Vắc-xin ngừa HPV: Những điều bạn nên biết

Kỹ năng sống - 05/05/2024

Tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng, vắc-xin đã có thể phòng tránh cho người phụ nữ những nguy cơ có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Vắc-xin ngừa vi-rút HPV (vi-rút gây u nhú ở người) không còn là cụm từ xa lạ với chị em phụ nữ. Đó được xem như tấm ‘áo giáp’ an toàn, bảo vệ người phụ nữ trước nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến sức khỏe sinh sản như: ung thư cổ tử cung (UTCTC), ung thư âm hộ, âm đạo, sùi mào gà sinh dục... 

Tuy nhiên, vẫn có những thông tin rất mới mẻ và hữu ích liên quan đến vắc-xin này mà bạn nên biết.

Vắc-xin ngừa vi-rút HPV có thể bảo vệ phụ nữ trước một số bệnh ung thư?

Nhắc đến ung thư, tất cả mọi người đều sợ hãi và xem đó như một ‘án tử’ trời kêu ai nấy dạ. Tuy nhiên, kỳ thực một số bệnh ung thư có thể phòng ngừa tích cực và chủ động, điển hình như ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là do vi-rút HPV gây ra. Đây là vi-rút gây u nhú ở người, rất dễ lây lan: Có đến 75% nam và nữ có khả năng nhiễm vi-rút HPV một lần trong đời. 

Bên cạnh ung thư cổ tử cung, HPV còn là nguyên nhân chính dẫn đến một số bệnh nguy hiểm khác như: Ung thư âm hộ, âm đạo, sùi mào gà sinh dục… Bốn chủng vi-rút HPV phổ biến nhất 6,11,16 và 18 chịu trách nhiệm phần lớn nguyên nhân gây ra các bệnh lý nêu trên.

Vắc-xin ngừa HPV: Những điều bạn nên biết

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều rất may mắn là người phụ nữ lại có thể chủ động bảo vệ chính mình (Vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ năm 2008). Chỉ cần tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng, vắc-xin đã có thể phòng tránh cho người phụ nữ những nguy cơ có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. 

Nếu đóng vai trò là người chị, người mẹ trong gia đình, bạn nên cho các bé gái tiêm phòng sớm. Nếu đã là một phụ nữ trưởng thành, bạn nên tìm hiểu và chủ động tiêm vắc-xin này cho bản thân mình. Độ tuổi được khuyến khích tiêm phòng vi-rút HPV dành cho nữ giới là từ 9 - 26 tuổi.

Tìm hiểu thông tin về việc tiêm ngừa vi-rút HPV?

Quan trọng và hữu ích như thế, nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mực đến vắc-xin ngừa vi-rút HPV. 

Kết quả từ một khảo sát thực hiện bởi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cùng với Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương cho thấy: Khảo sát 900 phụ nữ từ 18 - 45 tuổi tại TP.HCM và Hà Nội, có 49% người cho biết đã từng nghe về vi-rút HPV nhưng lại chỉ có… 4% đã tiêm ngừa vắc-xin này.

Thực tế, đã đến lúc nên dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến việc tiêm phòng vi-rút HPV, khi mà mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Mỗi ngày trung bình có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung.

Thông tin về việc tiêm ngừa vi rút HPV rất phổ biến. Bạn có thể tìm kiếm trên Internet, đến Viện Pasteur, Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Sản phụ khoa tại địa phương…

Hãy dành thời gian trao đổi cùng bác sĩ, hiểu thật cặn kẽ về vi-rút HPV và chủ động tiêm phòng sớm. An toàn, ít tốn kém, không gây đau đớn, không mất thời gian, vắc-xin ngừa vi-rút HPV như trang bị cho bạn và những người phụ nữ trong gia đình một tấm áo giáp từ bên trong, bảo vệ bạn một cách hiệu quả và tích cực.

Vắc-xin ngừa vi-rút HPV đang được chuẩn bị đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Theo GS. Nguyễn Trần Hiển, chủ nghiệm chương trình tiêm chủng mở rộng, 3 vắc-xin mới đang được chuẩn bị đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là vắc-xin phòng viêm phổi do phế cầu, vắc-xin phòng tiêu chảy do vi-rút Rota và đặc biệt là vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung do vi-rút HPV. 

Hiện Liên minh Vắc-xin và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ba vắc-xin này trong những năm đầu đưa vắc-xin vào chương trình.

Lý do đưa 3 loại vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng vì đây là ba căn bệnh có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Ba vắc-xin này cũng được cho là 3 vắc-xin hiệu quả. Ngoài ra, vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung do vi-rút HPV còn có thể phòng một số bệnh đường sinh dục khác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!