Ảnh minh họa.
Ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và thứ phát. Ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể đi vào gan gây ra các khối u di căn. Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng.
Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan.
Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: Ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
TS.BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K cho biết: Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị.
Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn; Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Trướng bụng; Vàng da, củng mạc mắt,…
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh: Sụt cân không rõ nguyên nhân; Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn; Luôn có cảm giác ngứa; Trướng bụng; Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Vàng da, củng mạc mắt; Đi ngoài phân trắng/bạc màu. Bên cạnh đó, thời gian sống của bệnh nhân ung thư gan chủ yếu phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh.
Đối với bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn 1 - giai đoạn sớm của bệnh, khối u vẫn khu trú trong gan, chưa lây lan tới các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trên cơ thể. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này, việc điều trị tập trung vào việc cắt bỏ khối u.
Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bệnh nhân rồi thực hiện xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại nhằm ngăn ngừa nguy cơ di căn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân được điều trị bằng những phương pháp khác như: TOCE, hóa trị, kết hợp nhiều liệu pháp với nhau,...
Nếu được điều trị tích cực ở giai đoạn này, kết hợp với sự chăm sóc thể chất, tinh thần tốt thì cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân là khoảng 31%.
Hiện có khoảng 30% bệnh nhân ung thư gan có thể phát hiện bệnh ở ung thư gan giai đoạn 2. Ở giai đoạn này, khối u đã xâm lấn vào các mạch máu, lan tới nhiều mô trong gan, kích thước khối u khoảng 5cm nhưng vẫn chưa lây lan tới các hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận.
Ở giai đoạn 2, phương pháp điều trị được ưu tiên sử dụng là phẫu thuật kết hợp với xạ trị và hóa trị. Xạ trị và hóa trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp phẫu thuật thuận lợi hơn hoặc sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, ngăn chặn nguy cơ di căn.
Bệnh nhân được điều trị tích cực cùng chế độ ăn uống, tập luyện khoa học có tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là khoảng 19%.
Ung thư gan giai đoạn 3 gồm 3 giai đoạn nhỏ là: 3A (có thể trên 1 khối u, khối u có kích thước tối thiểu 5cm, chưa xâm lấn tới các hạch bạch huyết và cơ quan xung quanh), 3B (có tế bào ung thư xâm lấn tới tĩnh mạch gan nhưng chưa lây lan tới các hạch bạch huyết và bộ phận lân cận) và 3C (tế bào ung thư lây lan sang các cơ quan lân cận như túi mật nhưng chưa xâm lấn các cơ quan ở xa).
Tùy vào mỗi giai đoạn, mức độ phát triển của khối u và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình điều trị riêng cho từng người.
Những phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến trong giai đoạn này là xạ trị, hóa trị, phẫu thuật hoặc nút mạch. Cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn 3 ở khoảng 11%.
BS Phạm Tuấn Anh cho rằng, ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.
'Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,….
Ngoài ra tiêm đầy đủ vắcxin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác', ThS.BS Phạm Tuấn Anh khuyến cáo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!