Không thể phủ nhận vai trò của sữa về mặt dinh dưỡng đặc biệt là sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên nhiều người khi uống sữa, đặc biệt là sữa bò thường bị tiêu chảy hoặc buồn nôn.
Theo BS. CKI Trần Thị Minh Nguyệt - Viện dinh dưỡng Nutifood cho biết những trường hợp này gọi là dị ứng đạm sữa bò. Song dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ có thể không được nhận biết, thậm chí còn “đổ oan” cho bệnh đường tiêu hóa.
Dị ứng sữa bò là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần protein có trong sữa. Ảnh: Internet
'Di ứng đạm sữa bò là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần protein có trong sữa bò, lúc này hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, từ đó cơ thể sẽ tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (còn gọi là chất gây dị ứng)', BS. Nguyệt giải thích.
Theo đó, phản ứng này thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ, đôi khi vài ngày sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa với rất nhiều biểu hiện bệnh đa dạng ở nhiều cơ quan khác nhau. BS. Nguyệt cho hay đây là các dấu hiệu hay gặp là nổi mẩn đỏ, mề đay, buồn nôn, nôn ói, tiêu phân lỏng, có thể tiêu ra máu, có thể xuất hiện khò khè, khó thở, sốc phản vệ…
Chia sẻ về loại dị ứng sữa bò này, BS. Nguyệt cho hay: 'Dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền, những trẻ có bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, mày đay, hen, viêm mũi dị ứng… thì thường có nguy cơ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn những trẻ khác. Trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng có khả năng dị ứng với thực phẩm khác (trứng, cá, đậu phộng, thịt bò…) hoặc mắc một số bệnh lý dị ứng khác như viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng…'
Vậy cần làm gì khi dị ứng sữa bò?
Trao đổi với Pháp Luật TP. HCM, Bác sĩ Nguyệt lưu ý: 'Khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò cần đưa trẻ đi khám để xác định chẩn đoán. Trẻ đã được chẩn đoán là dị ứng đạm sữa bò thì phải kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò, cũng không nên dùng các sản phẩm có chứa sữa động vật nói chung (như sữa dê, sữa trâu…)'
Ngoài ra phải kiểm soát tất cả những thực phẩm trẻ ăn hoặc uống, lưu ý các thực phẩm trong thành phần có chứa sữa như bánh, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn…nên đọc kỹ nhãn sản phẩm...
Bác sĩ Nguyệt cũng cho hay, tùy trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng sữa đậu nành hoặc sữa có đạm ở dạng thủy phân cho các trường hợp này.
Thông thường dị ứng đạm sữa bò có thể hết sau 1-3 tuổi, do đó theo thời gian bác sĩ có thể đánh giá lại và cho trẻ thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường có chứa sữa bò, tuy nhiên chỉ thực hiện khi có chỉ định và dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, nếu không có phản ứng nào xảy ra trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn có sữa và những chế phẩm từ sữa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!