Ung thư miệng có đáng sợ?

Cần biết - 11/24/2024

Theo Dữ liệu ung thư toàn cầu năm 2018, ung thư miệng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Số ca mắc mới và số ca tử vong của ung thư miệng tương ứng là khoảng 350.000 và 177.000 ca.

Tại Việt Nam ước tính có đến hơn 900 trường hợp tử vong vì ung thư miệng. Đây là loại ung thư có liên quan đặc biệt đến thói quen hút thuốc, uống rượu hay một số yếu tố nguy cơ khác như nhai trầu hay virus HPV. Do đó, ung thư miệng rất phổ biến và là nguyên nhân gây chết hàng đầu tại các nước có thói quen tiêu thụ các sản phẩm cũng như có khả năng tiếp xúc với các nguy cơ này.

Ung thư miệng có đáng sợ?

Bệnh nhân liền thương sau mổ tốt. Các đường rạch bao gồm đường rạch chữ Y liên tục với đường rạch mặt trước cơ ngực lớn

Các dấu hiệu của bệnh ung thư miệng

Loét miệng kéo dài: Nếu trong miệng có vết loét không đau, hơi cứng, cộm nhưng 2-3 tuần không khỏi. Khó nuốt, khó nói, đau khi di chuyển lưỡi, sụt cân, mệt mỏi, khản tiếng bất thường...

Xuất thiện màu lạ trong miệng: Có thể là các vệt, đốm có màu đỏ hồng, trắng đục ở vị trí lưỡi, môi, nướu răng, niêm mạc má, vòm miệng, sàn miệng.

U cục trong miệng: Một số trường hợp không bị đổi màu trong khoang miệng, không có vết loé t mà xuất hiện u cục. Người bệnh có thể dễ dàng phát hiện bằng mắt thường hoặc sờ tay.

Chảy máu trong khoang miệng:Chảy máu có thể tự nhiên hoặc sau khi va chạm nhẹ, sau ăn hoặc sau khi đánh răng.

Nổi hạch vùng cổ không đau:Hạch thường gặp dưới xương hàm và dưới cằm, đôi khi có thể thấp hơn.

Không phải các bệnh nhân bị bệnh đều có tất cả các dấu hiệu trên. Bệnh nhân cần đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa Răng Hàm Mặt nếu có một hoặc vài dấu hiệu như trên kéo dài hơn 2 tuần.

Phương pháp điều trị bệnh ung thư miệng

Điều trị ung thư miệng là một điều trị phức tạp do vùng miệng mặt đóng vai trò quan trọng trong việc ăn uống, nói chuyện cũng như về mặt thẩm mỹ. Phương án điều trị chính bao gồm phẫu thuật và có thể có thêm xạ trị khi có hạch cổ dương tính với tế bào ung thư. Hoá trị có thể được dùng như là điều trị bổ sung.

Các bước điều trị phẫu thuật bao gồm:

- Nạo vét hạch cổ (Lấy hết các hạch có tiềm năng bị di căn đến hoặc đã di căn rồi).

- Cắt bỏ khối ung thư trong miệng

- Phục hồi khuyết hổng bằng vạt tự do hoặc tại chỗ (Lấy tổ chức từ nơi khác trên cơ thể để phục hồi khuyết hổng do khối u để lại)

Việc nạo vét hạch cần được tiến hành ngay cả trên những bệnh nhân có vùng cổ hoàn toàn bình thường do xác suất có những khối di căn nhỏ (chỉ phát hiện trên kính hiển vi) có thể lên đến 45%. Việc loại bỏ những hạch này từ sớm sẽ giúp tăng thời gian sống của bệnh nhân lên đáng kể.

Đối với vấn đề phục hồi khuyết hổng, từ lâu trên thế giới vạt tự do có sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu đã được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên phương pháp này không phù hợp với những bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân cũng như có chi phí cao.

Kỹ thuật nạo vét hạch cổ toàn bộ đã được khoa Phục hình Hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương triển khai từ nhiều năm trước. Gần đây, khoa Phục hình Hàm Mặt bắt đầu triển khai kỹ thuật phục hồi khuyết hổng vùng miệng bằng vạt cơ ngực lớn . Đây là loại vạt có kích thước lớn, có khả năng sống và độ tin cậy cao. Kỹ thuật này đã đem lại thêm những lựa chọn để có được phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bệnh nhân LNS, được chuyển từ tuyến dưới với khối u vùng lưỡi và sàn miệng bên phải kích thước 3 cm, có nhiều hạch sờ thấy tại vùng cổ. Bệnh nhân đã được kíp phẫu thuật của PGS.TS Lê Ngọc Tuyến và ThS. Đồng Ngọc Quang tiến hành kỹ thuật nạo vét hạch toàn bộ, cắt bỏ khối u và dùng vạt cơ ngực lớn để phục hồi khuyết hổng do khối u để lại. Được biết đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thực hiện kỹ thuật này. Sau phẫu thuật vết thương của bệnh nhân đã liền tốt. Các chức năng ăn nhai, nói chuyện cũng như chức năng vận động vai gần như bình thường. Bệnh nhân được xuất viện, và được hẹn quay lại theo dõi, điều trị tiếp. Vạt cơ ngực lớn cho phép có được một khối cơ lớn để che phủ và bảo vệ các cấu trúc quan trọng ở vùng cổ trong quá trình xạ trị tiếp theo.

Với các kỹ thuật tiên tiến và tư duy bài bản, khoa Phục hình Hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tiếp tục là nơi đi đầu trong việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân ung thư vùng miệng mặt.

Ung thư miệng có đáng sợ?

Hình ảnh liền thương của vạt cơ ngực lớn có kèm da dùng để tái tạo lưỡi và sàn miệng bên phải

Phòng bệnh thế nào?

Ngoài khối u tồn tại trong miệng, các tế bào ung thư miệng có khả năng di căn xuống các hạch bạch huyết ở cổ, thậm chí có thể di căn đến các cơ quan khác xa hơn. Nếu được phát hiện và điều trị sớm (khi hạch chưa thể sờ hoặc nhìn thấy), tỷ lệ khỏi và sống sau 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến gần 90%. Tuy nhiên ở các giai đoạn muộn hơn (khi hạch đã có thể phát hiện ra) thì tỷ lệ này chỉ còn từ 41 đến 64%. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư miệng là điều rất quan trọng để đạt được thành công trong điều trị.

Để phòng ngừa ung thư khoang miệng bác sĩ khuyến cáo nên tránh các tác nhận gây bệnh và đặc biệt nên có thói quen kiểm tra răng miệng định kỳ cũng như khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để có thể phát hiện được bệnh sớm nhất.

Cụ thể, chúng ta nên tránh hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia. Trong chế độ ăn, chúng ta cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!