Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, lá gan khỏe cũng chỉ có thể thải độc 2 đơn vị cồn một ngày, nếu uống quá chén sẽ rất mệt, sức thải qua gan của cơ thể cũng có hạn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, không có một ngưỡng uống rượu bia nào được coi là an toàn. Gần như uống bất kỳ ở mức nào cũng có thể gây hại, phụ thuộc vào thể trạng người uống. Vì thế, người dân không nên thử uống rượu, thử sẽ quen dần, rất khó bỏ. Nếu uống thì không nên lạm dụng. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Theo điều tra năm 2015, tại nước ta hơn 77% nam giới và 11% nữ hiện tại có sử dụng rượu bia. Đến 44% nam giới uống mức nguy hại, tức ít nhất một lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên trong ba ngày.
Lượng rượu bia tiêu thụ ở nước ta cũng cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á. Bình quân đầu người cồn nguyên chất của riêng nam giới nước ta là 27,4 lít trong khi đó của châu Á chỉ có 15 lít, châu Âu cũng chỉ hơn 16 lít, châu Phi là 19 lít. Lượng tiêu thụ rượu ước tính một năm là 200 triệu nhưng con số này có lẽ còn ít hơn nhiều so với thực tế. Tương tự mỗi năm, Việt Nam cũng tiêu thụ trên 3 tỷ lít bia.
Tại Việt Nam, ung thư gan xếp vị trí thứ ba trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới; với hơn 9.000 ca bệnh mỗi năm (có thể tăng lên hơn 11.000 vào năm 2020). Tỷ lệ mắc và chết gần như xấp xỉ nhau. Điều đó cho thấy khả năng điều trị ung thư gan còn hạn chế. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư thế giới xếp ethanol vào nhóm chất gây 7 bệnh ung thư, trong đó có ung thư gan.
Ảnh: Mercola.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan, gan phải làm việc rất nhiều để chuyển hóa chất cồn thành chất khác trong đó acetaldehyde gây ung thư. Uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương ADN ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Rượu cũng gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư gan. Càng uống nhiều, gan càng làm việc nhiều, càng tăng nguy cơ ung thư gan, xơ gan sau này.
Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên tại những quốc gia uống rượu bia nhiều như Nga, Mông Cổ thì ung thư gan phổ biến hàng đầu. Y học đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư gan, tuy nhiên tại nước ta do phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao. 70% trường hợp được chẩn đoán ung thư tử vong ngay trong năm đầu tiên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!