Bạch sản là những mảng dày màu trắng được hình thành ở mặt trong của gò má, nướu hoặc lưỡi, những mảng trắng này được tạo ra bởi sự tăng trưởng các các tế bào quá mức và thường xuất hiện phổ biến ở những người hay hút thuốc lá. Đây là kết quả của sự kích ứng từ bên trong, chẳng hạn như bệnh nhân dùng răng giả không vừa miệng hoặc có thói quen nhai cắn vào trong má. Đôi khi bệnh bạch sản có thể dẫn đến ung thư miệng. Nha sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện kĩ thuật sinh thiết nếu nhận thấy các mảng trắng có dấu hiệu đe dọa đến sức khỏe của bạn.
Nha sĩ sẽ giám định các tổn thương bên trong và kiểm tra kết quả sinh thiết nhằm xác định hướng điều trị bệnh. Phương thức điều trị bắt đầu thông qua việc loại bỏ các yếu tố góp phần gây tổn thương khoang miệng, từ việc bỏ hút thuốc lá cho đến thay thế hàm răng giả/cầu răng không vừa miệng.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản là gì?
Những vết lở loét thông thường xuất hiện trên nướu, má trong, dưới nền miệng, và đôi khi cả trên lưỡi.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu sau, có thể bạn đang mắc bệnh bạch sản:
- Xuất hiện mảng màu trắng hoặc xám không thể tẩy sạch;
- Các mảng trắng có cấu trúc bất thường hoặc phẳng;
- Cảm giác dày hoặc cứng ngay tại khu vực bên trong khoang miệng;
- Đi kèm với những thương tổn màu đỏ (hồng sản), có khả năng dẫn đến những thay đổi tiền ung thư.
Những người bị suy yếu hệ miễn dịch do thuốc hoặc do bệnh tật, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc HIV/AIDS có thể mắc “bạch sản dạng lông”. Bạch sản dạng lông gây ra các mảng trắng mờ có hình dạng giống nếp gấp hoặc đường lằn ở 2 bên đầu lưỡi. Bệnh này thường bị nhầm lẫn với nấm miệng — một loại bệnh truyền nhiễm với dấu hiệu từ những mảng trắng mịn có thể tẩy ra, ngay khu vực kéo dài từ phía sau cổ họng lên đầu thực quản và cả bên trong gò má. Nấm miệng cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào về các triệu chứng, xin hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì khi bị bạch sản?
Mục tiêu của việc điều trị là nhằm loại bỏ các mảng bạch sản trong miệng. Loại bỏ các nguyên nhân gây kích ứng cũng giúp các mảng bạch sản biến mất. Bạn nên:
- Chữa trị các tác nhân răng miệng chẳng hạn như răng hô, bề mặt hàm răng giả có dấu hiệu bất thường, hoặc các miếng trám răng bất thường càng sớm càng tốt.
- Ngừng hút thuốc hoặc sử dụng các loại hình sản phẩm từ thuốc lá khác.
- Ngừng uống thức uống có cồn.
Nếu việc loại bỏ các nguồn kích ứng bên trong không hiệu quả, các bác sĩ sẽ đề nghị bôi thuốc lên các mảng trắng hoặc phải tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ chúng.
Đối với bệnh bạch sản dạng lông, việc sử dụng thuốc kháng virus thông thường sẽ làm các mảng bám biến mất. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thoa thuốc lên các mảng bám.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Đôi khi lở miệng cũng có thể gây phiền nhiễu mặc dù bệnh này không hề gây hại đến sức khỏe. Nhưng ở một số trường hợp khác, các vấn đề về miệng có thể dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng hơn.
Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn gặp bất kì trường hợp nào sau đây:
- Các mảng trắng hoặc vết lở loét trong miệng không tự lành hẳn trong 2 tuần.
- Nổi cục hoặc các mảng có các màu trắng, đỏ hoặc đen bên trong miệng.
- Những thay đổi kéo dài bên trong các mô miệng.
Làm thế nào để tránh mắc bệnh bạch sản?
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh bạch sản nếu bạn:
- Tránh xa thuốc lá. Hãy trao đổi với bác sĩ về phương pháp giúp bạn từ bỏ thuốc lá nếu đang hút. Nếu bạn, bạn bè hoặc gia đình bạn hút hoặc nhai thuốc lá, hãy khuyến khích họ đi khám nha khoa thường xuyên hơn. Ung thư miệng thông thường không gây đau đớn cho đến khi nó đã tiến triển đến một giai đoạn nhất định.
- Tránh hoặc hạn chế thức uống có cồn – một trong các yếu tố dẫn đến bệnh bạch sản và ung thư miệng. Kết hợp cả cồn và thuốc lá sẽ khiến các hóa chất độc hại trong thuốc lá dễ dàng thâm nhập vào các mô bên trong miệng.
- Đi khám nha sĩ định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bởi chúng có chứa các chất oxy hoá giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!