Vai trò của vệ sinh cá nhân với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ

Thời sự - 03/29/2024

Cơ thể trẻ nhỏ đang phát triển, sức chống đỡ với bệnh tập còn yếu nên dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn. Vệ sinh cá nhân không chỉ tác động trực tiếp đến sức khoẻ mà còn cả sự phát triển của trẻ.

Vệ sinh đúng cách đặc biệt quan trọng với trẻ em trong độ tuổi đến trường. Không chỉ đơn giản là đảm bảo cho trẻ trông thật chỉn chu, sạch sẽ bề ngoài mà vệ sinh cá nhân là cách hiệu quả để chủ động phòng ngừa bệnh tật.

Phần lớn các bệnh ở trẻ em đều lây lan từ trường học, nơi mà vi khuẩn phát tán nhanh hơn cả một đám cháy rừng. Vì vậy việc giáo dục trẻ em có thói quen vệ sinh từ khi còn nhỏ dựa trên sự hình thành phản xạ có điều kiện sẽ giúp trẻ có được những thói quen tốt có lợi cho sức khỏe, trẻ có thể giữ thói quen này đến suốt đời.

Vai trò của vệ sinh cá nhân với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ

Hình thành thói quen vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng. Ảnh minh hoạ

Trẻ em vệ sinh kém có thể phải chịu hậu quả cả về thể chất và tinh thần. Những thói quen vệ sinh chưa tốt có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị phát ban và nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm nấm…

Trẻ em có thói quen vệ sinh kém cũng có thể bị bạn bè trêu chọc, xa lánh hoặc bắt nạt – những hành vi dễ gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay với xà phòng – một hành động đơn giản để trẻ vệ sinh cá nhân - có thể ngăn ngừa các bệnh tật khiến hàng triệu trẻ em tử vong hàng năm bao gồm tiêu chảy và viêm phổi, là hai bệnh phổ biến gây nên nguyên nhân tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi.

Ngoài ra, bệnh tay – chân – miệng; sởi; thuỷ đậu; cúm… cũng được ngăn chặn phòng ngừa bắt đầu từ việc rửa tay với xà phòng.

Dạy trẻ vệ sinh cá nhân ra sao?

Đối với trẻ, vệ sinh cá nhân chủ yếu là giữ gìn thân thể sạch sẽ (đầu tóc, mặt mũi, chân tay, răng miệng, quần áo…), vệ sinh đồ dùng cá nhân. Cha mẹ cần dạy trẻ cách rửa mặt, rửa tay chân, đánh răng, chải đầu, mặc quần áo gọn gàng sạch sẽ, sao cho bé thích tắm gội sạch sẽ, rửa mặt, rửa tay trước khi đi ngủ; đánh răng sau khi ăn các bữa chính, buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Đặc biệt, điều đơn giản nhất nhưng cũng quan trọng nhất là giáo dục trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn. Việc này hãy bắt đầu từ chính cha mẹ để trẻ học tập, làm theo.

Vai trò của vệ sinh cá nhân với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ

Giáo dục trẻ ý thức vệ sinh môi trường, bỏ rác vào thùng rác, không vứt bừa bãi ra xung quanh. Ảnh: Thùy Dung

Chuyên gia Cục Quản lý môi trường Y tế khuyến cáo cha mẹ của trẻ hãy đảm bảo rằng trẻ rửa tay với xà phòng thường và nước sạch. Hãy dạy trẻ cách thoa kỹ, chà và rửa tay trong 15 giây hoặc lâu hơn thế. Sau đó, trẻ cần phải dùng 1 chiếc khăn sạch để lau khô tay.

Các bậc cha mẹ cũng cần dạy trẻ biết chùi mũi bằng khăn, khi ho và hắt hơi dùng khăn hoặc dùng tay che miệng. Không khạc nhổ bừa ra lớp, đi đại tiện, tiểu tiện phải vào nhà vệ sinh; Giáo dục trẻ thói quen đi giày dép khi đi ra đường, đội mũ khi đi ra ngoài nắng; Giáo dục trẻ thói quen uống nước đun sôi để nguội, nước các loại rau quả, hạn chế các loại nước ngọt có ga.

Bên cạnh đó, bất cứ làm việc gì có rác, bụi ở bàn ghế, sàn nhà như cắt xé giấy, gọt bút chì, chơi trò chơi…, cha mẹ cũng cần giáo dục trẻ biết tự mình quét dọn sau khi làm xong và đem bỏ vào thùng rác, không vứt bừa bãi ra xung quanh. Biết dọn dẹp đồ dùng, cất đồ chơi cẩn thận vào nơi qui định sau khi dùng hoặc chơi xong; Giường chiếu, tủ đồ chơi, giá khăn mặt, giá để ca cốc… phải luôn giữ gọn gàng, ngăn nắp.

Quy trình rửa tay thường quy: 6 bước rửa tay đúng cách

Vai trò của vệ sinh cá nhân với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ

Bước 1:Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.

Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.

Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Thời gian mỗi lần rửa tay là 30 giây. Các bước 3, 4, 5, 6 làm đi, làm lại khoảng 5, 6 lần.

Cùng nhau thực hiện rửa tay với xà phòng đúng cách hàng ngày, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân để phòng ngừa dịch bệnh.

(Nguồn: Cục Quản lý môi trường Y tế)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!