Đó là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, đây được coi là một trong những thách thức lớn nhất của việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Về nguyên nhân tại sao người Việt lại lựa chọn con trai, theo ông Nguyễn Đình Cử, nặng nhất là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho giáo. Nho giáo có hai định nghĩa về sinh con trai và con gái hết sức phi nhân văn. Định nghĩa thứ nhất là 'nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô', có nghĩa là một anh con trai gọi là có con, 10 cô con gái gọi là không có con. Điểm thứ hai là 'bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại', tức là có 3 loại bất hiếu nhưng không có con nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra) thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).
Điều tra của Tổng cục Thống kê đến năm 2014 cho thấy, tỉ số giới tính khi sinh thấp nhất là 106 bé trai/100 bé gái ở nhóm các bà mẹ không biết chữ. Tỉ lệ này tăng dần theo trình độ học vấn của người phụ nữ, lên đến 115 trai/100 gái ở những bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.
Bảng thống kê cho thấy người càng có trình độ và thu nhập thì càng lựa chọn giới tính thai nhi. Ảnh:K.V
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, gia đình có thu nhập cao thì việc lựa chọn giới tính khi sinh càng lớn, cụ thể tỷ số này là 113 bé trai/100 gái, trong khi đó nhóm dân cư nghèo đạt 107 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, người Việt càng có trình độ học vấn cao và có điều kiện kinh tế thì càng có kiến thức và điều kiện hơn để lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như trên, giáo sư Nguyễn Đình Cử có đưa ra các giải pháp về bất cập này. Đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức của người dân về giới tính. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, hương ước quy ước, khẩn trương xây dựng Luật dân số thay thế Pháp lệnh dân số đã ban hành được 16 năm.
Mặt khác, khi xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội cần chú trọng khía cạnh giới và phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật đối với những người vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Thực tế cho thấy, hầu hết phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh, nhưng rất ít địa phương xử phạt theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế, Dân số và Trẻ em.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!