vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân của mối chúng ta”, GS.TS Nguyễn Lân Việt khẳng định.

Bệnh nhân tim mạch thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chương trình mục tiêu phòng chống tăng huyết áp Quốc gia đã và đang được triển khai tích cực tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với mục tiêu cụ thể như nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh tăng huyết áp; xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp tại tuyến cơ sở; phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!