U máu: đừng vội nghĩ đến xạ trị

Thời sự - 05/05/2024

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

U máu: đừng vội nghĩ đến xạ trị

Người tư vấn : Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện TW Quân đội 108, ủy viên Hội đồng khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Con em mới 5 tháng nhưng đã bị bệnh u máu. Lúc mới sinh cháu có một hạt bé như hạt đỗ ở sau tai nhưng bây giờ chỗ u đó đã lớn hơn 1cm. Em đi tham khảo một vài nơi thì được biết có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, như làm xạ trị hoặc tiêm trực tiếp vào khối u. Theo em được biết thì u máu là một bệnh lành tính, nhưng nếu điều trị không đúng cách, sẽ có những di chứng rất đáng sợ như teo tai, làm giãn mao mạch. Có người bảo nếu không xạ trị thì u sẽ lan ra, để lâu càng khó chữa. Em rất hoang mang, như đứng giữa ngã ba đường. Em mong sớm nhận được lời khuyên từ bác sĩ!

(L.C.M. -Phố Hàng Kênh,Hải Phòng)

U máu: đừng vội nghĩ đến xạ trị

Hình ảnh u máu ở trẻ em.

U máu (còn gọi là u huyết quản) tiến triển qua 3 giai đoạn: hình thành, phát triển và thoái lui. Đến tuổi lên 5, phần lớn u máu tự thoái lui, đặc biệt có những trường hợp không còn dấu tích của u máu trên cơ thể nữa. Có hai quan điểm trong việc lựa chọn phương pháp điều trị: 1/chờ đợi đến giai đoạn thoái lui mới can thiệp; 2/ phải điều trị ngay, không thì gia đình rất sốt ruột. Hiện nay, hầu hết các nhà chuyên môn đều thống nhất không nên điều trị u máu cho trẻ em bằng xạ trị, vì những biến chứng sau xạ trị là rất lớn. Bệnh nhân có thể bị teo mặt, teo da, teo xương ở những nơi xạ trị u máu. Các phương pháp điều trị khác mang lại kết quả khả quan mà không để lại nhiều hậu quả như xạ trị là tiêm xơ và laser. Đặc biệt, phương pháp điều trị laser có tác dụng tốt trong điều trị u máu nông, kể cả u máu ở da và trong niêm mạc (má, miệng). Nếu bạn không thể chờ đợi đến giai đoạn u máu thoái lui thì có thể đến các cơ sở uy tín như: Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Việt Đức, Khoa Laser - Bệnh viện TW Quân đội 108. Lời khuyên cuối cùng của tôi là bạn đừng vội nghĩ đến xạ trị mà hãy bình tĩnh để tìm phương pháp điều trị tốt nhất cho bé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!