Ứng phó nhiễm trùng tiết niệu cho "bà bầu" bằng thuốc

Mang thai - 05/15/2024

Bất kì người nào cũng có thể mắc phải các triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tránh gây hại cho thai nhi.

Triệu chứng và nguyên nhân

Nhiễm trùng tiết niệu xảy ra ở đường tiết niệu của cơ thể, bao gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Vi khuẩn là tác nhân chủ yếu gây ra các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu.

Dấu hiệu đầu tiên khi mắc bệnh là bệnh nhân đột nhiên muốn đi tiểu và đi tiểu thường xuyên; bí tiểu; cảm giác nóng rát và co rút ở vùng cơ lưng dưới hoặc vùng dưới rốn; cảm giác nóng rát khi đi tiểu; nước tiểu có màu đục hoặc có mùi khó chịu; có máu hoặc chất nhầy trong nước tiểu; cảm giác đau khi quan hệ tình dục; tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều lần. Khi vi khuẩn lan đến thận gây đau lưng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu hay xảy ra ở phụ nữ mang thai là do sự thay đổi hormon. Nước tiểu ứ đọng trong bàng quang do không tống hết ra được là tác nhân gây nhiễm khuẩn.Nước tiểu thường đặc hơn, chứa một vài hormon và đường - là môi trường phát triển thuận lợi cho vi khuẩn. Sức đề kháng của cơ thể phụ nữ mang thai giảm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nhiễm khuẩn tiết niệu không gây hại cho thai nhi. Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc các triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai từ tuần thứ 6 đến tuần 24 của thai kì.

Ứng phó nhiễm trùng tiết niệu cho "bà bầu" bằng thuốc

Vi khuẩn là tác nhân chủ yếu gây các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Các thuốc điều trị

Điều trị với kháng sinh phổ rộng là chủ yếu vì chưa dự đoán được chủng vi khuẩn gây bệnh ở thời điểm bắt đầu điều trị. Các yếu tố phải lưu ý khi lựa chọn kháng sinh là khả năng kháng thuốc của vi khuẩn trong cộng đồng, dược động học của thuốc, tác dụng phụ, thời gian điều trị và giá thành điều trị.

Kháng sinh nhóm beta - lactam: Do những thay đổi dược động học trong thai kỳ nên nồng độ huyết tương của thuốc giảm đi 50%. Ngoài ra, khả năng kháng thuốc của chủng E.coli có thể đến 60%. Trong nhóm này, cephalexin và penicillin là hai thuốc thường dùng trong thai kỳ nhất.

Nitrofurantoin là kháng sinh lý tưởng và an toàn trong thai kỳ. Do tỷ lệ kháng thuốc rất thấp nên đây là kháng sinh được dùng nhiều nhất trong điều trị nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nitrofurantoin có tác dụng kém với chủng Proteus (trực khuẩn gram âm, gây bệnh cơ hội) và có nhiều tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy).

Trimethoprim - sulfamethoxazol chống chỉ định dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ do tác dụng ức chế chuyển hóa folat của thuốc có thể gây khuyết tật ống thần kinh của thai nhi.

Sulfonamid không được dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ vì nguy cơ tổn thương não do vàng da sơ sinh và do những tác động lên chuyển hóa folat của thuốc.

Flouroquinoloncó thể gây nguy cơ bệnh khớp ở trẻ sơ sinh nên chống chỉ định dùng trong thai kỳ.

Lưu ý, thời gian điều trị kháng sinh ở phụ nữ có thai ít nhất là 7 ngày. Nếu sau 7 ngày, vi khuẩn vẫn còn hiện diện trong nước tiểu thì tiếp tục sử dụng một đợt 7 - 14 ngày kháng sinh cùng loại hoặc khác loại tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ. Hiện nay, chưa đủ chứng cứ ủng hộ việc sử dụng kháng sinh chỉ kéo dài 3 ngày trong điều trị khuẩn niệu không triệu chứng ở phụ nữ có thai.

Sau khi điều trị hết vi khuẩn trong nước tiểu, bệnh nhân vẫn cần cấy nước tiểu hàng tháng cho đến hết thai kỳ do khả năng tái phát lên đến 30%. Nếu tái nhiễm với cùng một chủng vi khuẩn hoặc tái phát với chủng vi khuẩn mới, phải điều trị đầy đủ như lần nhiễm khuẩn trước, dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Để tránh tái phát, bệnh nhân có thể được cân nhắc sử dụng kháng sinh hàng ngày liều thấp (cephalexin 125 - 250mg, nitrofurantoin 50 - 100mg) liên tục đến sau sinh. Tuy nhiên, sử dụng cephalosporin kéo dài có thể gây nhiễm nấm Candida mạn tính ở âm đạo.

Làm gì để phòng tránh nhiễm trùng tiết niệu?

Để phòng tránh, nên thực hiện: uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày; không sử dụng thực phẩm đóng gói sẵn, cà phê, rượu và đường; bổ sung vitamin, beta - caroten và kẽm; vệ sinh theo hướng từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh; đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục. Nếu cần một chất bôi trơn khi quan hệ thì nên chọn những sản phẩm thân nước. Không thụt rửa và tránh dùng các chất khử mùi, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn mạnh nhằm tránh kích ứng.Rửa vùng kín bằng nước ấm trước khi quan hệ; mặc quần lót bằng vải cotton; tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn và không mặc quần quá chật.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!