Vi-rút Zika: Vì sao 'quá nhanh, quá nguy hiểm'?

Sống khỏe mạnh - 05/12/2024

Zika - loại vi-rút lây truyền qua muỗi và có thể gây teo não ở thai nhi - đang lan truyền rất nhanh với diễn biến phức tạp.

Được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil vào tháng 5/2015, tính đến tháng 1/2016, vi-rút Zika đã ảnh hưởng tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ riêng khu vực châu Mỹ sẽ có tới 3-4 triệu người nhiễm vi-rút này.

Trước nguy cơ Zika bùng phát thành dịch trên toàn thế giới, WHO cùng các tổ chức y tế, viện nghiên cứu và chính phủ các nước đang triển khai những hành động khẩn cấp nhằm đẩy lùi vi-rút Zika, đồng thời bắt tay nghiên cứu tìm kiếm giải pháp phòng chống loại vi-rút này.

Phương thức lây truyền của vi-rút Zika

Vi-rút Zika lây truyền từ người sang người chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes mang vi-rút. Đây chính là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Muỗi Aedes không mang vi-rút Zika một cách tự nhiên. Nó đốt người bị bệnh, nhiễm vi-rút và sau đó tiếp tục truyền vi-rút sang người khỏe mạnh thông qua vết đốt.

Nghiên cứu cho thấy người mẹ nhiễm vi-rút ở giai đoạn cuối của thai kỳ có thể truyền vi-rút sang con trong quá trình sinh đẻ. Mặc dù trường hợp này khá hiếm gặp, phụ nữ mang thai vẫn được khuyến cáo nên cẩn thận, tránh lưu hành đến vùng đang có dịch. Nếu nghi ngờ bị phơi nhiễm vi-rút Zika, nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

Vi-rút Zika: Vì sao 'quá nhanh, quá nguy hiểm'?

Vi-rút Zika do muỗi lây truyền (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện vẫn chưa có bất kì báo cáo nào về việc trẻ sơ sinh nhiễm vi-rút Zika qua sữa mẹ. Do đó, WHO khuyến khích các bà mẹ ở khu vực có dịch bệnh tiếp tục cho con bú.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm vi-rút Zika nghi ngờ lây truyền do quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy vi-rút Zika trong tinh dịch. Tuy nhiên, vẫn cần thêm bằng chứng để khẳng định vi-rút Zika có thể lây qua đường tình dục.

Theo WHO, vi-rút Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phổ biến. Tuy nhiên, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chuẩn trong việc hiến máu và truyền máu để đảm bảo an toàn.

Vì sao vi-rút Zika lây lan nhanh?

Nguyên nhân đầu tiên khiến vi-rút Zika trở nên đáng lo ngại là người dân chưa từng phơi nhiễm nên không có miễn dịch vi-rút Zika trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các triệu chứng của người nhiễm vi-rút Zika khá giống với sốt xuất huyết, sốt siêu vi nên gây khó khăn trong việc xét nghiệm và chẩn đoán. Chưa kể, hiện chưa có vắc-xin và thuốc chữa trị căn bệnh này. Mặc dù các nhà khoa học đang khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa vi-rút Zika, có thể phải mất tới 10 năm để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Thứ hai, vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes có nguồn gốc từ châu Phi nhưng hiện rất phổ biến ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cùng với sự gia tăng đi lại, giao lưu giữa các khu vực, nguy cơ lan truyền muỗi Aedes sang các châu lục khác cũng tăng cao. Tại Việt Nam, muỗi Aedes xuất hiện ở hầu hết các khu vực, bao gồm miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

Vi-rút Zika: Vì sao 'quá nhanh, quá nguy hiểm'?

Loại vi-rút này là tác nhân gây ra tật teo não ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, việc bùng nổ dân số, quá trình đô thị hóa tăng nhanh và không đồng đều dẫn đến nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng như: nhà ở ẩm thấp, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường… Đây là điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes sinh sản và phát triển.

Theo WHO, để ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút Zika, biện pháp hiệu quả nhất cho đến thời điểm này là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh và tránh để muỗi đốt. Người dân được khuyến cáo giữ vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ, đậy kín các dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm, loại bỏ ao tù nước đọng và phun thuốc diệt muỗi định kỳ. Ngoài ra, nên sử dụng lưới chống muỗi, sử dụng màn khi ngủ, mặc quần áo dài và hạn chế di chuyển đến vùng có dịch để tránh muỗi đốt.

Theo BS Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng Quân đội: 'Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi-rút Zika, để phòng tránh lây nhiễm vi-rút Zika, cần chú ý phòng tránh muỗi đốt, cần mặc quần dài, áo dài tay, chú ý phòng tránh muỗi đốt vào ban ngày do muỗi Aedes hoạt động vào ban ngày là chủ yếu. Những người mẹ đang mang thai trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nên trì hoãn các chuyến công tác tới các quốc gia đang có dịch lưu hành'.

Hà Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!