Có thời điểm, bản Nà Sành, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chứa tới 20 người bị HIV giai đoạn cuối. Nhiều gia đình một năm tiễn biệt 2 đứa con trai vì căn bệnh thế kỷ.
Một trong những hoàn cảnh đáng thương đó là bé Lương Văn T. (2 tuổi), đang lớn lên dưới sự chăm nom của ông bà và cô ruột. Khi T. sinh ra được chưa đầy 10 ngày, bố em đã ra đi mãi mãi.
Bố mất, mẹ bỏ đi khi
Ông Lương Văn Hà (60 tuổi) đã lần lượt chứng kiến hai đứa con trai ra đi vì nhiễm HIV là anh Lương Văn Quế (SN 1987) và anh Lương Văn Việt (SN 1991).
Anh Quế mất đi để lại 2 đứa con trai, còn anh Việt ra đi khi con trai chỉ mới sinh 10 ngày. Chị Lương Thị Ánh (20 tuổi), con gái út của ông Hà vừa bế cháu T. ngậm ngùi nói: 'Cu T. bé tí thế này mà đã chịu khổ từ nhỏ rồi, mới sinh ra thì bố mất, không lâu sau đó mẹ bỏ đi làm xa để cháu lại cho ông bà nuôi'.
Cũng theo chị Ánh, cho đến bây giờ, số lượng thanh niên trong bản nhiễm HIV vẫn đang còn là ẩn số bởi không ai đi khám hay đi xét nghiệm. Để đến lúc bệnh nặng vào giai đoạn cuối thì nằm ở nhà chờ chết.
Chị Lương Thị Ánh, dì của cháu Lương Văn T (Ảnh: Trịnh Nguyễn)
Ông Lương Văn Hùng, một người dân trong bản cho biết: 'Trước đây, trong bản có đợt 13 người phát bệnh cùng một lúc. Với người dân ở đây thì HIV cũng không có gì ghê gớm cả, người ta chỉ biết đến lúc bị bệnh nặng thì nằm chờ chết vậy chứ cũng không có chuyện chủ động thăm khám hay chữa trị gì cả'.
Cơn bão HIV bất ngờ tấn công bản nghèo khiến bản vốn đã hoang sơ giờ đây lại thêm xơ xác. Nhiều người bố, người mẹ mất con, vợ mất chồng và hàng chục đứa trẻ bỗng chốc rơi vào tình cảnh mồ côi cha và phải sống lay lắt từng ngày.
Mong cháu đủ tuổi để xét nghiệm HIV
Hi vọng mong manh về hai người con dâu và cháu không bị nhiễm HIV nhưng trong thâm tâm, ông Hà vẫn mong một ngày sẽ đưa các cháu đi xét nghiệm để biết chắc chắn. Còn với cu T. do còn bé quá nên phải chờ cho đủ tuổi. Và trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, có lẽ bản án của tử thần sẽ còn lơ lửng trên đầu đứa bé mới hơn 2 tuổi này.
Chị Lương Thị Ánh và cháu T (Ảnh: Trịnh Nguyễn)
Sống cùng với bà và cô ruột, thi thoảng mẹ T. cũng về thăm con rồi nhanh chóng đi ngay. Có lẽ giờ đây, ở cái tuổi quá bên kia dốc của cuộc đời, vợ chồng ông Hà chỉ mong muốn là có ngày sẽ nhìn thấy tờ giấy xét nghiệm của 3 đứa cháu là âm tính với HIV.
Ông Hà cho biết: 'Cũng chỉ dám mơ ước vậy thôi chứ tôi biết cũng khó lắm. Bởi vì khi biết chồng bị nhiễm HIV nhưng là người làm vợ, cả cái Minh và vợ thằng Quế cũng không lấy đó làm to tát. Hàng ngày chúng nó vẫn sinh hoạt vợ chồng cùng nhau, khi đi rẫy bị gai đâm chảy máu, hay thấy chồng bị xây xát, chảy máu chúng nó vẫn tự băng bó cho nhau nên khả năng lây nhiễm HIV là rất cao'.
Nỗi lo của ông Lương Văn Hà cũng là nỗi lo chung của những người dân bản Na Sành. Hi vọng, bà con dân bản, nhất là lớp trẻ hiểu được tác hại của căn bệnh thế kỷ-HIV mà xa lánh, đoạn tuyệt với ma túy, chí thú làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!