Một con đường chông gai
Tháng 5/2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua dự luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi trong đó sửa điều 18 ‘cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính’ thành ‘không thừa nhận kết hôn giữa hai người cùng giới tính’. Điều này có nghĩa là các cặp đôi đồng tính có thể kết hôn nhưng không có giấy tờ hôn thú, đồng thời nhà nước cũng không giải quyết hậu quả hậu chung sống như chia tài sản, nuôi con,…
Có thể nói, quyết định trên gây thất vọng cho một bộ phận không nhỏ người ủng hộ hôn nhân bình đẳng nói chung và những người đồng tính nói riêng. Theo ThS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường: 'Việc bỏ điều 16 về giải quyết những vấn đề sau chung sống cùng giới sẽ gây hoang mang cho cộng đồng người đồng tính và gây hụt hẫng cho rất nhiều người, trong đó có gia đình của họ - vốn đang rất mong chờ pháp luật sẽ có thừa nhận pháp lý với quan hệ chung sống cùng giới tính'.
Mặc dù đây là vấn đề còn khá nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước Châu Á, nhưng theo một cuộc khảo sát về mức độ ủng hộ hôn nhân bình đẳng trên Vnexpress vào 6/2013 với hơn 3000 độc giả tham gia thì có đến 80% bạn đọc tán thành cho người đồng tính kết hôn, gần 10% phản đối kịch liệt và số còn lại không có ý kiến gì. Thêm vào đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự ủng hộ với nhóm giới tính thiểu số này như ông Dương Trung Quốc ‘nếu luật được trình lên quốc hội, tôi sẽ đồng ý', đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh thì: 'Việc này cần được nhìn nhận dưới góc độ quyền tự nhiên là con người',…
Cặp đôi Xíu và Megan hiện đang ở Úc đã cùng nhau vượt qua rào cản của gia đình để được bên nhau - Nguồn: motthegioi
Ủng hộ: Tại sao không?
Năm 1990, Tổ chức Y khoa thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách những bệnh tâm thần. Thêm vào đó, ở một số loài động vật có bộ gen gần với người như khỉ hay tinh tinh, các nhà khoa học cũng thấy mối quan hệ đồng tính giữa 2 con đực hoặc 2 con cái mà không vấp phải bất cứ sự phản đối nào của bầy đàn. Hai dẫn chứng trên đơn giản chỉ chứng minh một điều mà nhiều người cố gắng phủ nhận, hoặc không dám chấp nhận: đồng tính là điều hoàn toàn tự nhiên và có chăng yêu một người thì không bao giờ là tội.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 1,65 triệu người thuộc nhóm giới tính thiểu số, chiếm khoảng 3-4% dân số. Vì vậy, việc chấp nhận hôn nhân bình đẳng không hề ảnh hưởng đến giống nòi, cũng chẳng thể khiến 'tất cả mọi người thành đồng tính', hay cổ súy cho 'phong trào đồng tính' trong giới trẻ. Chắc chắn rằng, một người dị tính không thể biến thành một người đồng tính, hoặc 'chọn con đường' đồng tính để bị xã hội kì thị. Minh chứng rõ ràng hơn cả là ở Hà Lan, quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng (4/2001) thì chỉ số an sinh xã hội, chỉ số hạnh phúc của nước này đều nằm trong top đầu của thế giới, và vẫn chưa hề có dấu hiệu dân số nước này có nguy cơ tuyệt chủng vì người ta đổ xô kết hôn đồng giới.
Cặp đôi Nguyễn Ngọc Tiến và Alec Barnard - Ảnh minh họa
Ủng hộ hôn nhân bình đẳng chính là bảo vệ cho bạn bè, người thân, thậm chí anh chị em ruột trong nhà. Nhiều người cho rằng, đồng tính là việc ở 'trời Tây', nước mình thì cứ 'theo truyền thống', nhưng xem xét 3 mặt của vấn đề như sau:
- Anh, chị, em ruột trong gia đình bạn 'chẳng may' cưới nhầm một người đồng tính. Kết quả tất yếu của một cuộc hôn nhân không tình yêu là gì chắc hẳn ai cũng biết, còn chưa kể đến ảnh hưởng tâm lí mà người thân của bạn gặp phải khi biết bạn đời mình là người đồng tính và cuộc hôn nhân ấy, đứa con ấy chỉ đơn thuần là bức bình phong không hơn không kém.
- Nếu những người đồng tính không lấy nhau, chắc chắn họ sẽ tìm người dị tính để 'thực hiện truyền thống hôn nhân tốt đẹp bao đời nay', để 'trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng'. Tất nhiên, 'cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra', khi một ngày đẹp trời bạn ngỡ ngàng rằng, người 'đầu gối tay ấp' với mình chỉ yêu người cùng giới ngay cả trong giấc mơ.
- Những người đồng tính phải cố gắng lấy người dị tính cũng chịu chung số phận 'đồng sàng dị mộng'.
Rõ ràng, không ủng hộ hôn nhân bình đẳng gây bất lợi cho cả 3 phía trong khi nếu ủng hộ, bạn lại chẳng mất điều gì.
Ngoài ra, ủng hộ hôn nhân bình đẳng thể hiện tình thần yêu thương, sẻ chia đối với nhóm giới tính thiểu số; đồng thời thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân ta, đó là tinh thần tương thân tương ái, bảo vệ lẫn nhau. Dẫu vẫn biết, 'quy luật dành cho số đông', nhưng khi bạn san sẻ với mọi người, kể cả những người không quen biết, bản thân mỗi người đều thấy tâm hồn thanh thản hơn.
Ngọc Luyện
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!